Nguồn tin: Báo Phú Thọ, 04/07/2019
Ngày cập nhật:
9/7/2019
Đầu tư lồng bè nuôi cá dọc theo dòng chảy sông Đà, nhiều người dân huyện Thanh Thủy, tỉnh Phú Thọ đã trở thành tỷ phú, mỗi năm thu nhập vài trăm triệu đồng. Thế nhưng, nghề này cũng như đánh bạc với giời, chỉ qua một trận mưa lũ lớn, hồ thủy điện xả lũ, lồng bè bị cuốn trôi, cá chết nổi trắng mặt nước, đang từ tỷ phú bỗng chốc trắng tay. Rút kinh nghiệm từ những thiệt hại nặng nề do thiên tai hai năm gần đây, trước mùa mưa bão năm nay, chính quyền và các hộ nuôi cá lồng trên địa bàn huyện Thanh Thủy đã chủ động triển khai nhiều biện pháp nhằm giảm thiểu thiệt hại…Gắn bó với nghề nuôi cá lồng trên sông Đà đã lâu, anh Mạc Kế Điệp (khu 1, xã Thạch Đồng) khá tự tin với kinh nghiệm nhận biết diễn biến dòng chảy nước sông mỗi mùa cũng như kiến thức chăm sóc các giống cá thương phẩm: Lăng, chép, diêu hồng, trắm, rô phi… Năm nào, 20 lồng cá của gia đình anh cũng mang lại nguồn thu vài trăm triệu đồng. Kinh tế gia đình nhờ đó cũng sung túc, khá giả hơn. Thế nên mùa mưa bão năm 2017, anh hoàn toàn bất ngờ khi hồ thủy điện Hòa Bình xả lũ, toàn bộ số cá thương phẩm đến ngày xuất bán chết nổi trắng mặt nước. tổng thiệt hại gần 2 tỷ đồng. Gắng gượng vay mượn đầu tư làm lại từ đầu, ai ngờ cũng đến lúc cá cho thu hoạch thì Thủy điện lại xả lũ, cá lại chết hàng loạt trong nỗi xót xa đến thẫn thờ của các thành viên trong gia đình. Thiệt hại không lớn bằng năm trước nhưng đã làm khoản vay nợ ngân hàng của gia đình anh không thuyên giảm mà tiếp tục tăng lên. Chủ động ứng phó với diễn biến bất thường của thiên tai, trước mùa mưa bão năm nay, anh Điệp đã đầu tư gia cố lồng bè, neo, tời, đồng thời nhanh chóng tiêu thụ 30 tấn cá thương phẩm, quyết không để thiệt hại lớn tái diễn.
Không riêng gì anh Điệp, 50 hộ nuôi cá lồng trên địa bàn huyện Thanh Thủy cũng đều bất ngờ, chịu thiệt hại nặng nề do thiên tai trong mùa mưa bão hai năm gần đây. Ông Nguyễn Trọng Luyện- Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho biết: Mặc dù đã chủ động các phương án phòng chống, nhưng năm vừa qua do diễn biến thiên tai bất thường, cực đoan nên Thanh Thủy thiệt hại hơn 7,2 tỷ đồng. Trong đó có 192,36ha thủy sản và hơn 200 lồng cá bị thiệt hại. Năm trước nữa, do bất ngờ khi hồ thủy điện Hòa Bình xả lũ, toàn huyện đã có hơn 400 lồng cá bị thiệt hại. Tổn thất này là bài học đắt giá cho chúng tôi trong việc chủ động phòng, chống, giảm nhẹ thiệt hại thiên tai, nhất là với các hộ nuôi cá lồng trên sông Đà.
Trước mùa mưa bão năm nay, UBND huyện đã thành lập đoàn kiểm tra các địa điểm xung yếu có nguy cơ chịu thiệt hại cao khi có mưa bão lớn như địa điểm khai thác quặng (xã Sơn Thủy, Đào Xá, Tân Phương), điểm bến bãi tập kết, yêu cầu thanh thải; kiểm tra cầu cống, tiến hành duy tu, bảo dưỡng, phát quang hành lang… Riêng đối với các hộ nuôi cá lồng, ngay từ cuối năm trước, huyện đã chỉ đạo các xã vận động người dân tính toán vào giống cá sao cho khoảng tháng bẩy, tháng tám sẽ cho thu hoạch và tiêu thụ xong. Cá giống vào kế tiếp vừa phải, để có thể di chuyển, bảo toàn khi xảy ra sự cố thiên tai. Cùng với đó, trên địa bàn huyện đã có hai mô hình nuôi cá sông trong đồng với diện tích khoảng 3-4 ha, đảm bảo các điều kiện để di chuyển toàn bộ cá giống của các hộ nuôi cá lồng trên địa bàn huyện về “lánh nạn”. Chính quyền các xã đã trực tiếp đến kiểm tra, vận động các gia đình gia cố lồng bè, chủ động các phương án di chuyển cá giống, hạn chế thấp nhất thiệt hại do thiên tai.
Toàn huyện Thanh Thủy hiện có 436 lồng cá của 50 hộ dân thuộc các xã Xuân Lộc, Thạch Đồng, Đoan Hạ, Bảo Yên với trữ lượng khoảng 6 tấn cá thương phẩm/lồng, tổng sản lượng ước tính hơn 2.600 tấn. Cứ tính bình quân mỗi kg cá trị giá 50.000 đồng thì hiện tại Thanh Thủy còn 130 tỷ đồng… dưới nước, trong khi mùa mưa bão đã cận kề. Tuy nhiên, vấn đề tiêu thụ không quá khó khăn. Nỗ lực xây dựng thương hiệu cá lồng Thanh Thủy của chính quyền và người dân nơi đây đã thu được kết quả khả quan. Các lồng cá đều được cấp mã số quản lý đầy đủ thông tin chi tiết từ ngày nhập giống, quá trình chăm sóc đến xuất bán theo tiêu chuẩn VietGAP. Nhờ đó, sản phẩm đã tạo dựng được niềm tin, có thị trường tiêu thụ tương đối ổn định. Hiện tại, có một cửa hàng kinh doanh thủy sản ở Hà Nội nhập cá lồng Thanh Thủy đều đặn hàng ngày, lúc cao điểm nhập vài chục tấn mỗi ngày. Ngoài ra, thương lái chợ đầu mối cũng thường xuyên về thu mua chuyển lên thị trường các tỉnh Sơn La, Lai Châu… Theo thời giá thị trường, 1kg cá lăng, nheo, bỗng… của các lồng cá trên địa bàn huyện có giá bán giao động từ 70-120.000 đồng. Như vậy, có thể khẳng định vụ cá năm nay, người dân Thanh Thủy đã thắng lớn.
Với 1.300ha diện tích mặt nước và đặc biệt có 33km sông Đà chảy qua, Thanh Thủy có nhiều tiềm năng, thế mạnh để phát triển nghề nuôi trồng thủy sản, trong đó có hoạt động nuôi cá lồng thương phẩm. Nước sông Đà sạch, mùa hè mát, mùa đông ấm, nguồn thức ăn phong phú nên chất lượng cá nuôi rất cao. Chi phí cho 1 lồng cá khoảng 5 tấn vào 200-250 triệu đồng trong 20-24 tháng và sẽ cho nguồn thu khoảng 400 triệu đồng. Như vậy, trừ chi phí, mỗi lồng cá mang lại khoảng 70-100 triệu đồng mỗi năm, tùy chủng loại, năng suất cũng như thời giá thị trường… Rõ ràng, nuôi cá lồng là hướng đi triển vọng, mang lại lợi nhuận cao cho người dân ven dòng Đà giang. Tuy nhiên, để đảm bảo hiệu quả vững chắc như mong muốn, cần chủ động các phương án ứng phó, giảm thiểu thiệt hại thiên tai. Đó cũng đang là nhiệm vụ trọng tâm được chính quyền và người dân nơi đây tập trung nguồn lực thực hiện…
Vũ Thanh
- Kỹ thuật nuôi tôm, nuôi cá, phòng trị bệnh tôm, cá và các loại thủy sản khác
Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.