Nguồn tin: Báo Lào Cai, 12/08/2019
Ngày cập nhật:
13/8/2019
Tháng 6/2018, cá tầm được thả nuôi thí điểm trong lồng bè tại hồ thủy điện Bắc Hà (huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai). Sau 12 tháng nuôi, cá có trọng lượng khoảng 1,8 - 2 kg/con, tỷ lệ sống đạt hơn 70%, đảm bảo mục tiêu đề ra. Kết quả này mở ra triển vọng mới về phát triển thủy sản đặc sản, giá trị cao tại lòng hồ thủy điện, thủy lợi trên địa bàn tỉnh.
Anh Cao Văn Quyền, thôn Thẩm Phúc, xã Cốc Ly (huyện Bắc Hà) có 7 năm kinh nghiệm nuôi cá lồng trên lòng hồ thủy điện. Trước đây, gia đình anh chỉ nuôi cá trắm, cá chép và cá nheo, cho hiệu quả kinh tế khá. Tháng 6/2018, khi được hỗ trợ vốn, kỹ thuật từ Trung tâm Khuyến nông quốc gia, anh thí điểm nuôi cá tầm - loại cá đặc sản có giá trị kinh tế cao của tỉnh Lào Cai. Nhờ tuân thủ đầy đủ hướng dẫn kỹ thuật trong các khâu nuôi và kinh nghiệm sẵn có, sau 12 tháng, cá nuôi của gia đình anh đạt khoảng 1,8 - 2 kg/con.
Người dân xã Cốc Ly thả cá tầm giống.
Với anh Giàng Văn Cống, cũng ở xã Cốc Ly, lần đầu tiên nuôi cá tầm đã mang lại cho anh những trải nghiệm từ lo lắng, hồi hộp đến vui mừng, hạnh phúc. Anh Cống cho biết: Nuôi cá tầm đòi hỏi khắt khe về kỹ thuật chăm sóc. Thức ăn, phương pháp nuôi cá tầm cũng không giống với các loại cá trước đây anh từng nuôi. Thời gian đầu, do cá được nhập từ nơi khác về, chưa quen với nguồn nước, điều kiện khí hậu nên cá giống chết khoảng 10%. Nhưng với sự hướng dẫn kỹ thuật của cán bộ nông nghiệp, anh đã điều chỉnh tăng độ sâu của lồng nuôi nhằm giảm nhiệt độ nước, cho ăn, chăm sóc đúng kỹ thuật nên cá sinh trưởng, phát triển tốt. Những con cá tầm hiện đã 2 kg, ăn khỏe, lớn nhanh và hứa hẹn cho thu nhập cao.
Triển khai nuôi cá tầm trên lòng hồ thủy điện Bắc Hà là một phần của Dự án “Xây dựng mô hình nuôi cá tầm, cá lăng, cá diêu hồng trong lồng bè đảm bảo an toàn thực phẩm tại một số tỉnh miền núi phía Bắc giai đoạn 2017 - 2019”, do Trung tâm Khuyến nông quốc gia thực hiện. Sau hơn 1 năm triển khai, dự án giúp nông dân các địa phương mở ra nghề mới là nuôi cá lồng đặc sản có giá trị kinh tế cao trên lòng hồ thủy điện.
Trong khuôn khổ của dự án, từ tháng 6/2018 đến nay, có 8 hộ (năm 2018 có 4 hộ và 2019 có 4 hộ) thuộc xã Cốc Ly (huyện Bắc Hà) và xã Tả Thàng (huyện Mường Khương) được lựa chọn tham gia với tổng thể tích lồng nuôi là 800 m3. Tham gia mô hình, mỗi hộ được hỗ trợ 750 con cá giống (trọng lượng hơn 50 g/con); 2,7 tấn thức ăn hỗn hợp dành cho cá tầm đạt tiêu chuẩn và đáp ứng nhu cầu theo từng giai đoạn phát triển của cá. Ngoài ra, các hộ được hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, phương pháp phòng, tránh các bệnh thông thường cho cá trong khi nuôi. Nông dân tham gia mô hình đối ứng bằng việc có đủ cơ sở vật chất như lồng bè, có thể tích đảm bảo theo yêu cầu, sẵn sàng đối ứng thức ăn, chế phẩm sinh học phù hợp với yêu cầu kỹ thuật của mô hình.
Vừa qua, Trung tâm Khuyến nông quốc gia phối hợp với Trung tâm Khuyến nông và Dịch vụ nông nghiệp tỉnh đánh giá mô hình nuôi cá tầm của 4 hộ thực hiện năm 2018. Kết quả, cá tầm phù hợp với nguồn nước, được chăm sóc đúng kỹ thuật nên sinh trưởng tốt. Sau 12 tháng nuôi, cá đạt trọng lượng bình quân 1,8 kg/con, tỷ lệ sống hơn 70%, đảm bảo yêu cầu mô hình. Kết quả trên là cơ sở để các địa phương có điều kiện về khí hậu, mặt nước cá tầm sinh sống được, tổ chức nuôi trên quy mô lớn hơn, tiến tới thành lập các tổ, nhóm nông dân cùng sở thích nuôi cá tầm trong lồng bè, liên kết với doanh nghiệp trong sản xuất và bao tiêu sản phẩm bền vững.
Ông Đặng Danh Bộ, cán bộ Trung tâm Khuyến nông và Dịch vụ nông nghiệp tỉnh, cho biết: Mô hình nuôi cá tầm trên hồ thủy điện được thực hiện đồng thời với việc nuôi các giống cá thông thường là cách làm trực quan để nông dân nhận thấy hiệu quả kinh tế. Cách làm này góp phần đa dạng hóa nguồn cung sản phẩm đặc sản, chất lượng, tạo thêm việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân trên địa bàn. Qua thực tế việc chăm sóc cá của nông dân cho thấy, có nhiều vấn đề phải rút kinh nghiệm để việc nuôi cá tầm trong lồng bè trên hồ thủy điện Bắc Hà đạt được mục đích đề ra, đó là nuôi cá tầm theo hướng VietGAP.
KIM THOA
- Kỹ thuật nuôi tôm, nuôi cá, phòng trị bệnh tôm, cá và các loại thủy sản khác
Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.