Nguồn tin: Báo ảnh Đất Mũi, 08/08/2019
Ngày cập nhật:
9/8/2019
Cách đây tròn năm, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau phối hợp với Ngân hàng TMCP Phương Đông chi nhánh Cà Mau (OCB Cà Mau) tổ chức Hội thảo “Nâng cao chuỗi liên kết ngành hàng tôm với sự tham gia của các công ty thuốc, giống, thức ăn thủy sản”, qua đó đã hỗ trợ người nuôi tôm trong tỉnh có lãi trong thời giá tôm thấp, giúp nông dân có điều kiện tốt hơn về vốn, kỹ thuật. Đúng một năm sau, vào cuối tháng 7 vừa qua, hai đơn vị này lại tiếp tục tổ chức Hội thảo “Thúc đẩy tiếp cận nguồn tài chính bền vững theo chuỗi giá trị ngành hàng nông sản chủ lực tỉnh Cà Mau”. Đây là động lực để phía ngân hàng có điều kiện tham gia sâu vào chuỗi giá trị liên kết.
Ngành hàng tôm vẫn là ưu tiên số 1 trong tái cơ cấu ngành hàng chủ lực.
Kiểm chứng dự án
Dự án “Nâng cao chuỗi liên kết ngành hàng tôm với sự tham gia của các công ty thuốc, giống, thức ăn thủy sản” do Công ty Thức ăn thủy sản De Heus cùng liên kết với Ngân hàng OCB Cà Mau thực hiện. Thời gian qua, hiệu quả của mô hình liên kết chuỗi ngành hàng tôm đã được kiểm chứng, giảm giá thành sản xuất. Đặc biệt, đầu ra sản phẩm được doanh nghiệp trực tiếp thu mua với giá cao hơn thị trường từ 5 - 8%.
Trong một năm qua, OCB Cà Mau đã nêu ra những tiêu chí để người dân tiếp cận nguồn vốn vay thực hiện mô hình liên kết chuỗi. Công ty Thức ăn thủy sản De Heus là đơn vị liên kết với OCB Cà Mau thực hiện gói tín dụng tài trợ chuỗi liên kết ngành hàng tôm, đảm bảo lợi nhuận sau vụ nuôi trước giá tôm xuống thấp như hiện nay.
OCB Cà Mau đã tiến hành cho vay vốn lưu động tại huyện Đầm Dơi; đầu tư cho các hợp tác xã chuyên phân phối thức ăn, con giống, dụng cụ nuôi tôm… Đối với các hợp tác xã, hạn mức cho vay hơn 100 tỷ đồng; hộ dân thì mức từ 300 - 500 triệu đồng; hiện nay, tổng dư nợ cho vay sản xuất nông nghiệp gần 50 tỷ đồng, chiếm gần 80% dư nợ.
Bà Lê Thị Thùy Trang, Giám đốc Chi nhánh, kiêm Giám đốc bán lẻ OCB Cà Mau, cho biết, cái khó lớn hiện nay mà người dân không tiếp cận được vốn của OCB là do còn thiếu nợ cũ chưa thanh toán, không còn tài sản thế chấp để mở rộng vốn. “Quan điểm của OCB là hợp tác với tất cả các hợp tác xã, tổ hợp tác, xã viên có sản xuất, kinh doanh tốt và Ngân hàng sẵn sàng gia tăng vốn sau khi đã đánh giá được hiệu quả kinh doanh; không phát sinh nợ quá hạn…”, bà Trang khẳng định.
Theo số liệu thống kê của Trung tâm Hợp tác quốc tế nuôi trồng và khai thác thủy sản bền vững (ICAFIC), có 80 - 90% người nuôi tôm vùng ĐBSCL trong tình trạng nợ ngân hàng hoặc các đại lý thức ăn, con giống. Do đó, để thúc đẩy cơ chế mới từ liên kết theo chuỗi, đầu vào phải có sự tham gia của ngân hàng. Đây là đơn vị điều phối dòng tiền hiệu quả và bảo đảm luân chuyển dòng tiền trong chuỗi thông qua cơ chế chuyển khoản giao dịch. Từ đó, các bên sẽ có đủ niềm tin, năng lực tài chính ngồi lại với nhau để hợp tác thực hiện mô hình này hiệu quả hơn.
Trung tâm ICAFIC cho biết, hiện Cà Mau có khoảng 300.000ha nuôi tôm, sản lượng bình quân 150.000 tấn/năm. Theo thời giá hiện tại, một năm người dân Cà Mau sử dụng bình quân khoảng 4.950 tỷ đồng thức ăn cho tôm. Nếu thực hiện theo chuỗi thì giá trị giảm tương đương 15%, tức là làm lợi cho nông dân khoảng 742 tỷ đồng.
OCB Cà Mau đang hướng đến các hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ gia đình có điều kiện sản xuất nhưng thiếu vốn.
Góp phần thông suốt chuỗi liên kết
Sau hơn 4 năm thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp tỉnh Cà Mau đạt được một số kết quả nhất định trong xây dựng và triển khai kế hoạch dài hạn. Xác định con tôm là chủ lực của ngành kinh tế nông nghiệp, khi thực hiện tái cơ cấu, tỉnh đã chuyển đổi mạnh phương thức nuôi thâm canh, siêu thâm canh, tăng nhanh sản lượng tôm nuôi của tỉnh, đặc biệt là nuôi tôm siêu thâm canh đạt 2.020ha vào cuối năm 2018.
Theo Đề án lúc ban đầu, tỉnh xác định 6 ngành hàng chủ lực, gồm: Tôm sinh thái, cua biển, lúa chất lượng cao, chuối, gỗ và khô cá bổi. Trong đó, tôm - ngành hàng ưu tiên số 1 - nhận được nhiều sự quan tâm của lãnh đạo các cấp, có sự phối hợp của các doanh nghiệp, sự tham gia tích cực của người nuôi tôm trong việc mạnh dạn áp dụng các mô hình mới, với các chứng nhận quốc tế. Đã hình thành được các liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, xây dựng được các vùng nuôi tôm có chứng nhận trong nước và quốc tế (VietGAP, ASC, B.A.P, Selva Shrimp…), đưa mặt hàng tôm Cà Mau có mặt tại 90 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Tuy nhiên, việc ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất còn thấp. Việc xác định sản phẩm chủ lực trong thời gian đầu chưa phù hợp, chậm rà soát, điều chỉnh, bổ sung. Nhận thức về tái cơ cấu nông nghiệp của một bộ phận cán bộ, nhất là cán bộ cơ sở còn chung chung; nhiều địa phương còn lúng túng khi triển khai và tổ chức thực hiện đề án. Các quy hoạch theo từng lĩnh vực chậm được thông qua. Nhiều mô hình sản xuất hiệu quả chưa được nhân rộng. Các chính sách ưu đãi chưa thực sự hấp dẫn, chưa thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; đầu tư hạ tầng thủy lợi phục vụ sản xuất không kịp thời, chậm điều chỉnh…
Gỗ là một mặt hàng chủ lực của tỉnh. Người nông dân trong ngành hàng này cũng sẽ được có thêm điều kiện tiếp cận các nguồn vốn vay.
Trong quá trình triển khai thực hiện, để phù hợp với tình hình thực tế, ngành Nông nghiệp tỉnh đã sửa đổi, bỏ bớt những ngành hàng không còn chủ lực, những ngành hàng mà nguồn lực không còn đáp ứng với nhu cầu thực tế và không còn nhiều tiềm năng cũng như thế mạnh như ở thời điểm ban đầu khởi xướng đề án. Theo đó, xác định lại 4 mặt hàng chủ lực, gồm: Tôm, cua biển, lúa chất lượng cao và gỗ. Điều đáng mừng là đã có 3 mặt hàng được công nhận là sản phẩm quốc gia và tỉnh đang tiếp tục làm thủ tục để công nhận mặt hàng còn lại. Trước điều kiện thuận lợi này, ông Lê Thanh Triều, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho biết: “Sở đang tiếp tục tập trung và quyết liệt xây dựng và phát triển các mặt hàng chủ lực gắn với liên kết chuỗi sản xuất. Đồng thời, tăng cường công tác xúc tiến thương mại, tìm kiếm, mở rộng thị trường xuất khẩu, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu và khai thác thị trường trong nước để tiêu thụ sản phẩm, hàng hóa”.
Tiếp theo những thành tựu hơn năm qua, OCB Cà Mau sẽ chủ động cung cấp nhiều gói vay ưu đãi vượt trội, tạo điều kiện để người nông dân trong chuỗi ngành hàng chủ lực tiếp cận với nguồn vốn vay, đáp ứng yêu cầu sản xuất và mang lại hiệu quả cao nhất trong sản xuất.
Về giải pháp dài hơi, bà Lê Thị Thùy Trang cho biết, OCB Cà Mau sẽ gia tăng tiện ích hiện hữu đối với các khách hàng truyền thống; đối với những khách hàng có lịch sử giao dịch tốt, sẽ nâng tỷ lệ đầu tư cho khách hàng trong thời gian tới. Tiếp cận hồ sơ vay của khách hàng tận cánh đồng, xem xét kỹ hồ sơ và đồng hành hỗ trợ vốn khi hồ sơ “sạch” để cùng người dân thực hiện các dự án đã được lên kế hoạch; góp phần thông suốt chuỗi liên kết với các mặt hàng chủ lực.
MINH ĐĂNG
- Kỹ thuật nuôi tôm, nuôi cá, phòng trị bệnh tôm, cá và các loại thủy sản khác
Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.