• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Nuôi cá bè: Đừng để ‘mạnh ai nấy làm’

Nguồn tin: Báo Đồng Nai, 18/06/2019
Ngày cập nhật: 20/6/2019

Đây là năm thứ 2 liên tiếp người nuôi cá bè ở sông La Ngà (huyện Định Quán, tỉnh Đồng Nai) rơi vào cảnh trắng tay, nợ nần vì cá chết hàng loạt. Gần 1 tháng qua, người nuôi cá bè ở Biên Hòa cũng đang “ngồi trên lửa” vì lo rơi vào cảnh cá chết bởi giai đoạn chuyển mùa nguồn nước ô nhiễm hơn, cá nuôi bè có hiện tượng lờ đờ, bỏ ăn.

Vụ cá chết lớn nhất với tổng số lượng lên đến 2 ngàn tấn xảy ra tại khu vực nuôi cá bè La Ngà (Định Quán) vào tháng 5-2018. Ảnh: TL

Cá chết hàng loạt có nhiều nguyên nhân, trong đó, rủi ro lớn nhất là người nuôi bè tự phát với quy mô ngày càng tăng. Người nuôi cá lại mạnh ai nấy làm, không tuân theo những quy định, hướng dẫn của chính quyền địa phương trong quy hoạch nuôi cá bè.

Nhiều vụ cá chết cùng một nguyên nhân

Nói về nguyên nhân xảy ra các vụ cá bè chết hàng loạt tại Đồng Nai, ông Phùng Cẩm Hà, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Đồng Nai cho biết, vụ cá chết năm 2018 và vụ cá chết năm nay tại sông La Ngà (huyện Định Quán) đều cùng thời điểm chuyển mùa tháng 5 với hiện tượng giống nhau.

Lượng mưa lớn kéo dài cuốn theo vật chất hữu cơ từ thượng nguồn đổ về làm môi trường thay đổi đột ngột; ô nhiễm hữu cơ cao dẫn đến hàm lượng ôxy hòa tan trong nước giảm thấp, cộng với chất rắn lơ lửng cao làm tăng độ đục của nước; làm ảnh hưởng đến hô hấp của cá gây hiện tượng cá chết hàng loạt. Vào thời điểm cá chết, mực nước tại sông La Ngà rút xuống nhiều làm thu hẹp không gian sống của cá nuôi. Mật độ bè nuôi đậu dày dẫn đến khả năng trao đổi nước trong bè bị hạn chế.

Tương tự, hàng trăm tấn cá chết tại làng bè trên sông Cái (TP.Biên Hòa) vào cuối năm 2016 cũng có nguyên nhân rất lớn là tình trạng tăng nhanh về số lượng bè một cách tự phát. Thời điểm đó, khu vực nuôi cá bè tại TP.Biên Hòa có khoảng 500 bè với hơn 1 ngàn lồng, tăng gấp 4-5 lần so với quy hoạch của TP.Biên Hòa.

“Thời gian gần đây, làng cá bè ở Biên Hòa chưa xảy ra cá chết với mức độ thường xuyên như những năm trước nhưng vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro. Vì các khu vực nuôi cá bè, các lồng, bè vẫn được bố trí dày đặc, không đúng quy hoạch nên khi xảy ra sự cố về môi trường, người nuôi sẽ không kịp kéo bè đi vì bè san sát nhau” - ông Hà nhận xét.

1 tháng nay, cơn khủng hoảng cá chết ở sông La Ngà tiếp tục trở thành nỗi lo thường trực của những hộ nuôi cá bè trên sông Cái tại TP.Biên Hòa. Nguyên nhân cũng trong giai đoạn chuyển mùa, nước mưa cuốn theo các chất ô nhiễm đổ vào sông Cái khiến nguồn nước bị ô nhiễm hơn, cá tại các bè nổi lờ đờ trên mặt nước, không ăn cám khiến người nuôi bè sống trong lo lắng.

Ông Vũ Đình Đàm, một người nuôi cá bè thuộc xã Hiệp Hòa (TP.Biên Hòa) tỏ ra bất an: “Cả tháng nay, cá bè không ăn, rơi vào tình trạng như bệnh nhân nặng đang cấp cứu khiến người nuôi cũng mất ăn, mất ngủ theo. Suốt cả tháng nay, các hộ nuôi cá bè túc trực ngày đêm, cho chạy máy sục khí bổ sung nguồn ôxy tại các bè cá để cứu cá. Một số bè có cá lớn thì cũng bán bớt để hạn chế rủi ro. Vụ cá năm nay khó có lợi nhuận vì cá đã bỏ ăn cả tháng nay, có cứu được cũng rơi vào cảnh suy dinh dưỡng, chậm lớn”.

Tăng quá nhanh về quy mô

Về quản lý bè nuôi thủy sản theo quy định của Luật Thủy sản năm 2003 và Luật Thủy sản (sửa đổi) năm 2017, bè nuôi thủy sản thuộc diện phải đăng ký, bè có tổng thể tích lớn hơn 50m3 phải đăng kiểm. Tuy nhiên, hoạt động nuôi cá bè trên hồ Trị An vẫn diễn ra tự phát, chưa được quy hoạch rõ ràng.

Theo số liệu thống kê năm 2016, khu vực nuôi cá bè trên hồ Trị An có 507 hộ nuôi cá bè với 1.976 nhân khẩu. Số lượng nhà bè là 600 với diện tích trên 14 ngàn m2; số lượng lồng nuôi thủy sản là 1.260 lồng với dung tích trên 182 ngàn m3.

Cụ thể, huyện Định Quán có 469 bè, 1.004 lồng với tổng dung tích trên 164,5 ngàn m3; huyện Vĩnh Cửu có 131 bè, 256 lồng với gần 17,5 ngàn m3. Hầu như các hộ dân nuôi cá bè chỉ nuôi 1 vụ trong năm với sản lượng ước 9-10 ngàn tấn/năm.

So với giai đoạn 1998-2003, số hộ dân nuôi cá bè trên hồ Trị An không tăng nhưng thể tích lồng bè nuôi thủy sản tăng gấp hàng chục lần. Nếu so với quy hoạch tổng thể của ngành thủy sản Đồng Nai giai đoạn 2011-2015, định hướng đến năm 2020 thì thể tích lồng bè tăng gấp 9 lần.

Quy mô nuôi cá bè trên hồ Trị An tiếp tục tăng nhanh trong 2 năm nay. Theo số liệu cập nhật mới nhất của UBND huyện Định Quán, tính đến tháng 4-2019, tổng số bè nuôi cá trên hồ Trị An thuộc huyện Định Quán có 393 bè với 2.109 lồng nuôi, tổng dung tích trên 574,6 ngàn m3. Như vậy, tuy số bè giảm nhưng số lồng nuôi, tổng dung tích lại tăng lên rất nhiều so với số liệu thống kê năm 2016.

Tình hình nuôi cá bè ở TP.Biên Hòa và trên hồ Trị An từ năm 2016 đến nay. Thông tin: Bình Nguyên - Đồ họa: Hải Quân

Ngay cả TP.Biên Hòa, việc quy hoạch nuôi cá bè đã được quan tâm thực hiện hơn chục năm nay nhưng người nuôi cá bè vẫn chưa thực hiện nghiêm túc. Dự án “Quy hoạch cá bè trên sông Đồng Nai phù hợp với cảnh quan, sinh thái TP.Biên Hòa đến năm 2010, tầm nhìn đến năm 2020” được UBND TP.Biên Hòa phê duyệt vào tháng 6-2006.

Theo đó, tổng số bè được neo đậu ở khu vực sông Cái là 251 bè. Trong đó, xã Hiệp Hòa là 226 bè, phường Long Bình Tân là 25 bè (không có lồng nuôi thủy sản kèm theo). Quy hoạch này có xây dựng các tiêu chí, điều kiện hộ nuôi được phép nuôi bè; xây dựng quy chế nghề nuôi cá bè… Nhưng đến nay, theo rà soát thực tế tại xã Hiệp Hòa, số bè hiện có là 397, dôi dư 146 bè.

Trong 2 năm 2017-2018, UBND TP.Biên Hòa đã ban hành hàng trăm quyết định xử phạt vi phạm hành chính và ban hành cả chục quyết định cưỡng chế tháo dỡ bè, lồng không thuộc quy hoạch nhưng vẫn chưa giải quyết dứt điểm được vấn đề này.

* Cần siết chặt quản lý

Trước thực tế các bè nuôi trên sông La Ngà thường xuyên xảy ra hiện tượng cá chết vào dịp giao mùa khi kết thúc mùa khô chuyển sang mùa mưa, từ tháng 3-2019, Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai - đơn vị quản lý mặt nước ở sông La Ngà, UBND huyện Định Quán và các đơn vị liên quan đã triển khai kế hoạch tuyên truyền, vận động các bè nuôi cá trên địa bàn huyện di dời bớt khỏi khu vực nuôi tập trung.

Theo Sở Nông nghiệp - phát triển nông thôn, có khoảng 1/3 số lượng bè cá ở sông La Ngà đã di dời lên khu vực sông thuộc xã Thanh Sơn. Tình hình cá nuôi của các bè cá đã di dời vẫn tốt. Các hộ còn lại vì nhiều lý do đã không di dời và họ có ký cam kết tự chịu trách nhiệm nếu có sự cố xảy ra. Như vậy, sự cố cá chết trên sông La Ngà có thể phòng tránh được nếu người dân chủ động hơn trong việc thực hiện các khuyến cáo của chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng.

Chia sẻ về khó khăn lớn nhất hiện nay của địa phương trong việc quản lý hoạt động nuôi cá bè, ông Ngô Tấn Tài, Phó chủ tịch UBND huyện Định Quán cho biết: “Nuôi cá bè trên sông La Ngà vẫn mang tính tự phát, lượng bè lại tập trung dày đặc tại khu vực cầu La Ngà. Quy hoạch hoạt động nuôi cá bè là giải pháp thiết thực, lâu dài để giải quyết tình trạng rủi ro xảy ra cá chết hàng loạt như thời gian qua; đảm bảo và ổn định cuộc sống người dân nuôi cá lồng bè; đồng thời cũng thuận lợi hơn cho chính quyền địa phương trong công tác quản lý”.

Nói về công tác siết chặt quản lý hoạt động nuôi cá bè trên sông Cái, ông Huỳnh Tấn Lộc, Phó chủ tịch UBND TP.Biên Hòa cho biết, UBND thành phố đã giao cho UBND xã Hiệp Hòa rà soát, thống kê lại thực trạng số lượng bè, lồng (xổng) dôi dư, bè phát sinh mới, bè cũ không đảm bảo để sử dụng, bè trống không sử dụng để nuôi cá…”.

UBND xã Hiệp Hòa cũng có trách nhiệm xây dựng kế hoạch theo từng tháng để tổ chức thực hiện kiểm tra, lập hồ sơ và xử lý dứt điểm đối với các bè cá, lồng (xổng) dôi dư không đảm bảo an toàn, không nằm trong quy hoạch, kể cả các bè, lồng (xổng) vi phạm nằm trong hành lang bảo vệ luồng đường thủy. Định kỳ hằng tháng đều báo cáo tiến độ thực hiện kế hoạch về UBND TP.Biên Hòa” - ông Lộc nói.

Theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Chánh, UBND tỉnh đã chỉ đạo các địa phương rà soát lại lượng bè trên sông La Ngà, có giải pháp giảm bớt lượng bè cho phù hợp với quy hoạch để giúp người nuôi giảm bớt rủi ro vì cá chết. Đồng thời, cũng yêu cầu UBND TP.Biên Hòa rà soát lại số lượng bè trên sông Cái, quản lý chặt không để phát sinh lượng bè quá quy hoạch gây ảnh hưởng đến môi trường nước. Hiện sông Đồng Nai cung cấp nước sinh hoạt cho hơn 10 triệu người dân Đồng Nai, TP.Hồ Chí Minh, Bình Dương, vì vậy việc bảo vệ nguồn nước sông rất quan trọng. Nuôi cá bè với lượng dày đặc nguy cơ gây ô nhiễm môi trường rất lớn.

Hương Giang

Lê Quyên

Các tin mới

 

Nhấn vào đây để xem các tin trước

Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang