Nguồn tin: Báo Cần Thơ, 07/08/2019
Ngày cập nhật:
8/8/2019
Với đặc thù hệ thống sông ngòi dày đặc, nhiều nông dân ÐBSCL đã phát triển mô hình nuôi cá bè, cá lồng trên sông. Ðặc biệt, ông Lê Ngọc Quí, ngụ tại khu vực 2, phường Bùi Hữu Nghĩa, quận Bình Thủy, TP. Cần Thơ chọn hình thức nuôi cá bè, lồng trên sông theo tiêu chuẩn VietGAP, mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Ông Lê Ngọc Quí bên bè nuôi cá điêu hồng trên sông. Ảnh: CTV
Chia sẻ về quá trình khởi nghiệp, ông Quí chia sẻ: “Những năm 1996, tôi đi làm thuê nuôi cá điêu hồng cho các công ty, hộ tư nhân nhỏ lẻ khác nhau. Năm 2007, tôi bắt đầu làm ăn riêng, chính thức xây dựng mô hình nuôi cá điêu hồng bằng hình thức bè, lồng trên sông”. Thời điểm đầu mới khởi nghiệp, ông Quí chỉ nuôi số lượng nhỏ với 5 chiếc bè trên sông, dần dà ngày càng mở rộng mô hình và hiện nay lên đến khoảng 20 bè, lồng. Theo ông Quí, nuôi cá điêu hồng không khó, muốn nuôi thành công, khâu chọn con giống là rất quan trọng nhất. Toàn bộ cá giống phải có nguồn gốc rõ ràng. Cá giống phải sạch bệnh và nên mua ở những cơ sở uy tín, kích thước đồng đều, không bị xây xát.
Áp dụng quy trình VietGAP, trước khi thực hiện nuôi thả, ông Quí chọn vùng nước nuôi cá đảm bảo không bị ô nhiễm. Khu vực đặt lồng phải đảm bảo yên tĩnh, ít tàu bè đi lại. Trong quá trình nuôi, phải ghi chép cẩn thận về số lượng thức ăn, số hao hụt, trọng lượng cá… Thay vì các loại cá tạp băm nhỏ như trước đây, thức ăn được sử dụng để nuôi cá theo đúng quy trình VietGAP là thức ăn công nghiệp của các hãng sản xuất uy tín. Mặc dù nuôi bằng thức ăn công nghiệp, chi phí đầu tư sẽ cao, nhưng đổi lại loại cá này lớn rất nhanh, ít dịch bệnh, tỷ lệ hao hụt thấp, phẩm chất thịt cá ngon. Bình quân, chỉ cần nuôi 5 tháng, cá điêu hồng đã đạt trọng lượng khoảng 600gr. Ông Quí chia sẻ bí quyết: “Cần thường xuyên vệ sinh lồng bè, điều chỉnh lượng thức ăn phù hợp với từng thời điểm sinh trưởng của cá nhằm tránh thất thoát thức ăn và hạn chế ô nhiễm môi trường nước, hạn chế tỷ lệ cá hao hụt. Khi cho ăn, tôi canh con nước chảy mạnh để cá ăn mạnh hơn. Với mật độ dày như hiện nay, mỗi ngày tiêu tốn từ 1-1,2 tấn thức ăn”.
Theo ông Quí, cá nuôi trong bè, lồng có nhiều ưu điểm: dễ chăm sóc, nuôi được mật độ cao, góp phần giảm chi phí trong nuôi trồng, tăng thu nhập. Bên cạnh đó, môi trường ít bị ô nhiễm, lượng ôxy trong nước cao, nguồn nước luôn được lưu thông cũng là những điều kiện thuận lợi để cá nuôi trong lồng sinh trưởng, phát triển tốt, chất lượng thịt ngon, được người tiêu dùng ưa thích. Để hạn chế rủi ro, ông chia thành nhiều đợt thả cá trong năm, vừa đảm bảo có nguồn cá xuất bán liên tục vừa có đồng vốn xoay vòng. Mỗi năm, ông Quí xuất bán 150-180 tấn cá; sau khi trừ chi phí, ông thu lời khoảng 500 triệu đồng.
Hồng Vân
- Kỹ thuật nuôi tôm, nuôi cá, phòng trị bệnh tôm, cá và các loại thủy sản khác
Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.