Nguồn tin: Sài Gòn Giải Phóng, 27/6/2019
Ngày cập nhật:
28/6/2019
Từ ngày 1-1-2019, Luật Thủy sản năm 2017 bắt đầu có hiệu lực nhưng tình trạng tàu cá Việt Nam đánh bắt ở vùng biển nước ngoài vẫn diễn ra.
Điều này sẽ gây hậu quả lớn cho ngành xuất khẩu thủy sản, nếu Ủy ban châu Âu (EC) tiếp tục áp đặt “thẻ đỏ” cho mặt hàng này. Tình hình đang đòi hỏi phải có quy định cấm đánh bắt cá theo mùa nhằm tái tạo nguồn lợi thủy sản để ngư dân không còn phải liều mình cho những chuyến biển xa đầy rủi ro.
Theo thống kê của các ngành chức năng, trong năm 2018, cả nước xảy ra 85 vụ/137 tàu/1.162 ngư dân vi phạm vùng biển nước ngoài và trong 4 tháng đầu năm 2019, đã có 22 vụ/22 tàu/170 ngư dân vi phạm đánh bắt trái phép ở vùng biển nước ngoài. Bà Rịa - Vũng Tàu và Kiên Giang tiếp tục là 2 địa phương có nhiều tàu cá đánh bắt trái phép ở vùng biển nước ngoài bị ngành chức năng phát hiện, ngăn chặn hoặc bị nước ngoài bắt giữ. Cá biệt có ngư dân tái phạm. Đối với giới chức quản lý thì đây là những diến biến rất bất ngờ vì sau khi EC ra “thẻ vàng” với thủy sản Việt Nam thì các địa phương ven biển đã áp dụng nhiều biện pháp khá đồng bộ, quyết liệt nhưng tình trạng vi phạm vẫn chưa được ngăn chặn triệt để. Vì sao lại có tình trạng này?
Qua khảo sát của phóng viên tại Bà Rịa - Vũng Tàu, câu trả lời chúng tôi nhận được là do nguồn lợi thủy sản trong nước bị cạn kiệt, ngư dân khó có thể trang trải được chi phí nhiên liệu, lao động, lãi vay ngân hàng nếu không liều mình vươn xa đánh bắt ở ngư trường các nước. Và ở các địa phương, Luật Thủy sản mới vẫn đang chậm chạp đi vào cuộc sống nên dù luật mới có hiệu lực từ ngày 1-1-2019 đã bổ sung vào nhiều nội dung quy định về bảo vệ nguồn lợi thủy sản (Điều 10), quản lý bền vững nguồn lợi thủy sản (Điều 11, 12) và hạn ngạch cấp giấy phép khai thác thủy sản (chương IV, V) được xem là bước tiến mới so với Luật Thủy sản năm 2003, nhưng vấn nạn đánh bắt trái phép vẫn diễn ra.
Từ thực tế của hoạt động đánh bắt thủy sản ở nước ta cho thấy, đã đến lúc các địa phương cần ban hành ngay các quyết định về cấm đánh bắt thủy sản trong mùa sinh sản (thông thường từ tháng 3 đến tháng 7 hàng năm) để từng bước tái tạo nguồn lợi thủy sản, hướng tới phát triển bền vững nghề cho ngành khai thác thủy hải sản. Năm 2015, Bình Thuận là tỉnh đầu tiên trong cả nước ban hành quyết định về cấm tàu giã cào công suất 150 mã lực hoạt động từ ngày 1-4 đến 31-7. Bên cạnh đó, các địa phương cũng cần mạnh dạn quy hoạch, chuyển đổi, tăng diện tích nuôi trồng với các chính sách về tài chính, tập huấn chuyển giao công nghệ, kỹ thuật cho ngư dân để một bộ phận ngư dân mạnh dạn chuyển đổi từ đánh bắt sang nuôi trồng các loại thủy hải sản có giá trị kinh tế cao.
Ngoài ra, biện pháp trước mắt là địa phương ven biển có tàu cá vi phạm cần thực hiện nghiêm túc việc kiểm tra, xử phạt đối với các chủ tàu, thuyền trưởng cố tình vi phạm theo hướng tăng nặng mức phạt khi phát hiện vi phạm hoặc cố tình tắt thiết bị giám sát hành trình để giảm thiểu tối đa các vụ vi phạm.
VĂN PHONG
- Kỹ thuật nuôi tôm, nuôi cá, phòng trị bệnh tôm, cá và các loại thủy sản khác
Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.