Nguồn tin: Báo Quảng Bình, 18/07/2019
Ngày cập nhật:
20/7/2019
Từ đầu tháng 5 đến nay, trên địa bàn tỉnh Quảng Bình đã xảy ra nhiều đợt nắng nóng kéo dài. Theo dự báo của Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Quảng Bình, tình hình nắng nóng sẽ còn diễn ra nhiều đợt trong những tháng tới. Để ứng phó kịp thời, hạn chế thấp nhất ảnh hưởng của thời tiết, ngành nông nghiệp và các địa phương trong tỉnh đang tích cực thực hiện nhiều giải pháp bảo vệ các đối tượng thủy sản nuôi, bảo đảm chất lượng, hiệu quả sản xuất.
Ông Trần Xuân Vinh, chủ trang trại nuôi tôm ở phường Quảng Thuận, TX. Ba Đồn có 4 hồ nuôi với tổng diện tích 4.200m2, nuôi tôm thẻ, tôm sú. Ngay từ đầu vụ, trước khi xuống giống, gia đình ông Vinh đã đầu tư gần 15 triệu đồng cho việc nạo vét bùn, vệ sinh hồ bằng vôi bột… Ông chọn các công ty lớn có uy tín để mua con giống nhằm bảo đảm chất lượng, nguồn gốc xuất xứ.
Ông Vinh cho biết: “Hồ tôm đầu tiên được gia đình tôi thả giống vào ngày 25-2 (Âm lịch), sau đó cứ cách 15-20 ngày lại thả giống cho các hồ tiếp theo. Do thời tiết năm nay nắng nóng nên ngoài việc vệ sinh ao hồ, chăm sóc tôm đúng kỹ thuật…, gia đình tôi còn hỗ trợ thêm các loại khoáng vi lượng, vitamin C để tăng sức đề kháng cho tôm; theo dõi nước trong hồ để điều chỉnh mực nước, nhiệt độ cho phù hợp…”.
Công tác xử lý dịch bệnh tại các hồ nuôi thủy sản được cán bộ thú y thực hiện kịp thời, đúng quy định.
Tuy đã được chăm sóc tốt nhưng do thời tiết quá khắc nghiệt nên 2 hồ tôm của ông Vinh vẫn xảy ra dịch bệnh, tôm được khoảng 22 ngày tuổi thì chết. Trước tình hình đó, ông Vinh đã chủ động báo với chính quyền địa phương, phối hợp với gia đình để có giải pháp ngăn chặn, khoanh vùng dịch kịp thời tránh ảnh hưởng đến các hồ nuôi khác.
Nhờ đó, 2 hồ nuôi còn lại của gia đình ông Vinh không bị dịch bệnh lây lan, tôm phát triển tốt, đến nay đã cơ bản thu hoạch xong với sản lượng khoảng 3,5 tấn.Ông Vinh chia sẻ: “Thời tiết năm nay quá khắc nghiệt,gia đình tôi vẫn may mắn vì thu hoạch được 2 hồ tôm, không bị lỗ vốn đầu tư. Nhiều hộ nuôi tôm khác trong phường Quảng Thuận bị dịch bệnh thua lỗ khá nhiều, có hộ tôm chết 80-85%”.
Khác với các hộ nuôi tôm, việc nuôi cá theo mô hình cá-lúa chịu ảnh hưởng của thời tiết nắng nóng ít hơn. Với khoảng 4ha diện tích sản xuất mô hình cá-lúa, ông Nguyễn Thanh Hương, xã Quảng Hòa, TX. Ba Đồn cho biết: “Cá nuôi trong mô hình này được gia đình tôi thả như cá tự nhiên nên lượng thức ăn chủ yếu là cá tự tìm kiếm trong môi trường sống.
Để ứng phó với nắng nóng, tôi thường xuyên theo dõi nhiệt độ, mực nước nhằm kịp thời thay mới, cung cấp đủ lượng nước, bảo đảm môi trường sống cho cá. Nhờ đó, dẫu thời tiết nắng nóng, cá vẫn sinh trưởng, phát triển bình thường”.
Theo số liệu báo cáo của Chi cục Thủy sản, trong 6 tháng đầu năm 2019, trên địa bàn toàn tỉnh đã thả nuôi thủy sản 6.050,9 ha, trong đó diện tích nuôi mặn lợ là 1.272 ha, diện tích nuôi nước ngọt hơn 4.778,9 ha. Nhiều diện tích nuôi trồng thủy sản đã được bà con nông dân thu hoạch, sản lượng đạt 3.768,5 tấn, bằng 104,9 % so với cùng kỳ. Trong đó, sản lượng nuôi mặn lợ 1.433 tấn; sản lượng cá nước ngọt 2.335,5 tấn.
Nhìn chung, thời gian qua, lĩnh vực nuôi trồng thủy sản đóng góp một phần lớn vào tăng trưởng của ngành nông nghiệp cũng như góp phần không nhỏ vào việc nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho người nông dân.
Tuy nhiên, nuôi trồng thủy sản hiện nay cũng phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt là thiên tai, biến đổi khí hậu. Những tháng qua, thời tiết nắng nóng kéo dài kèm theo các đợt mưa dông, nhiệt độ thay đổi đột ngột đã làm giảm sức đề kháng của các loại thủy sản, đặc biệt là tôm, tạo điều kiện thuận lợi cho các loại dịch bệnh phát triển.
Theo báo cáo của Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, tính đến ngày 11-7-2019, toàn tỉnh có 38 hộ nuôi tôm (thuộc các huyện: Quảng Ninh, Quảng Trạch, Lệ Thủy và TX. Ba Đồn) xảy ra dịch bệnh, như: bệnh đốm trắng, bệnh hoại tử cơ quan tạo máu và cơ quan biểu mô..., chiếm 1,7% diện tích nuôi toàn tỉnh (1.055,8 ha).
Ông Trần Công Tám, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y cho biết, sau khi phát hiện dịch bệnh, Chi cục đã phối hợp với chính quyền địa phương và các hộ nuôi tiến hành xử lý dập dịch theo quy định nhằm bao vây, khống chế dịch bệnh.
Việc dẫn đến dịch bệnh, ngoài yếu tố thời tiết còn có các nguyên nhân khác, như: cơ sở hạ tầng vùng nuôi chưa được đầu tư đúng mức, thiếu ao chứa xử lý nước cấp và nước thải; việc cải tạo ao nuôi chưa kỹ; ý thức người dân chưa cao, nhiều hộ cố tình giấu dịch, không báo hoặc báo không kịp thời làm dịch bệnh phát sinh và lây lan nhanh...
Dự báo trong thời gian tới, tình hình thời tiết còn tiếp tục diễn biến phức tạp, nắng nóng kéo dài, kèm theo các đợt mưa, nguy cơ dịch bệnh trên các loại thủy sản nuôi tiếp tục phát sinh và lây lan là rất cao. Do đó, các hộ nuôi thủy sản cần quan tâm theo dõi bản tin dự báo thời tiết, chủ động trong việc ứng phó, có những giải pháp phòng tránh thiệt hại cho các loại thủy sản nuôi.
Theo khuyến cáo của ngành nông nghiệp, để phòng, chống dịch bệnh, hạn chế mức thấp nhất thiệt hại do dịch bệnh gây ra, người nuôi thủy sản cần chọn giống nuôi có nguồn gốc rõ ràng, có uy tín, thả nuôi với mật độ thích hợp. Công tác cải tạo ao hồ phải được người nuôi thực hiện nghiêm túc, thường xuyên theo dõi, phát hiện sớm dịch bệnh và tự giác khai báo với cơ quan thú y để xử lý kịp thời.
Các hộ nuôi tôm vận hành hệ thống quạt nước cho tôm trong những ngày nắng nóng.
Để ứng phó với thời tiết nắng nóng, các hộ nuôi cần điều chỉnh lượng thức ăn trong ngày cho phù hợp, nếu nhiệt độ trên 30 độ C, cần giảm 40-50% khẩu phần ăn, tuyệt đối tránh dư thừa thức ăn gây lãng phí và ô nhiễm môi trường nước; bổ sung khoáng, vitamin C tăng sức đề kháng cho tôm, cá.
Bên cạnh đó, các hồ nuôi nên duy trì mực nước 1,5m-2m, thả bèo tây 1/3 diện tích mặt ao để giảm nắng; vận hành hệ thống quạt nước, sục khí hoặc máy bơm tránh phân tầng nước; định kỳ sử dụng vôi bột và chế phẩm sinh học quản lý môi trường nước ao nuôi. Đối với các bể nuôi thủy sản, cần có mái che, ngăn chặn bức xạ nhiệt hoặc nước mưa xuống bể…
Để hỗ trợ bà con nông dân trong việc nuôi trồng thủy sản, phòng, chống dịch bệnh, Sở Nông nghiệp và PTNT đã có công văn yêu cầu Chi cục Chăn nuôi và Thú y, Chi cục Thủy sản thường xuyên bám sát cơ sở, nắm bắt tiến độ sản xuất, tình hình dịch bệnh tại các khu vực nuôi trồng thủy sản; tăng cường công tác quan trắc, cảnh báo môi trường…
Các huyện, thành phố, thị xã chỉ đạo Phòng Kinh tế, Phòng Nông nghiệp hướng dẫn người dân quy trình, kỹ thuật nuôi trồng an toàn, phòng chống nắng nóng, dịch bệnh cho thủy sản...
Lê Mai
- Kỹ thuật nuôi tôm, nuôi cá, phòng trị bệnh tôm, cá và các loại thủy sản khác
Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.