Nguồn tin: Nhân Dân, 10/05/2019
Ngày cập nhật:
12/5/2019
Thời gian gần đây, cá tra thương phẩm tăng giá cao, nhiều nông dân và doanh nghiệp ở đồng bằng sông Cửu Long đã quay lại với nghề và mở rộng diện tích nuôi, khiến nhu cầu cá giống tăng mạnh và dẫn đến tình trạng nông dân ở các tỉnh Long An, Tiền Giang, Đồng Tháp, An Giang… “tự phát” chuyển đổi đất trồng lúa sang đào ao ương cá tra giống.
Nhiều nông dân trên cánh Đồng Tháp Mười, tỉnh Long An tự phát chuyển đổi đất lúa sang ương cá tra bột lên cá giống thua lỗ nặng.
Tuy nhiên, việc phát triển “nóng”, không theo quy hoạch đã dẫn đến tình trạng dịch bệnh trên cá diễn ra nhanh đang làm ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả kinh tế trong từng nông hộ và sự phát triển kinh tế nông nghiệp không bền vững tại các địa phương.
Long An là địa phương phát triển “nóng” nghề ương cá tra bột lên cá giống. Chỉ trong hai năm trở lại đây nông dân các huyện Tân Thạnh, Tân Hưng, Thạnh Hóa, Kiến Tường, Mộc Hóa, Vĩnh Hưng nằm trên cánh Đồng tháp Mười đã đua nhau chuyển hơn 4.000 ha đất trồng lúa hai và ba vụ thành ao nước để ương cá tra giống. Huyện Tân Thạnh là địa phương phát triển “nóng” nhất, thua lỗ nhiều nhất, quyền sử dụng đất giao cho ngân hàng giữ nhiều nhất. Số liệu thống kê của UBND huyện Tân Thạnh là một minh chứng: Năm 2017, toàn huyện có khoảng 20 ha ương cá tra bột lên cá giống, đến tháng 11 năm 2018 tăng lên trên 634 ha và đến tháng tư năm 2019 diện tích tăng lên trên 1.200 ha. Hệ quả của sự phát triển “nóng” này đã làm cho 80% hộ dân theo nghề thua lỗ nặng. Tương tự, ở huyện Tân Hưng sau hơn hai năm phát triển “nóng” đã có 1.037 hộ dân đã chuyển đổi hơn 1.800 ha đất lúa sang đào ao ương cá tra bột lên cá giống. Hệ quả đến tháng tư năm 2019, toàn huyện có đến 709 hộ thua lỗ, chiếm 68% trên tổng 1.037 hộ tham gia nghề ương cá giống.
Nông dân Đỗ Tương Liêm, xã Bắc Hòa, huyện Tân Thạnh cho biết: Cách đây sáu tháng, thấy bà con trong ấp đào ao ương cá tra giống có lời cao nên đã thuê máy móc về đào 1,3 ha đất trồng lúa ba vụ để ương cá giống. Trong vụ đầu thả nuôi được khoảng hơn 40 ngày thì cá bị bệnh chết hàng loạt, khi đó mua thuốc thuốc đổ xuống ao để trị bệnh và kết cục là tốn nhiều tiền, cá thì vẫn bệnh chết. Ngay vụ đầu tiên lỗ gần 140 triệu đồng. Tiếp tục thả ương vụ thứ hai được hơn 40 ngày tuổi cá cũng bị nhiễm bệnh chết trắng ao, hơn 160 triệu đồng đầu tư mất sạch. Qua hai vụ thả ương cá bột thua lỗ khoảng 300 triệu đồng, cộng với chi phí đào ao, trang thiết bị phục vụ quá trình nuôi… gia đình thiếu nợ hơn 400 triệu đồng. Để giải bài toán con nợ của cá tra giống, gia đình phải bán hai ha đất trồng lúa trả. Còn anh Ngô Thanh Phong, xã Hưng Điền B, huyện Tân Hưng sau bốn vụ ương cá không đạt giờ đã mất trắng hơn 100 triệu đồng. Bây giờ, đi tới đâu trên các vùng ương cá tra giống cũng nghe người nuôi than cá bị nhiễm bệnh, ương không đạt, giá cả bấp bênh, thua lỗ nặng.
Một cán bộ trong ngành nông nghiệp Long An cho biết: Nghề ương cá tra bột lên cá giống ở Long An phát triển nóng là xuất phát từ những người dân từ Đồng Tháp, An Giang Đến Tân Hưng, Tân Thạnh… thuê đất đào ao ương cá giống thu lãi ròng, bà con thấy hiệu quả kinh tế cao đã bỏ lúa chạy đua với nghề ương cá tra bột lên cá giống. Lúc khởi điểm, môi trường nước tốt, ít xảy ra dịch bệnh, chi phí vật tư thuốc thú y thủy sản thấp, nhiều hộ dân thu lãi cao vài chục lần so với trồng lúa. Chính vì lợi nhuận cao dẫn đến tình trạng phát triển “nóng” không theo quy hoạch đã dẫn đến dịch bệnh trên cá diễn ra nhanh, chất lượng cá bột giảm, tỷ lệ ương thành công thấp, tốn nhiều chi phí cho vật tư thuốc thú y thủy sản… dẫn đến thua lỗ nặng.
Mặt khác, hệ thống thủy lợi hiện hữu không cung cấp đủ nước cho vùng nuôi và không có kênh cấp, thoát nước riêng biệt, nhiều ao cá giống bị nhiễm bệnh người nuôi xã trực tiếp ra kênh thủy lợi dẫn đễn dịch bệnh lây lan trên diện rộng. Mặt khác, do nhu cầu cá bột tăng cao nên các cơ sở sản xuất cá bột ở Tiền Giang, Đồng Tháp, An Giang ép cho cá bố mẹ sinh sản liên tục bốn đến năm lần trong năm dẫn đến tỷ lệ thành công thấp, chỉ 5% đến 7% trên tổng số lượng cá bột thả ương. Khi cá bố mẹ bị ép sinh sản trứng non sau đó ương lên cá giống thì xuất hiện tinh trạng cá không kỳ chiếm tỷ lệ cao, thương lái ép giá. Nhiều ao cá không kỳ chiếm tỷ lệ cao, thương lái không mua, bà con phải xả bỏ cho cá ra kênh thủy lợi.
Bên cạnh đó, đầu vào nguồn cá bột để ương lên cá giống được thương lái từ các tỉnh chở đến, chất lượng và số lượng cá không thể kiểm soát được. Đối với đầu ra của cá tra giống, người dân muốn bán thì phải thông qua “cò” người tại địa phương từ mức 1.000 đến 2.000 đồng/kg mới bán được cá. Ở xã Tân Hào, huyện Tân Thạnh, có một vị chủ tịch xã đã xin nghỉ việc về mở đại lý bán vật tư, thuốc thú y thủy sản và làm “cò” tiêu thụ cá giống. Song đó là các công ty vật tư, thuốc thú y thủy sản tha hồ móc túi người ương cá một cách công khai.
Qua thống kê của ngành nông cho thấy, chi phí vật tư, thuốc thú y thủy sản sử dụng trên một ao ương cá tra giống chiếm 60 - 70% chi phí sản xuất, cao gấp ba lần chi phí nuôi tôm. Hiện tại, lực lượng nhân viên thị trường của các công ty luôn túc trực tại vùng nuôi để tư vấn và bán các loại thuốc dùng để trị bệnh cá, cải tạo môi trường nước, đất… Khi các ao ương cá giống sử dụng quá nhiều loại hóa chất trên một đơn vị diện tích sẽ để lại sự tồn dư trong đất, nước và khi xả ra hệ thống thủy lợi sẽ làm ô nhiễm môi trường vùng nuôi.
Qua thống kê của ngành nông nghiệp các địa phương thì nguồn cá tra bố mẹ ở đồng bằng sông Cửu Long không đủ số lượng để sản xuất cá bột đáp ứng cho nhu cầu ươm giống tại các địa phương. Tại Long An, Trại giống thủy sản Đồng Tháp Mười có tổng cộng khoảng 5.000 con cá tra bố mẹ, mỗi năm cho cá sinh sản hai lần chỉ khoảng 1,5 tỷ cá bột. Nếu so với nhu cầu ương thực tế một ha cần đến 15 triệu con cá bột, thì với đàn cá bố mẹ của trại giống Long An mới chỉ đáp ứng được 100 ha/năm. Trong khi đó, chỉ riêng Long An có đến 4.000 ha thì nhu cầu cá bột phải lên đến 60 tỷ con. Để có nguồn cá bột ương lên cá giống đạt chất lượng thì một con cá bố mẹ chỉ cho sinh sản hai lần trong một năm. Còn cho sinh sản quá nhiều lần trong năm thì dẫn đến chất lượng cá bột thấp, tỷ lệ ương lên cá giống cũng đạt thấp. Mặt khác, nuôi cá bố mẹ mỗi năm cho sinh sản hai lần thì cơ sơ sản xuất không có lãi. Chính vì vậy, nhiều cơ sở sản xuất cá tra giống thu mua cá tra trưởng thành từ các ao nuôi quá lứa về chăm sóc một thời gian kích thích thuốc cho cá mang trứng và ép cá sinh sản bốn - năm lần trong năm thì người dân càng ương càng lỗ.
Phó Giám đốc Trung tâm dịch vụ nông nghiệp tỉnh Long An, Phạm Phú Hùng khuyến cáo: Trước trạng hiện nay, người dân đã theo nghề ương ca tra bột lên giống cần phải bình tĩnh, chọn thời điểm thích hợp và thả nuôi hai vụ trong một năm và cần phải liên kết sản xuất để tìm đầu ra ổn định. Đối với lực lượng nhân viên thị trường của các công ty cần phải được quản lý chặt và các địa phương có giải pháp kiểm tra chứng chỉ hành nghề tư vấn kỹ thuật nuôi trồng thủy sản. Đối với các tỉnh có cơ sơ sản xuất cá tra bột cần phải lý chặt nguồn giống bố mẹ. Người dân ương cá tra bột lên cá giống nên thỏa thuận trách nhiệm giữa người mua và người bán là giải pháp kiểm soát chất lượng con giống và rủi ro của người nuôi.
THANH PHONG
- Kỹ thuật nuôi tôm, nuôi cá, phòng trị bệnh tôm, cá và các loại thủy sản khác
Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.