Nguồn tin: Báo Cần Thơ, 19/07/2019
Ngày cập nhật:
21/7/2019
Nuôi thủy sản đón mùa lũ
Sau khi thu hoạch vụ lúa hè thu, nhiều hộ dân huyện Cờ Đỏ, Cần Thơ không gieo sạ lúa thu đông 2019 mà thả nuôi cá trên ruộng, với kỳ vọng sẽ có thu nhập cao hơn. Thời điểm này, nông dân cũng bắt đầu xuống giống thả nuôi các loại thủy sản trong mương, ao, vèo và bồn nylon tận dụng các nguồn thức ăn dồi dào trong tự nhiên vào mùa lũ để giảm chi phí...
Ngay từ những ngày đầu tháng 7-2019 này (tức đầu tháng 6 âm lịch) nhiều hộ dân các xã của huyện Cờ Đỏ đã mua cá giống về thả nuôi trên ruộng lúa. Nông dân cho biết, cá thả nuôi trên ruộng thường phải mất thời gian nuôi khoảng 4 tháng mới thu hoạch. Do đó phải tranh thủ nuôi sớm để cá lớn kịp thu hoạch vào đầu tháng 10 âm lịch, đảm bảo kịp xuống giống vụ đông xuân 2019-2020. Thời điểm này, nước lũ chưa về, nông dân phải bơm nước vào ruộng để thả cá hoặc thả cá giống trong vèo ươm hay những ao, mương liền kề với ruộng rồi chờ lũ cho cá lên ruộng.
Nông dân tại ấp Thới Hữu, xã Đông Hiệp, huyện Cờ Đỏ xay cá bổi để làm thức ăn cho cá lóc nuôi vèo khi cá lóc đang còn nhỏ.
Ông Phương Văn Giao, ngụ ấp Thới Hiệp, xã Đông Thắng, huyện Cờ Đỏ, cho biết: “Giá lúa rẻ, trong khi nhiều loại cá đồng đang có giá cao, năm rồi nước lũ cũng về nhiều, tôi quyết định không sạ lúa thu đông mà thả cá chép và cá mè giống nuôi trên 8,5 công ruộng nhà. Những năm trước đây, tôi cũng đã từng nuôi cá ruộng, dễ dàng kiếm lời từ 1-2 triệu đồng/công, vốn đầu tư ban đầu khá nhẹ, với chỉ khoảng 500.000 đồng/công, chủ yếu tiền mua cá giống và lưới để bao quanh ruộng. Tôi hy vọng năm nay nước lũ về nhiều, cá nuôi mau lớn...”. Ông Nguyễn Văn Lành, ở ấp Đông Phước, xã Đông Hiệp, cho biết: “Tôi thả nuôi cá trên 7 công ruộng, chủ yếu là cá chép, cá mè hoa và mè vinh. Nuôi cá trên ruộng, nông dân ít tốn công chăm sóc và chi phí, cá tự kiếm ăn như lúa chét và các loại thức ăn tự nhiên trên đồng. Nuôi cá ruộng sau khi thu hoạch xong, cá để lại một lớp phân hữu cơ giàu dinh dưỡng giúp cho vụ lúa sau giảm phân bón, lúa cũng ít sâu bệnh”.
Nhiều nông dân huyện Cờ Đỏ cũng phát triển các mô hình nuôi lươn trong bồn nylon, nuôi ếch và cá lóc, cá trê… trong các vèo đặt trong ao, mương và sông, rạch. Ông Nguyễn Văn Hùng, ngụ ấp Thới Hữu, xã Đông Hiệp, cho biết: “Tôi vừa làm vèo thả nuôi 2.000 con cá lóc cặp theo con sông trước nhà được 2 tuần nay. Cứ chuẩn bị bước vào mùa lũ, tôi và nhiều hộ dân mua cá lóc giống về để thả nuôi trong các vèo cặp theo con sông trước nhà. Thức ăn cho cá chủ yếu là cua, ốc và các loại cá bổi đánh bắt tự nhiên. Với số lượng thả nuôi khoảng 1.500-2.000 con cá lóc giống, sau 4 tháng nuôi, nông dân có thể kiếm lời từ 10-20 triệu đồng”.
Theo chính quyền tại nhiều xã ở huyện Cờ Đỏ, gần đây giá cả đầu ra nhiều loại cá nuôi khá tốt, nông dân đang phát triển các mô hình nuôi cá ruộng và thủy sản mùa lũ. Để hỗ trợ nông dân nuôi trồng thủy sản đạt hiệu quả, chính quyền các xã đã phối hợp ngành nông nghiệp huyện và các đơn vị liên quan tăng cường tư vấn, tập huấn kỹ thuật, cung cấp thông tin thị trường, dự báo về thời tiết, thủy văn và lũ. Qua đó, giúp nông dân chủ động lựa chọn đối tượng, mô hình nuôi và thời điểm nuôi trồng phù hợp. Ông Huỳnh Tiến Dũng, Phó Chủ tịch UBND xã Đông Thắng, cho biết: “Nông dân tại xã hiện xuống giống thả nuôi cá ruộng và nuôi thủy sản trong các mô hình nuôi trong mương, ao và vèo với diện tích hơn 170ha, dự kiến diện tích thả nuôi còn tiếp tục tăng thời gian tới, đạt 350ha theo kế hoạch, tương đương so với năm rồi. Dự kiến diện tích nuôi cá ruộng khoảng 300ha. Các năm qua, nông dân nuôi cá trên ruộng trong mùa lũ tại xã đạt lợi nhuận khá tốt, bình quân từ 8-10 triệu đồng/ha”. Theo ông Nguyễn Văn Mến, Phó Chủ tịch UBND xã Đông Hiệp, mùa lũ năm rồi xã có 677ha nuôi thủy sản, trong đó có 494ha nuôi cá ruộng. Năm nay, dự kiến diện tích nuôi thủy sản tại xã cũng ở mức tương đương năm ngoái. Nuôi thủy sản trong mùa lũ, nuôi cá ruộng không chỉ giúp đa dạng thêm nguồn thu nhập cho nông dân trồng lúa mà còn góp phần tiêu diệt các mầm sâu bệnh và bồi bổ phù sa cho đồng ruộng, giúp sản xuất bền vững hơn. Do vậy, xã khuyến khích, hỗ trợ đến nay nông dân tại xã đã thả nuôi được hơn 172ha thủy sản các loại.
Tính đến ngày 8-7-2019, tổng diện tích nuôi thủy sản trên toàn huyện Cờ Đỏ đạt hơn 3.005ha, đạt 57,4% kế hoạch. Trong đó, diện tích nuôi cá tra là 262,2ha, cá ao thâm canh 205,7ha, cá ao không thâm canh 577,6ha, cá tra giống 652,76ha, các loại cá giống khác hơn 1.087ha, cá ruộng 220ha… Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cờ Đỏ, năm 2019, tổng diện tích thả nuôi thủy sản trên địa bàn dự kiến đạt 5.237ha, tổng sản lượng ước đạt 33.390 tấn, trong đó kế hoạch nuôi cá trên ruộng đạt 2.389ha.
Bài, ảnh: Khánh Trung
- Kỹ thuật nuôi tôm, nuôi cá, phòng trị bệnh tôm, cá và các loại thủy sản khác
Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.