Nguồn tin: Báo An Giang, 18/01/2019
Ngày cập nhật:
19/1/2019
“Hai công nghệ mà chúng tôi mang từ Nhật Bản sang để giúp ngành cá tra Việt Nam phát triển đó là: “Công nghệ thiên nhiên Bakture” và “Công nghệ sục khí nano”. Đây là 2 phát minh quan trọng của Nhật Bản được thế giới công nhận. Hai công nghệ này ứng dụng được trong nhiều lĩnh vực khác nhau nhằm cải thiện môi trường sinh thái” - TS Takeba Akira, Cố vấn tổ chức Xúc tiến Thương mại - Môi trường Nhật Bản thông tin.
Công nghệ sục khí nano…
Công nghệ sục khí nano là phát minh quan trọng của người Nhật, được thế giới công nhận và hiện đang ứng dụng tại nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Hoa Kỳ, Trung Quốc, Malaysia, Hàn Quốc, Ấn Độ, Thái Lan và Lào. Trong nuôi cá tra, khi ứng dụng công nghệ này vào sản xuất sẽ giúp môi trường trong ao nuôi giảm các chỉ số COD, BOD, NH3. Tăng nồng độ DO hòa tan trong nước, triệt để xử lý tình trạng phù dưỡng do tảo, làm tăng độ trong của nước ao nuôi, triệt để không còn khí độc H2S, ngăn ngừa ô nhiễm môi trường nước do thức ăn bị phân hủy. “Công nghệ này khuyếch tán các bọt khí micro/nano trong nước dưới dạng siêu bão hòa, làm tăng hàm lượng ô-xy hòa tan trong khu vực nước xử lý. Qua đó, các vi khuẩn hiếu khí sẽ được kích hoạt và các quá trình chuyển hóa tự nhiên sẽ được tăng nhanh. Kết quả, chuỗi dinh dưỡng được cải thiện trong thời gian ngắn, cải thiện được chất lượng nước của ao nuôi. Bọt khí micro/nano tồn tại ở môi trường nước trong thời gian dài hơn dạng bọt khí thông thường, vì vậy có thể cung cấp ô-xy trong cả khu vực rộng lớn” - TS Kubo Jun (chuyên gia công nghệ sục khí nano, Công ty Cổ phần Cải thiện Môi trường Nhật Việt) thông tin.
Công nghệ sục khí nano sẽ giúp cho quá trình phân hủy các chất ô nhiễm trong ao nuôi cá tra được nhanh hơn. Cụ thể, vi khuẩn gây ô nhiễm ao nuôi cá tra tồn tại trong bùn. Thành phần tế bào của vi khuẩn được bao gồm các hợp chất polymer bền vững, được làm từ carbon hydrat, protein và chất lỏng nên khó phân hủy. Khi sử dụng bọt khí nano, các thành phần tế bào của vi khuẩn bị ô-xy hóa, bị phân hủy một cách nhanh chóng, từ đó bùn đáy ao nuôi cá tra sẽ bị phân hủy dưới 2 dạng nước và CO2, chính điều này, người nuôi cá tra không phải nạo vét bùn đáy ao tho phương pháp cơ học, tiết giảm được chi phí nuôi đến mức thấp nhất.
Công nghệ Bakture
Bakture là chữ viết tắt của cụm từ “Back to the nature” (trở về với thiên nhiên). Đây là chất xúc tác mạnh, khi ở trong môi trường nước, nó sẽ kích thích các vi sinh vật có ích, gây ức chế và làm giảm mạnh số lượng các vi sinh vật có hại cho cá, gây ô nhiễm môi trường nước. Bakture sẽ phân hủy các chất bẩn tồn tại trong nước. Đây là hệ thống tuần hoàn tự nhiên, làm giảm các chất ô nhiễm hữu cơ, hợp chất chứa nitơ, chất rắn lơ lửng, màu và mùi trong nước…
Lực lượng thợ lặn chuẩn bị đưa những thùng chứa Bakture xuống ao nuôi cá tra
Hiện nay, trên thế giới đã có hơn 300 dự án xử lý môi trường ở các quốc gia: Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Trung Quốc, Malaysia, Ấn Độ, Lào, Indonesia, Thái Lan sử dụng công nghệ này trong xử lý môi trường. “Trong xử lý môi trường nước trong ao nuôi cá tra, nếu so sánh các công nghệ hiện nay mà Việt Nam đang sử dụng (sử dụng hóa chất, sục khí…) thì công nghệ Bakture thì có sự khác nhau rất rõ rệt. Cụ thể, công nghệ sử dụng hóa chất, sục khí bình thường sẽ gây ô nhiễm môi trường, còn công nghệ Bakture bền vững lâu dài trong nước. Một bên can thiệp xử lý bằng hóa chất, nuôi cấy vi sinh vật, một bên hoàn toàn dùng nguyên liệu tự nhiên, thân thiện với môi trường (bột đá núi lửa). Công nghệ hiện nay không giải quyết được bài toán tăng hàm lượng ô-xy hòa tan trong nước, vì vậy dễ dẫn đến hiện tượng cá chết hàng loạt; còn công nghệ Bakture tạo ra lượng lớn ô-xy trực tiếp từ chính bản thân nó trong môi trường nước, tạo ra môi trường sống cho cá” - TS Takeba Akira (cố vấn Tổ chức Xúc tiến Thương mại - Môi trường Nhật Bản) phân tích.
Trên 20 năm phát triển, ngành cá tra trong nước đang đối mặt với nhiều vấn đề khác nhau, trong đó có vấn đề xử lý môi trường nước trong ao nuôi cá tra. Như vậy, bằng 2 phát minh mang tính “bước ngoặt” của người Nhật sẽ giúp ngành cá tra Việt Nam phát triển, bởi từ đây, 2 công nghệ này sẽ giúp người nuôi cá tra không phải thay nước, xả thải nước bị ô nhiễm trong ao và lượng bùn dơ ở đáy ao ra môi trường. 2 công nghệ này sẽ giúp môi trường nước trong ao nuôi cá tra trong hơn, sạch hơn, người nuôi có thể tăng mật độ nuôi lên gấp nhiều lần, mang lại nguồn lợi kinh tế cao hơn. Công nghệ máy sục khí nano và công nghệ Bakture sẽ mở ra một triển vọng lớn cho ngành cá tra Việt Nam nói chung, An Giang nói riêng.
Bài, ảnh: MINH HIỂN
- Kỹ thuật nuôi tôm, nuôi cá, phòng trị bệnh tôm, cá và các loại thủy sản khác
Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.