• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Phú Yên: Nuôi tôm ở hạ lưu sông Bàn Thạch (Đông Hòa): Tăng cường quản lý, hạn chế dịch bệnh

Nguồn tin: Báo Phú Yên, 02/07/2019
Ngày cập nhật: 4/7/2019

Thu hoạch tôm nuôi ở vùng hạ lưu sông Bàn Thạch (huyện Đông Hòa). Ảnh: ANH NGỌC

Tình hình nuôi tôm nước lợ năm 2019 ở huyện Đông Hòa (tỉnh Phú Yên) gặp một số bất lợi do môi trường nhiều vùng nuôi diễn biến phức tạp, thời tiết nắng mưa bất thường. Trong khi đó, giá tôm nuôi lại giảm khoảng 20.000 đồng/kg so với đầu vụ nên nhiều người nuôi lo lắng.

Nhiều bất lợi

Theo ông Nguyễn Văn Bút, người nuôi tôm ở hạ lưu sông Bàn Thạch, từ đầu vụ nuôi đến nay, do thời tiết thất thường nên tôm nuôi kém phát triển. Gia đình tôi thả nuôi tôm thẻ chân trắng với diện tích khoảng 4.000m2. Vụ nuôi thứ nhất, mặc dù tôm nuôi không bị dịch bệnh nhưng do thời tiết bất lợi nên phát triển rất chậm. Tôm nuôi vụ 1 đã thu hoạch, nhưng lãi không cao. Gia đình tôi đang thả nuôi vụ 2, đến nay hơn 1 tháng nhưng tôm vẫn phát triển rất chậm và bị hao hụt khoảng 20-30%. Đặc biệt là những ngày gần đây, thời tiết có sự thay đổi lớn, đang nắng gay gắt nhưng chiều tối lại chuyển mưa giông nên tôm bị sốc.

Tại vùng nuôi thuộc xã Hòa Tâm cũng đã có một số diện tích nuôi tôm bị bệnh, nguyên nhân có thể do thời tiết biến đổi nên sức đề kháng của tôm nuôi bị suy giảm.

Ông Nguyễn Văn Nuôi, người nuôi tôm ở xã Hòa Hiệp Nam, cho biết: Năm nay, gia đình tôi thả nuôi 4 hồ với diện tích khoảng 12.000m2. Dù cải tạo ao nuôi rất kỹ, chọn mua giống tôm thẻ chân trắng ở cơ sở cung cấp có uy tín và tôm giống được kiểm dịch, nhưng khi tôm nuôi khoảng 1 tháng thì có 2 hồ với diện tích hơn 5.000m2 xuất hiện tôm bị bệnh và chết. Hiện tôi thả nuôi vụ 2 gần 2 tháng, nhưng thời tiết nắng, mưa bất thường làm cho sức đề kháng của tôm bị suy giảm, việc bắt mồi của tôm rất hạn chế, tôm ăn có phần giảm so với trước. Tôi đã bổ sung các loại khoáng chất, vitamin cho tôm nuôi và xử lý môi trường nước bằng vôi nhưng rất lo ngại vì diễn biến thời tiết.

Không chỉ thời tiết gây bất lợi cho tôm nuôi, mà hiện nhiều người nuôi tôm đang lo lắng vì giá tôm đã hạ rất nhiều so với đầu vụ. Ông Nguyễn Văn Bút cho biết: Cách đây hơn 1 tháng, tôm có giá 102.000 đồng/kg (loại 100 con/kg), nhưng hiện nay giá tôm loại này chỉ còn khoảng 80.000 đồng/kg. Nếu giá tôm vẫn giữ ở mức này thì nhiều người nuôi tôm lỗ vốn…

Theo ông Đỗ Kim Đồng, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Đông Hòa. Từ đầu vụ nuôi năm 2019 đến nay, diện tích thả nuôi tôm thẻ chân trắng trên địa bàn huyện khoảng 860ha. Nhìn chung, thời tiết năm nay có bất lợi nhưng địa phương quan tâm hỗ trợ hóa chất xử lý môi trường kịp thời nên dịch bệnh ít xảy ra. Đến nay, bệnh tôm xảy ra khoảng 72ha, chủ yếu trên tôm nuôi khoảng 1 tháng, các loại bệnh như hoại tử gan tụy, đốm trắng và bệnh do môi trường…

Tiếp tục quản lý tốt vùng nuôi

Ông Ngô Xuân Lai, Phó Giám đốc Trung tâm Giống và kỹ thuật thủy sản (Sở NN-PTNT), cho biết: Kết quả quan trắc môi trường nước tại các vùng nuôi thủy sản ở huyện Đông Hòa mới đây cho thấy, một số chỉ tiêu tại một số vùng nằm ngoài ngưỡng cho phép. Người nuôi nên lấy nước vào ao chứa lắng, khử trùng để loại bỏ các vi khuẩn gây bệnh, kiểm tra các yếu tố môi trường đạt chuẩn mới đưa vào ao nuôi.

Hiện nay thời tiết khá bất lợi, cần lưu ý duy trì mực nước trong ao nuôi trên 1,5m và duy trì quạt nước ao nuôi tránh hiện tượng phân tầng nhiệt và cung cấp ôxy hòa tan trong ao nuôi, cần ổn định pH và độ kiềm trong ao nuôi. Người nuôi nên thường xuyên theo dõi hoạt động của vật nuôi trong thời gian này, cần bổ sung vitamin, khoáng chất nhằm tăng sức đề kháng.

Theo ông Nguyễn Tri Phương, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT, Phú Yên hiện có khoảng 10.000 hộ gia đình tham gia nuôi trồng thủy sản, nhưng phần lớn nuôi trồng còn nhỏ lẻ, manh mún, thiếu quy hoạch. Hiện nhiều địa phương chưa thực sự quan tâm công tác quản lý phát triển thủy sản, bố trí, phân công cán bộ quản lý thủy sản không phù hợp về trình độ chuyên môn.

Người nuôi thủy sản chưa chịu phối hợp với địa phương, chưa ý thức được trách nhiệm và nghĩa vụ khi hoạt động nuôi trồng thủy sản. Các địa phương cần chủ động xây dựng và triển khai phương án phòng chống dịch bệnh thủy sản nhằm đảm bảo vụ nuôi năm 2019 đạt hiệu quả cao nhất.

ANH NGỌC

Các tin mới

 

Nhấn vào đây để xem các tin trước

Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang