• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Người đi ngược nắng

Nguồn tin: Nông Nghiệp VN, 28/04/2019
Ngày cập nhật: 1/5/2019

Công việc kinh doanh vận tải đang thuận buồm xuôi gió, không ai nghĩ ông Khánh lại quyết định thử sức với nghề nuôi trồng thủy sản. Đối diện với hàng loạt mối hồ nghi nhưng người đàn ông dạn dày sương gió đã sớm khẳng định…

Bàn tay vàng

Ông Nguyễn Văn Khánh (SN 1964) sinh ra và lớn lên tại vùng đất thuần nông Quỳnh Minh (Quỳnh Lưu, Nghệ An). Cuộc sống khốn khó từ tấm bé đã trui rèn nên tính cách mạnh mẽ, không ngại khó ngại khổ trong ông.

Chỉ sau 6 năm ngắn ngủi, ông Nguyễn Văn Khánh đã khẳng định được vị thế “vua tôm”

Khác hẳn với cánh thanh niên đồng trang lứa sớm an phận thủ thường, bản thân ông luôn ấp ủ hoài bão lớn lao nhằm sớm thoát ra khỏi lũy tre làng. Ít ai biết được rằng, 25 năm trước khi người người nhà nhà còn loay xoay với nghề muối truyền thống cốt kiếm đôi cắc bạc lẻ trang trải cuộc sống thường nhật thì bản thân ông Khánh với tuổi đời mới chấm 30 tuổi đã cho thấy sự mạnh bạo trong cách nghĩ, dám đứng ra vay vốn ngân hàng sắm sửa ô tô tải quyết chí làm lớn.

Có phương tiện trong tay, ông tiến hành thu gom muối số lượng lớn rồi vận chuyển đi tiêu thụ khắp Nam chí Bắc, ngày đêm rong ruổi như con thoi trên các cung đường. Thị trường chiều lòng người, lại không vấp phải quá nhiều sự cạnh tranh nên chỉ sau một thời gian ngắn đã tích cóp được cho mình lưng vốn khá đầy đặn.

Với đầu óc nhạy bén ông Khánh thừa thông minh để nhận thấy nghề muối khó tồn tại bền vững trong xu thế mở, xuất phát từ suy nghĩ đó ông dần chuyển hướng sang kinh doanh các loại rau màu. Quả thực đây là hướng đi hết sức đúng đắn, bởi không riêng gì Quỳnh Minh mà dọc các xã vùng bãi ngang của huyện Quỳnh Lưu từ lâu đã có thế mạnh về mặt hàng này. Nhờ chủ động được đầu vào, lại nắm bắt được xu thế của người tiêu dùng nên tình hình ngày càng xuôi chèo mát mái, nguồn thu tăng lên giúp kinh tế gia đình dần đi vào ổn định, cái đói cái nghèo vì thế không còn là mối bận tâm.

Thành công đến dồn dập không khiến ông Khánh tự mãn, ông luôn xác định “cuộc sống là một vòng quay không ngơi nghỉ, nếu bạn không bắt kịp sẽ bị đào thải”. Nhận thấy trong bối cảnh kinh tế hội nhập ắt nhu cầu đi lại của người dân sẽ tăng cao, năm 2006 ông quyết định chơi “canh bạc tất tay” khi dồn toàn bộ số vốn tích cóp được sau nhiều năm lăn lộn, cộng thêm hàng tỷ đồng vay mượn đầu tư tất tần tật vào lĩnh vực kinh doanh vận tải.

Nhằm hạn chế tối đa rủi ro có thể xảy đến, ban đầu ông Khánh chủ trương lấy “lốt” chạy địa bàn nội tỉnh, khi thấy tình hình dần đi vào ổn định mới chuyển tuyến liên tỉnh nhằm thu hồi đống vốn. Liệu tính như thần, từng đường đi nước bước như thể được sắp đặt sẵn giúp thương hiệu “xe khách S.C.” của ông ngày càng bay cao.

Sở hữu đội xe trên chục chiếc cùng lượng khách ruột hùng hậu, dĩ nhiên nguồn thu có được không hề nhỏ, bản thân ông hoàn toàn có thể kê cao gối ngủ ngon hưởng thụ thành quả mà chẳng cần phải nhọc công toan tính. “Số tôi vất vả quen rồi, an nhàn không chịu được. Mỗi lĩnh vực trải qua đều mang lại những trải nghiệm cực kỳ thú vị và hữu ích, đầu óc còn minh mẫn thì vẫn phải chiến đấu, bao giờ sức cùng lực kiệt hãy tính đến việc nghỉ ngơi”, ông tâm sự.

Không nói chơi, năm 2013 ông Khánh khiến ai nấy mắt tròn mắt dẹt khi chuyển hướng đầu tư nuôi trồng thủy sản…

Tay ngang thắng lớn

Tầm 7 - 10 năm về trước, khắp các vùng bãi ngang thuộc các huyện Diễn Châu, Quỳnh Lưu hay thị xã Hoàng Mai nghề nuôi tôm phát triển cực thịnh. “Cờ bạc thường chiều tay mới”, chẳng thế người nuôi chỉ việc xuống tiền là ung dung rung đùi thu về tiền tấn, từ chỗ phải chạy vạy lo toan từng bữa đói, nhiều hộ sau một đêm vươn mình lên hàng đại gia lắm của nhiều tiền.

Lúc thuận buồm xuôi gió con tôm là tấm bùa hộ mệnh, là cứu cánh của hàng trăm, hàng ngàn người dân đất biển. Thấy bở ăn nhà nhà đầu tư, người người đầu tư ồ ạt như thác đổ, chẳng mấy chốc dẫn đến tình trạng cung vượt quá cầu, cộng thêm yếu tố bất thuận của thiên tai và dịch bệnh xuất hiện tràn lan nhanh chóng đẩy người nuôi vào tình trạng khốn cùng. “Đồng tiền đi liền khúc ruột”, không đành lòng nhìn của nả trôi tuột theo dòng người nuôi ra sức níu kéo, đau xót thay càng vẫy vùng càng chìm nghỉm.

Con tôm được nuôi trong điều kiện tốt nhất nên tốc độ phát triển rất ổn định

Chính bởi lẽ đó, dẫu được biết đến là người nhanh nhạy với thời cuộc nhưng khi ông Nguyễn Văn Khánh đầu tư vào con tôm ai nấy đều tỏ ra ái ngại. Nhiều thành phần độc miệng lớn tiếng chê bai hết lời, họ cho rằng đầu óc ông có vấn đề mới đi ngược lại với xu thế, rằng chẳng chóng thì chầy cũng chuốc lấy thất bại mà thôi.

Những tưởng luồng ý kiến phản bác sẽ khiến ông lung lay, nào ngờ điều đó càng thôi thúc ông hoàn thành cho bằng được. Nói là làm, năm 2013 được sự quan tâm của chính quyền địa phương cùng đơn vị chuyên ngành ông Khánh mạnh dạn thầu lại quỹ đất rộng 7ha trong thời hạn 20 năm, sau đó huy động phương tiện, thuê mướn nhân công ngày đêm ròng rã đắp đập, be bờ hình thành vùng nuôi.

“Xắn tay vào cuộc mới thấy khó nhằn đến nhường nào, vốn liếng kiến thức hạn hẹp khiến mình bị động trong nhiều tình huống. Thời gian đầu quả thực rất gian nan, đỉnh điểm có năm gia đình tôi mất trắng hơn tỷ đồng, xót của niềm tin cũng hao mòn theo. May sao tình hình về sau dần khởi sắc, mọi nút thắt cơ bản đều có hướng tháo gỡ”, chủ đầm trút bầu tâm sự.

“Vua tôm” Nguyễn Văn Khánh quả quyết, chính việc tiến tới áp dụng theo quy trình của C.P (Công ty CP Chăn nuôi C.P. Việt Nam) cuối năm 2016 thay thế cách làm truyền thống trước đó là bước ngoặt mang tính then chốt.

Trang trại tôm của ông Khánh áp dụng theo quy chuẩn của C.P

Chia sẻ bí kíp, “vua tôm” khiêm tốn: “Người nuôi chỉ cần chủ động phương án xử lý ao đầm, nguồn nước, đảm bảo chất lượng con giống, cộng thêm mưa thuận gió hòa thì nắm chắc phần thắng rồi”.

Bước đầu ông chia lại tỷ lệ ao nuôi (từ 5.000m2/ao xuống 2.000 m2/ao), sau đó thực hiện kiểm soát chất lượng đầu vào (chỉ nhâp con giống đã được kiểm định kỹ lượng của C.P và Việt Úc), kế tiếp là tập trung xử lý nguồn nước và môi trường xung quanh. Khi đã hoàn tất những bước cơ bản, gia đình tiến tới đầu tư kinh phí lắp đặt hệ thống bạt che hiện đại bậc nhất (trên 200 triệu đồng/2.000m2) đảm bảo giảm 50% nắng nóng vào mùa hè và hạn chế tối đa lạnh giá vào mùa đông.

Tuân thủ nghiêm ngặt các bước giúp ngăn ngừa tối đa tình hình dịch bệnh, tỷ lệ ao đầm bị đốm trắng, hoại tử gan, tụy cấp gần như không xảy ra. Con tôm được chăm bẵm trong điều kiện tốt nhất cho thấy sự khác biệt rõ rệt, nếu trước kia trọng lượng loanh quanh mức 80 - 90 con/kg thì nay rút xuống hơn ½, chỉ dao động 30 - 40 con/kg. Chất lượng nâng lên tác động rõ đến thị trường tiêu thụ, đối tác không chỉ gói gọn phạm vi lân cận mà mở rộng ra tận thủ đô Hà Nội, chưa kể lượng lớn bạn hàng từ Trung Quốc.

Những con số thống kê đã nói thay tất cả, trong vòng 3 năm đổ lại tình hình kinh doanh của trại tôm diễn tiến vô cùng thuận lợi, hàng năm gia đình đều đặn xuất ra thị trường từ 40 - 50 tấn hàng, doanh thu cao ngất ngưởng trên dưới 8 tỷ đồng/năm, trừ khoảng 60% chi phí còn lãi ròng trên 3 tỷ.

Đánh giá về mô hình, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Quỳnh Lưu Đậu Đức Năm tâm đắc: “Xuyên suốt quá trình thực hiện, từng đường đi nước bước đều được triển khai hết sức bài bản và khoa học, cách làm của ông Nguyễn Văn Khánh đã tạo nên hiệu ứng dây chuyền tích cực đến phong trào nuôi trồng thủy sản trên địa bàn”.

Năm 2018, Trung tâm Khuyến nông Nghệ An triển khai 2 mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng thâm canh bằng công nghệ Semi Biofloc. Quy trình công nghệ Semi Biofloc rất khắt khe, bên cạnh yếu tố kinh nghiệm, các hộ phải đảm bảo triển khai theo tiêu chuẩn VietGAP (có ao lắng lọc nước; có lưới tản nhiệt che mặt ao về mùa hè và ấm vào mùa đông; phải biết lấy mẫu phân tích môi trường hàng ngày; phải dùng chế phẩm sinh học để duy trì...). Sau quá trình “so bó đũa chọn cột cờ”, hộ ông Nguyễn Văn Khánh là trường hợp duy nhất trên địa bàn huyện Quỳnh Lưu được “chọn mặt gửi vàng”. Kết quả thực tế cho thấy niềm tin không đặt sai chỗ, chỉ sau 3 tháng áp dụng số lượng tôm trong ao phát triển nhanh, khỏe, sản lượng đạt bình quân từ 40 - 45 con/kg, tương đương năng suất trên 30 tấn/ha. Trừ chi phí liên quan lãi gấp 2 lần so với nuôi truyền thống.

VIỆT KHÁNH

Các tin mới

 

Nhấn vào đây để xem các tin trước

Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang