Nguồn tin: Báo Khánh Hòa, 15/07/2019
Ngày cập nhật:
17/7/2019
Sau nhiều thử nghiệm, đến nay, mô hình nuôi cá biển quy mô công nghiệp tại vịnh Vân Phong, tỉnh Khánh Hòa đã cho hiệu quả rõ rệt. Ngành Thủy sản tỉnh đang tìm cách để phát triển nghề nuôi biển quy mô công nghiệp trên địa bàn.
Thành công của một trang trại
Được triển khai từ năm 2012, trang trại trình diễn nuôi cá biển quy mô công nghiệp của Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản I tại vịnh Vân Phong đã mở ra sự phát triển bền vững mô hình nuôi cá chim vây vàng quy mô công nghiệp tại Khánh Hòa. Với quy mô 10ha mặt nước và 1.000m3 mặt đất, đây là trang trại nuôi cá biển quy mô công nghiệp đầu tiên của cả nước được công nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP. Về lồng nuôi, trang trại sử dụng công nghệ lồng nhựa HDPE của Na Uy được thiết kế có thể chịu được bão cấp 11. Trên thực tế, cơn bão số 12 cuối năm 2017 càn quét qua vịnh Vân Phong nhưng toàn bộ trang trại vẫn an toàn. Hiện nay, trang trại đang sử dụng 20 lồng tròn (chu vi 60m, thể tích 2.400m3) để nuôi cá thương phẩm; 22 lồng vuông (kích thước 5m x 5m x 5m) để lưu giữ cá bố mẹ, ương cá giống nhỏ lên cá giống lớn.
Thu hoạch cá chim vây vàng thương phẩm tại trang trại của Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản I.
Từ năm 2019, trang trại bắt đầu hoạt động ổn định với sản lượng hơn 200 tấn cá thương phẩm (kích cỡ 0,5 - 1kg/con), mỗi vụ nuôi 8 - 10 tháng, doanh thu đạt khoảng 25 tỷ đồng/vụ. Qua quá trình nghiên cứu, thí điểm thành công, đến nay, Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản I đã làm chủ được công nghệ sản xuất giống, nuôi thương phẩm, thu hoạch, bảo quản sau thu hoạch và vận chuyển đối với cá chim vây vàng. Về thị trường tiêu thụ, hiện nay, 50% lượng cá thương phẩm được xuất khẩu sang Mỹ và Trung Đông, 50% còn lại được tiêu thụ nội địa.
Bà Phan Thị Vân - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản I cho hay: “Từ khi thành lập đến nay, trang trại đã từng bước khẳng định được vai trò trong việc thúc đẩy phát triển nghề nuôi biển quy mô công nghiệp tại Khánh Hòa nói riêng và các tỉnh duyên hải nói chung. Với việc làm chủ công nghệ nuôi, chúng tôi đã sẵn sàng nhân rộng mô hình này đến ngư dân”.
Một góc trang trại nuôi cá biển quy mô công nghiệp của Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản I tại vịnh Vân Phong.
3 vùng trọng điểm để phát triển nuôi biển
Lâu nay, Khánh Hòa vẫn được xác định là trung tâm nuôi biển của cả nước, toàn tỉnh hiện có 57.260 lồng nuôi tôm hùm, hơn 9.000 lồng nuôi cá biển và 20 đăng lồng nuôi ốc hương. Hầu hết các hộ nuôi đang ứng dụng công nghệ nuôi cũ, manh mún, với lồng nuôi làm từ vật liệu gỗ truyền thống. Về phát triển nuôi biển quy mô công nghiệp, ngoài trang trại của Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản I, tại Khánh Hòa còn có trang trại của Công ty TNHH Thủy sản AUSTRALIS cũng đang rất thành công khi nuôi cá biển với quy mô công nghiệp, sản lượng trung bình khoảng 2.000 - 2.500 tấn/năm.
Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường: Hiện nay, đề án phát triển nuôi hải sản đang được hoàn thiện để trình Chính phủ xem xét, phê duyệt. Tới đây, ngoài các chính sách chung của Trung ương, từng địa phương cần căn cứ vào quy hoạch cụ thể của mình để xây dựng thêm những chính sách cụ thể để phát triển nuôi xa.
Ông Lê Tấn Bản - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) cho hay: “Để phát triển nuôi biển, tỉnh đã xác định 3 vùng trọng điểm để phát triển gắn với 3 vịnh biển Vân Phong, Cam Ranh và Nha Trang, vừa phục vụ nhu cầu tại chỗ, vừa phục vụ khách du lịch và xuất khẩu. Lĩnh vực nuôi biển của tỉnh đang tập trung vào các đối tượng chủ lực như: tôm hùm, với sản lượng khoảng 1.500 tấn/năm và các loại cá như: bớp, chẽm, chim vây vàng, với sản lượng khoảng 8.000 tấn/năm. Vấn đề hiện nay là ngư dân vẫn nuôi theo quy trình truyền thống, độ rủi ro về môi trường, thiên tai, dịch bệnh rất lớn. Chúng tôi khuyến khích người nuôi chuyển đổi sang nuôi biển với quy mô công nghiệp, sử dụng công nghệ lồng HDPE theo kiểu Na Uy nhưng sản xuất tại Việt Nam (độ bền đến 50 năm, giá thành thấp hơn khoảng 50% so với nhập khẩu từ Na Uy) như Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản I đang ứng dụng. Hiện nay, Chi cục Thủy sản cũng đang xây dựng 1 mô hình nuôi biển quy mô công nghiệp sử dụng công nghệ lồng Na Uy để thí điểm, chuyển giao cho ngư dân trong tỉnh”.
Các vùng nuôi hải sản lồng bè đã được UBND tỉnh quy hoạch gắn liền với 3 vịnh Vân Phong, Cam Ranh, Nha Trang, đầm Nha Phu. Đây là những nơi hội tụ nhiều yếu tố thuận lợi cả về chất lượng môi trường nước, độ sâu vùng biển, dịch vụ hậu cần phục vụ nuôi trồng hải sản. Vấn đề đặt ra hiện nay là phải tổ chức lại sản xuất, không để phát triển tự phát, manh mún và nhất thiết phải chuyển đổi dần từ công nghệ nuôi biển truyền thống sử dụng lồng gỗ sang công nghệ nuôi với quy mô công nghiệp, sử dụng lồng nhựa HDPE. Bên cạnh đó, tỉnh cần giải quyết vấn đề quá tải, ô nhiễm môi trường vùng nuôi hiện nay.
Theo Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường, định hướng của ngành Thủy sản là giảm dần sản lượng đánh bắt, tăng dần sản lượng nuôi. Phát triển nuôi biển được xác định là một trong những hướng đi để đưa ngành Thủy sản phát triển bền vững, bởi tiềm năng còn rất lớn. Để chuẩn bị cho chiến lược này, Bộ NN-PTNT đã giao cho các viện, trung tâm nghiên cứu lớn phối hợp với các cơ quan trong nước và hợp tác quốc tế để triển khai những chương trình nghiên cứu khoa học, từng bước triển khai ra thực tế tại các tỉnh duyên hải trong cả nước. Trong chiến lược phát triển nuôi hải sản, Việt Nam chú ý đến chuỗi giá trị chứ không phải sản lượng, phải theo nguyên tắc đó thì mới đảm bảo hiệu quả kinh tế cao nhất, giữ được môi trường, tạo sinh kế bền vững cho người nuôi.
Bích La
- Kỹ thuật nuôi tôm, nuôi cá, phòng trị bệnh tôm, cá và các loại thủy sản khác
Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.