Nguồn tin: Khuyến Nông TPHCM, 04/07/2019
Ngày cập nhật:
5/7/2019
Với chức năng nhiệm vụ là chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật cho bà con nông dân thông qua các nội dung tập huấn, tham quan, hội thảo, xây dựng mô hình trình diễn… Trong năm 2019, Trung tâm Khuyến nông TP. Hồ Chí Minh sẽ tổ chức 125 lớp tập huấn khuyến nông, 04 lớp đào tạo nguồn nhân lực, 09 cuộc tham quan học tập mô hình, 130 mô hình trình diễn khuyến nông,…. Vừa qua, đơn vị tổ chức đưa gần 30 nông dân nuôi tôm tại các huyện Cần Giờ, Nhà Bè và Bình Chánh đi học tập kinh nghiệm mô hình nuôi tôm hai giai đoạn, áp dụng công nghệ cao tại các tỉnh miền Tây. Đây là cuộc tham quan ngoài tỉnh thứ 5 được tổ chức, thông qua đó đã tạo điều kiện cho nông dân nắm bắt thêm kiến thức và áp dụng các kỹ thuật tiên tiến vào thực tiễn sản xuất góp phần nâng cao thu nhập cho nông hộ.
Đoàn đã đến tham quan Farm nuôi tôm thẻ chân trắng thương phẩm (2 giai đoạn trong hồ khung sắt tròn trải bạt
HDPE áp dụng công nghệ Biofloc tuần hoàn nước) của Công ty TNHH Long Mạnh tại Kênh 4 Ấp 15, xã Vĩnh Hậu A, Huyện Hòa Bình, TP. Bạc Liêu. Được biết, Công ty TNHH Long Mạnh có tổng diện tích 6ha, trong đó có 3ha thả nuôi, 08 hồ tròn với diện tích mặt nước 4.000m2, sản lượng đạt 24 tấn/vụ. Năng suất bình quân đạt 24 tấn/ha/năm. Ưu điểm của mô hình nuôi này là do nuôi ao nhỏ (khoảng 500m3/hồ), dễ gom chất thải vào giữa ao, dễ lấy chất thải ra ngoài, dễ kiểm soát đáy ao, giảm thiểu bùng phát vi khuẩn có hại và khí độc. Rủi ro thiệt hại thấp vì ao nhỏ dễ xử lý nhanh. Mặt khác, không bị ô nhiễm bởi hóa chất có hại tồn lưu trong đất, vì đã cách ly đất ở mặt đáy. Tăng vòng quay ao nuôi, tăng hiệu quả suất đầu tư. Với quy trình: Giai đoạn 1 tôm được ương trong hồ 100m3 bằng quy trình biofloc với mật độ 3.000 con/m3 trong nhà lưới 20 - 30 ngày, theo đó người nuôi giảm được lượng thức ăn từ 20-30% do tôm ăn bổ sung các mãnh floc, giảm công chăm sóc. Quy trình biofloc nhờ hệ vi sinh có lợi duy trì ổn định chất lượng nước ao nuôi không cần thay nước mà chỉ châm bù lượng nước hao hụt do siphon. Việc hạn chế thay nước cũng làm giảm các mầm bệnh lây lan từ ngoài vào đặc biệt là bệnh chết sớm trên tôm (EMS) thường xảy ra trong 30 ngày đầu của quá trình ương. Giai đoạn 2: Sau 30 ngày tuổi tôm được sang ra ao 500m3 với mật độ 300 con/m3, giai đoạn này vẫn áp dụng quy trình biofloc và siphon 02 lần/ngày, lượng nước châm vào bằng lượng hao hụt do sipon và không thay nước trong giai đoạn tôm 1,5 tháng. Sau 50 ngày nuôi do nhu cầu sử dụng thức ăn tăng nên lượng chất thải nhiều hơn, để giảm tải môi trường nuôi nên thay nước 10-20% mỗi ngày, tùy vào thực tế. Sau 100 ngày tuổi tôm đạt trọng lượng trung bình 30-35 con/kg tiến hành thu hoạch, năng suất đạt > 3,1 tấn/hồ sau 3,5 tháng. Hiện tôm cỡ 25-30 con/kg có giá khoảng 150.000đồng/kg. Ngoài ra, lượng chất thải từ tôm được tách lọc sử dụng làm biogas, vỏ tôm được dùng làm phân bón.
Chất thải từ tôm được tách lọc sử dụng làm hầm Biogas tại trại nuôi tôm 2 giai đoạn công nghệ cao của Công ty TNHH Long Mạnh.
Đoàn cũng được tham quan khu nuôi tôm giống bố mẹ, khu ương tôm từ giai đoạn Nauplius – Zoae – Mysis – Postlarvae (1-12) đến xuất bán của Công ty cổ phần thủy sản Thông Thuận Trà Vinh, chuyên sản xuất tôm giống chất lượng cao với công suất 5,5 tỷ post/năm. Tôm giống được sản xuất theo công nghệ vi sinh (BIO) tuyệt đối không sử dụng kháng sinh và được kiểm tra tất cả các loại bệnh tại phòng Lab. Theo Ông Nguyễn Văn Lý – Quản lý trực tiếp và phụ trách kỹ thuật của Công ty CP thủy sản Thông Thuận Trà Vinh cho biết: Nguồn nước ở đây rất thích hợp để ương tôm giống và nuôi tôm thương phẩm. Giống tôm bố mẹ của công ty được nhập từ Mỹ, kháng bệnh và mức tăng trưởng tôm cao. Để cung cấp ra thị trường nguồn tôm giống sạch bệnh, đạt chuẩn, tôm từ post 5 đến post 12 chúng tôi làm 02 lần xét nghiệm các loại bệnh. Hiện tôm giống của công ty đang được bán với giá 110đ/con, khá rẻ so với tôm giống trên thị trường nhưng chất lượng vẫn đảm bảo yêu cầu, tôm ít bệnh, nuôi mau lớn.
Ngoài ra, đoàn cũng đến học tập kinh nghiệm 02 hộ nuôi tôm đạt hiệu quả cao của ông Trần Công Khoán (Ấp Đặng Văn Đông, xã Vĩnh Hiệp, TP. Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng) với 17 ao, mỗi ao 1.000 – 1.200m2, trong đó sử dụng để nuôi luân phiên 50 - 60% ao và đặc biệt có ao xử lý nước nhanh (100m2) và hộ ông Nguyễn Văn Phái (Phường Khánh Hoà, TX. Vĩnh Châu, Sóc Trăng) có 02 ao, mỗi ao 1.200m2. Cả 2 hộ đều áp dụng tất cả các phương thức nuôi từ truyền thống nuôi ao đất, sang nuôi ao lót bạt đáy đến nuôi hồ tròn… đều cho hiệu quả kinh tế. Tuy nhiên, theo đánh giá của chủ hộ thì hiện nay công nghệ nuôi tôm thẻ chân trắng trên ao hồ tròn đang cho hiệu quả cao hơn hết.
Đoàn Khuyến nông TP. Hồ Chí Minh tham quan Trại sản xuất giống của Công ty TNHH Thông Thuận Trà Vinh
Các thành viên rất hài lòng kết quả của chuyến tham quan mang lại, ngoài kinh nghiệm nhận được nông dân còn được dịp giao lưu, chia sẻ những kiến thức thực tế. Bà Nguyễn Thị Thanh Loan – nông dân nuôi tôm xã Hiệp Phước - huyện Nhà Bè cho biết: ở nhà tôi đang nuôi tôm trong ao đất, tuy nhiên tình hình nuôi hiện rất khó khăn, vụ đạt vụ không do nguồn nước bị ô nhiễm nặng. Chuyến đi này rất bổ ích, thiết thực, nhất là nuôi tôm trên ao tròn khung sắt, lót bạt, siphon đáy... Thời gian tới, để nuôi tôm hiệu quả tôi nghĩ “phải thay đổi” nhưng do chi phí đầu tư cũng khá cao so với khả năng của gia đình nên hướng tới tiến hành làm thử một ít trước, có hiệu quả thì tính tiếp. Đặc biệt, chuyến đi này chúng tôi được tiếp cận trực tiếp với nhà sản xuất cung cấp giống để có thể mua được giống tốt, giá khá rẻ so với thị trường”.
Vân Tâm
- Kỹ thuật nuôi tôm, nuôi cá, phòng trị bệnh tôm, cá và các loại thủy sản khác
Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.