Nguồn tin: Báo Sóc Trăng, 06/05/2019
Ngày cập nhật:
7/5/2019
Theo kế hoạch trong năm 2019, tổng diện tích đất nuôi trồng thủy sản của tỉnh Sóc Trăng là 72.900ha; trong đó, diện tích nuôi tôm nước lợ là 49.700ha, sản lượng 138.500 tấn và nhu cầu giống đáp ứng cho diện tích nuôi tôm nước lợ từ khoảng 16 tỉ đến 18 tỉ con giống. Để vụ tôm nuôi năm 2019 đảm bảo năng suất và chất lượng, hơn tháng qua, nông dân tại các địa phương đã và đang tất bật chuẩn bị thả nuôi vụ mới.
Ông Lâm Thơm, xã Liêu Tú (Trần Đề) bộc bạch: “Tôi nuôi tôm tính đến nay đã hơn chục năm. Có thể nói nuôi tôm cho thu nhập cao gấp nhiều lần so với cây lúa, nhưng cũng phập phồng lo lắng bởi thời tiết mưa nắng bất thường, rồi môi trường ngày càng khắc nghiệt, kèm theo đó là nguồn nước nuôi tôm bị ô nhiễm nên đã ảnh hưởng ít nhiều đến con tôm nuôi. Nhiều loại thuốc hay thức ăn dùng trên con tôm… mình xem loại nào phù hợp (tùy vào điều kiện thời tiết) cũng là vấn đề nan giải. Trong quá trình thả nuôi tôm, ngày nay bà con nông dân chúng tôi luôn theo dõi sát lịch xuống giống của các ngành chuyên môn khuyến cáo, chọn giống tôm nuôi có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, thường xuyên tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật về cách nuôi tôm, độ mặn cần thiết thả nuôi”. Cũng theo ông Thơm, hiện gia đình ông có 2 ao tôm, với diện tích gần 2ha, thả nuôi tôm thẻ chân trắng, thời gian thu hoạch nhanh, một năm nuôi được vài vụ, nếu gặp thuận lợi, số tiền thu về tầm 150 - 350 triệu đồng/năm.
Nhiều hộ nuôi tôm sử dụng lót bạt ao nuôi để thả tôm nước lợ.
Đang gấp rút cải tạo ao nuôi tôm của gia đình, ông Sơn Phol, xã Vĩnh Hải (TX. Vĩnh Châu) tâm tình: “Nhiều năm qua, tôi không còn nuôi tôm theo kinh nghiệm bản thân, bởi giờ đây có nhiều phương pháp nuôi tôm hiện đại mình cần phải học hỏi làm theo, chứ nuôi theo kiểu truyền thống sẽ không đảm bảo năng suất như các hộ nuôi khác. Nếu như trước đây, tôi thích thả tôm ngày nào thì cải tạo ao thả đúng ngày đó; giờ thì tuân thủ theo đúng lịch thời vụ của địa phương để vụ tôm thắng lợi, nuôi được mùa, được giá sẽ thu về khoảng 120 - 200 triệu đồng/năm”.
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Huỳnh Ngọc Nhã thông tin, hiện tại toàn tỉnh đã thả nuôi tôm nước lợ với diện tích 13.047ha/49.700ha, trong đó, tôm thẻ chân trắng với diện tích 9.768ha, tôm sú với diện tích 3.279ha, diện tích thiệt hại 441ha và diện tích thu hoạch 1.348ha, sản lượng 8.460 tấn. Mục tiêu chung của ngành nông nghiệp trong vụ tôm nuôi nước lợ năm 2019 là thực hiện thắng lợi chỉ tiêu về diện tích, sản lượng, hạn chế thấp nhất tỷ lệ thiệt hại. Đồng thời, từng bước ứng dụng công nghệ sinh học, tự động hóa vào sản xuất con giống, thức ăn, chế biến tôm… Chính vì vậy, ngành nông nghiệp đề ra các giải pháp trọng tâm là đối với các vùng, cơ sở nuôi, nhất là hộ nuôi nhỏ lẻ không đáp ứng đủ điều kiện nuôi và cụ thể là không chủ động được nguồn nước thì hạn chế không thả nuôi vào các khoảng thời gian mà thời tiết khắc nghiệt (tháng 3 - 4 nắng nóng và độ mặn cao và tháng 7 - 8 mưa dầm).
Đối với mô hình có khả năng đáp ứng yêu cầu điều kiện nuôi, mô hình nuôi thâm canh, bán thâm canh, ứng dụng công nghệ cao, nuôi 2 giai đoạn có thể bố trí rải vụ quanh năm nhưng cần chủ động dự trữ nước, nuôi nước, có giải pháp ứng phó nắng nóng kéo dài hay đang nắng gắt chuyển sang mưa và mưa dầm kéo dài. Đồng thời, tất cả các mô hình nuôi tôm cần chú trọng vận dụng các mô hình nuôi hiệu quả như: mô hình nuôi 2 giai đoạn, mô hình ứng dụng vi sinh, mô hình nuôi tôm kết hợp nuôi cá hoặc kết hợp nuôi tôm càng xanh toàn đực với thẻ hoặc sú, đặc biệt là mô hình đa dạng hóa sinh học trong ao nuôi, nuôi ao lót bạt; xây dựng lịch xuống giống phù hợp theo từng địa phương cũng như tăng cường tuyên truyền về lịch mùa vụ thả nuôi tôm để bà con nắm; mở các lớp tập huấn kỹ thuật, giới thiệu và hướng dẫn người nuôi tôm áp dụng các mô hình nuôi đạt hiệu quả, ứng phó hạn mặn, thời tiết bất lợi và phòng chống dịch bệnh.
Bên cạnh các giải pháp về nghề nuôi tôm, đồng chí Huỳnh Ngọc Nhã còn nêu các giải pháp về tổ chức và quản lý sản xuất, như: phát triển các mô hình hợp tác, liên kết dựa trên tổ chức sản xuất các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ, phân tán thành các tổ hợp tác, hợp tác xã, chi hội nghề nghiệp để tạo ra các vùng sản xuất nguyên liệu lớn, tập trung làm đầu mối liên kết với các doanh nghiệp cung ứng vật tư đầu vào và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị, giảm bớt các khâu trung gian; nghiên cứu, hình thành các doanh nghiệp xã hội trong nuôi, chế biến và tiêu thụ sản phẩm tôm theo vùng sản xuất để nâng cao hiệu quả sản xuất và giá trị sản phẩm; kiểm tra, kiểm soát hệ thống sản xuất và phân phối con giống, thức ăn, thuốc, hóa chất, vật tư phục vụ ngành tôm, quan trắc môi trường và kiểm soát chặt tình hình dịch bệnh tại các vùng nuôi tôm tập trung, giám sát chặt chẽ nguồn nước cấp, nước thải của các cơ sở nuôi, chế biến tôm.
Thúy Liễu
- Kỹ thuật nuôi tôm, nuôi cá, phòng trị bệnh tôm, cá và các loại thủy sản khác
Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.