Nguồn tin: Báo Phú Yên, 19/01/2019
Ngày cập nhật:
20/1/2019
Ngày 18/1, tại TP Tuy Hòa, Bộ NN-PTNT phối hợp với UBND tỉnh Phú Yên tổ chức hội nghị Quản lý giống tôm nước lợ và ký kết quy chế phối hợp. Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến; Quyền Tổng Cục trưởng Tổng cục Thủy sản (Bộ NN-PTNT) Nguyễn Ngọc Oai; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Hữu Thế đồng chủ trì hội nghị. Đại diện các cơ quan trực thuộc Bộ NN-PTNT, lãnh đạo các sở NN-PTNT và doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh tôm giống 28 tỉnh, thành phố ven biển trong cả nước tham dự hội nghị.
Theo Tổng cục Thủy sản, năm 2018, tổng diện tích nuôi tôm nước lợ của cả nước khoảng 720.000ha, sản lượng 745.000 tấn, kim ngạch xuất khẩu đạt gần 3,6 tỉ USD. Với diện tích nuôi tôm nước lợ như hiện nay thì nhu cầu tôm giống khoảng 130 tỉ con, trong đó khoảng 100 tỉ giống tôm thẻ chân trắng và 30 tỉ giống tôm sú. Số lượng tôm bố mẹ cần để sản xuất tôm giống là 250.000 con, trong đó 200.000 tôm thẻ chân trắng và 50.000 tôm sú.
Năm 2018, cả nước có 2.457 cơ sở sản xuất giống tôm nước lợ, khu vực sản xuất tôm giống trọng điểm là các tỉnh khu vực Nam Trung Bộ. Riêng tại Phú Yên, sản xuất giống thủy sản là một lợi thế và được phát triển từ những năm 1990. Thời điểm phát triển mạnh, Phú Yên có trên 300 trại sản xuất giống tôm sú, nhưng do điều chỉnh quy hoạch nên hiện nay tỉnh chỉ còn 52 cơ sở sản xuất, kinh doanh giống thủy sản với diện tích khoảng 61ha. Năm 2018, các cơ sở sản xuất 1.635 triệu con giống thủy sản các loại, trong đó tôm nước lợ 1.515 triệu con, còn lại là giống thủy sản khác.
Theo Tổng cục Thủy sản, hạn chế hiện nay trong sản xuất giống thủy sản ở nước ta là kết quả nghiên cứu, chọn tạo tôm bố mẹ còn rất hạn chế. Tôm bố mẹ phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu và khai thác từ tự nhiên, dẫn đến sản xuất tôm giống bị lệ thuộc.
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến cho rằng: Tôm bố mẹ có vai trò then chốt trong chuỗi sản xuất tôm nước lợ. Chính vì vậy cần phải quản lý chặt nguồn cung ứng và tránh lệ thuộc vào nhập khẩu.
Với sự thay đổi trong phương thức quản lý theo các quy định của Luật Thủy sản 2017 có hiệu lực từ ngày 1/1/2019 và các văn bản hướng dẫn dưới luật, các cơ quan quản lý từ Trung ương đến địa phương, doanh nghiệp và người dân sẽ có những khó khăn ban đầu trong công tác quản lý. Vì vậy, hội nghị này là dịp để các cơ quan, đơn vị, địa phương thảo luận, đề xuất các giải pháp nhằm quản lý tốt giống tôm nước lợ trong thời gian tới.
“Các địa phương có điều kiện tự nhiên thuận lợi để sản xuất tôm giống cần đẩy mạnh sản xuất, cần chọn tạo tôm giống theo hướng sạch bệnh, tăng trưởng nhanh và kháng bệnh. Bên cạnh đó, phải có sự điều chỉnh các nhiệm vụ khoa học - công nghệ để tập trung nguồn lực, lựa chọn đơn vị đủ năng lực giao nhiệm vụ nghiên cứu lâu dài về chọn tạo giống tôm nước lợ, phù hợp với mỗi tiểu vùng sinh thái của nước ta…”, ông Phùng Đức Tiến nhấn mạnh.
Cũng tại hội nghị này, đại diện của 28 sở NN-PTNT của các địa phương ven biển trong cả nước tham gia ký kết quy chế phối hợp trong công tác quản lý giống tôm nước lợ.
ANH NGỌC
- Kỹ thuật nuôi tôm, nuôi cá, phòng trị bệnh tôm, cá và các loại thủy sản khác
Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.