• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Nuôi cá lồng trong hồ thủy lợi

Nguồn tin: Báo Phú Thọ, 23/07/2019
Ngày cập nhật: 26/7/2019

Mô hình nuôi cá lồng trong hồ thủy lợi cho hiệu quả kinh tế của gia đình anh Bùi Văn Giang, khu 3, xã Phượng Mao, huyện Thanh Thủy.

Nhằm khai thác diện tích mặt nước của hồ thủy lợi, thời gian gần đây, người dân sống ở ven lòng hồ thủy lợi xã Phượng Mao, huyện Thanh Thủy (tỉnh Phú Thọ) đã phát triển nghề nuôi trồng thủy sản, nhất là nuôi cá lồng, mở ra hướng phát triển kinh tế mới, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, ổn định đời sống nhân dân vùng lòng hồ.

Là một trong những hộ tiên phong nuôi cá tại lòng hồ thủy lợi Phượng Mao, anh Bùi Văn Giang ở khu 3, xã Phượng Mao chia sẻ: “Nhận thấy lòng hồ nước trong xanh quanh năm, lại chủ động được nguồn thức ăn, diện tích mặt nước rộng lớn, rất thuận lợi cho việc thả cá nên tôi cùng một số hộ gia đình đã cùng nhau nuôi thả cá để có nguồn thu nhập và ổn định cuộc sống”.

Thời gian đầu triển khai, do chưa có kỹ thuật và kinh nghiệm nên đa phần các hộ dân nuôi cá đã gặp không ít khó khăn. Sau một thời gian tìm hiểu, đầu năm 2015, từ số vốn tích lũy anh Giang đã đầu tư hơn 30 triệu đồng làm 1 bè nuôi cá với 8 ô lồng, mỗi ô lồng hình vuông có thể tích gần 90m3, thả nuôi chủ yếu cá trắm cỏ, rô phi và lăng đen. Theo anh Giang, nuôi cá lồng trong hồ không tốn nhiều công chăm sóc, tận dụng được nguồn thức ăn tự nhiên nhưng lại có hiệu quả kinh tế cao hơn so với cách nuôi truyền thống. Mặt hồ thoáng rộng, lưu lượng nước thay đổi liên tục nên cá hầu như được “vô nhiễm” với dịch bệnh, tỷ lệ hao hụt rất thấp, chỉ khoảng 5%. Để hạn chế sự thất thoát thức ăn và giảm thiểu ô nhiễm nguồn nước, anh cho cá ăn hoàn toàn bằng thức ăn công nghiệp dạng viên nổi, không tan trong nước, có hàm lượng đạm từ 20 - 40%. Để điều chỉnh lượng thức ăn cho phù hợp, mỗi ngày anh phải dùng xuồng đi kiểm tra “sức ăn” của cá, đồng thời làm vệ sinh lồng bè sạch sẽ, phòng bệnh bằng cách treo túi vôi và trộn thêm vitamin C vào thức ăn cho cá.

Ông Bùi Văn Đông - Chủ tịch UBND xã Phượng Mao, huyện Thanh Thủy cho biết: “Qua thời gian theo dõi, hướng dẫn cho người dân thì thấy hiệu quả tốc độ cá nuôi rất tốt. Sau khi trừ chi phí, các hộ thu nhập từ 50 - 100 triệu đồng. Mô hình này có khả năng nhân rộng lớn, có tính khả thi. Các hộ dân sống ven các hồ thủy lợi có thể phát triển mô hình này”.

Mặc dù nuôi cá lồng trên hồ thủy lợi đã chứng tỏ được hiệu quả kinh tế rõ ràng nhưng người nuôi cũng phải đối mặt với nhiều thách thức trong suốt quá trình phát triển. Để xây dựng được một lồng nuôi cá, người nuôi phải đầu tư tiền mua vật tư, con giống, thức ăn… lên đến vài chục triệu đồng. Nếu cá sinh trưởng, phát triển tốt, không bị bệnh, giá bán cao thì lãi nhiều, nếu giá bán thấp, người nuôi sẽ không có lợi nhuận hoặc lợi nhuận thấp. Hơn nữa, việc phát triển nghề nuôi cá lồng chưa thành vùng chuyên canh tập trung, nhiều nơi người dân nuôi lồng ồ ạt và tự phát nên chưa tạo được tính ổn định. Nhiều người nuôi chưa nắm rõ kỹ thuật, chủ yếu nuôi theo hình thức thả tự nhiên, thiếu sự chăm sóc, thiếu sự quản lý môi trường và phòng trừ dịch bệnh dẫn đến năng suất nuôi không cao.

Để mô hình này được nhân rộng, cần có định hướng phát triển phù hợp với nhu cầu thị trường chứ không ồ ạt, dẫn tới khó khăn trong việc tiêu thụ sản phẩm cho người dân. Hơn nữa, các phòng, ban chuyên môn cũng cần hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi, sử dụng các loại thức ăn phù hợp, đem lại hiệu quả kinh tế, tránh tình trạng ô nhiễm môi trường. Các cấp, các ngành cần quy hoạch vùng nuôi, quản lý nguồn nước, mở thêm các lớp tập huấn kỹ thuật chăm sóc, phòng chống dịch bệnh thủy sản; tạo điều kiện cho người dân có nhu cầu vay vốn với lãi suất thấp để đầu tư mở rộng sản xuất, giúp nghề nuôi cá lồng phát triển bền vững.

Hương Ly

Các tin mới

 

Nhấn vào đây để xem các tin trước

Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang