Nguồn tin: Báo Thừa Thiên Huế, 11/08/2019
Ngày cập nhật:
13/8/2019
Qua thống kê, đến nay có khoảng 70% diện tích đã thu hoạch, hầu hết đều thua lỗ và hòa vốn, số hộ lãi chỉ “đến trên đầu ngón tay”.
Người dân Phong Hải thu hoạch tôm
Thua lỗ vì nắng nóng
Ông Nguyễn Tr. (thôn Hải Đông, xã Phong Hải, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế) và nhiều hộ không đành bỏ hoang ao hồ vì sợ lãng phí và nóng lòng lo trả nợ vay ngân hàng nên “đánh liều” nuôi tôm trên cát vụ hè. Ông Tr. thừa biết việc nuôi tôm vụ hè tỉ lệ thua lỗ rất cao nhưng vẫn cố nuôi.
Khi xuống giống cũng là thời điểm nắng nóng gay gắt diễn ra, mặc dù ông Tr. sử dụng nhiều biện pháp thay nước, dàn quạt tạo ô xi hoạt động liên tục nhưng nguồn nước trong hồ vẫn rất nóng so với môi trường phát triển bình thường. Gần một nửa số tôm giống không thể thích nghi nguồn nước nhiệt độ cao đã bị chết, số còn lại tuy “sống sót” nhưng chậm sinh trưởng. Thông thường, mỗi vụ nuôi chỉ trung bình 4 tháng cho thu hoạch, nhưng vụ hè này kéo dài đến 5 tháng.
Thời gian nuôi kéo dài song kích cỡ tôm vẫn nhỏ, bình quân từ 100 - 120 con/kg, loại tôm 60 - 70 con/kg rất ít, hầu như không có loại 30 con/kg như các vụ nuôi khác. Kích cỡ tôm nhỏ, cộng với thị trường tiêu thụ mùa hè không mạnh nên giá tôm rất thấp, loại 100 - 120 con/kg chỉ có giá 100 -120 ngàn đồng. Ông Tr. nhẩm tính: “Vụ hè này, tui thả nuôi 2 hồ, mỗi hồ rộng 3.000m2, cách đây một tuần, các hồ đều cho thu hoạch, mỗi hồ đạt 2 tấn, thu được trên 400 triệu đồng, trong khi đó mọi chi phí con giống, thức ăn, thuốc men, điện nước… hết 800 triệu đồng. Như vậy, bị lỗ khoảng 400 triệu đồng”.
Ông Võ T. ở thôn Hải Thế, xã Phong Hải nuôi 2 hồ cũng chỉ đạt chừng 6 tấn, một phần vì tỷ lệ chết cao, phần do kích cỡ tôm quá nhỏ. Số tôm chết chủ yếu do nước trong hồ nuôi nóng, số còn lại chậm sinh trưởng nên sản lượng đạt rất thấp. Tuy nhiên, so với nhiều hộ nuôi, hộ ông T. may mắn hơn, đạt 6 tấn, thu gần 700 triệu đồng, chỉ lỗ khoảng 100 triệu đồng.
Chủ tịch UBND xã Điền Hòa, ông Nguyễn Đăng Phúc cho hay, mặc dù địa phương đã khuyến cáo nhưng vụ hè này vẫn có một số hộ nuôi tôm chân trắng trên cát, bất chấp thời tiết nắng nóng, bất lợi. Mới đây, các hộ đều thu hoạch đại trà, trong số 10 hộ nuôi chỉ có 2 hộ có lãi nhưng rất ít, còn lại thua lỗ và hòa vốn.
Thấp thỏm chờ đợi
Chăm sóc hồ tôm, chờ ngày thu hoạch với hy vọng có lãi
Khu vực Ngũ Điền còn lại chừng 30% diện tích ao hồ chưa thu hoạch và có khả năng lãi nếu từ nay đến khi thu tôm không xảy ra dịch bệnh. Các ao hồ nuôi này cũng kéo dài 5 tháng, nhưng qua kiểm tra, tỷ lệ tôm chết do nắng nóng thấp so với nhiều ao hồ khác, quá trình nuôi đến thời điểm này chưa xảy ra dịch bệnh.
Ông Võ Nh. (thôn Hải Thế, xã Phong Hải) nuôi 2 hồ rộng 3.0002/hồ, đến nay tôm vẫn “ổn”. Quá trình nuôi không xảy ra dịch bệnh, tỷ lệ tôm chết rất thấp song tôm chậm phát triển, sản lượng đạt sẽ không cao. Qua kiểm tra, cả hai ao hồ ước sản lượng 5 tấn/hồ, chủ yếu các loại tôm có kích cỡ 70 - 80 con/kg và 100 -120 con/kg.
Tuy nhiên, ông Nh. vẫn tỏ ra lo lắng. Từ nay đến khi thu hoạch còn chừng 10 ngày nữa, tôm nuôi vẫn còn đối diện với thời tiết rất phức tạp, ngày nắng nóng, chiều mưa dông khiến nguồn nước, môi trường thay đổi đột ngột, nguy cơ dịch bệnh, tôm chết rất cao. Những ngày này, ông Nh. và các hộ nuôi thường xuyên theo dõi nhiệt độ, môi trường trong ao nuôi để có sự điều chỉnh phù hợp.
Ông Võ Ng. (thôn Hải Thế, xã Phong Hải) cho rằng, nếu từ nay đến khi thu hoạch không xảy ra dịch bệnh thì “cầm chắc” có lãi. Tuy nhiên, do sản lượng, kích cỡ tôm không lớn như các vụ khác nên lãi sẽ không cao. Với ao hồ nuôi rộng 3.000m2 đạt 5 tấn có thể thu được khoảng 600 triệu đồng, trừ các loại chi phí chỉ lãi chừng 200 triệu đồng, trong khi các vụ khác trong năm có thể đạt 8-9 tấn, lãi 500-600 triệu đồng.
Theo UBND huyện Phong Điền, huyện đang chỉ đạo các địa phương phối hợp với ngành thủy sản, nghiên cứu các biện pháp nuôi tôm trên cát vụ hè, tuy nhiên tùy thuộc vào điều kiện thời tiết, nhiệt độ từng năm để thả nuôi phù hợp. Trước mắt, huyện vẫn khuyến cáo người dân không nên nuôi vụ hè, trong điều kiện nắng nóng quá phức tạp. UBND huyện cũng đã yêu cầu cầu các địa phương kết nối với các lái buôn thu mua sản phẩm cho người dân, tránh tình trạng “độc quyền”, ép giá, cạnh tranh không lành lạnh…
Trước đó, Báo Thừa Thiên Huế Online đã có bài phản ảnh “Đánh cược” với tôm nuôi vụ hè của người dân khi bỏ qua khuyến cáo của cơ quan chức năng. Vụ hè này, tại Ngũ Điền có đến hàng trăm hộ, nhóm hộ nuôi với khoảng 34 ha, chủ yếu tập trung ở xã Phong Hải hơn 30 ha. Theo UBND huyện Phong Điền, quá trình nuôi, cán bộ thủy sản của huyện, các xã thường xuyên theo dõi, hướng dẫn các biện pháp kỹ thuật cho người dân nhưng vẫn không mang lại kết quả như mong muốn do nắng nóng gay gắt, kéo dài. Qua thống kê, đến nay có khoảng 70% diện tích đã thu hoạch, hầu hết đều thua lỗ và hòa vốn, số hộ lãi chỉ “đến trên đầu ngón tay”.
Bài, ảnh: Hoàng Triều
- Kỹ thuật nuôi tôm, nuôi cá, phòng trị bệnh tôm, cá và các loại thủy sản khác
Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.