Nguồn tin: Báo Nam Định, 22/01/2019
Ngày cập nhật:
25/1/2019
Cuối năm, từ các vùng nuôi thủy sản mặn lợ ven biển ở Hải Hậu, Nghĩa Hưng, Giao Thủy (tỉnh Nam Định) cho đến những vùng thủy sản nội đồng ở Mỹ Lộc, Vụ Bản... đâu đâu cũng thấy sức xuân. Xuân đến sớm nhất ở những vùng nuôi mặn lợ tập trung rồi kéo dài đến tận sát Tết Nguyên đán khi những "vựa" cá cảnh, cá truyền thống ở các vùng nuôi nội đồng vào mùa “tát ao”. Từng đoàn xe hối hả đi, đến, tiếng cười nói râm ran khắp các ao nuôi. Những ngày giáp Tết thực sự là ngày hội của người dân những vùng nuôi thủy sản.
I. Từ các vùng nuôi mặn lợ tập trung
Trong những năm qua, ngành thủy sản luôn nhận được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, nhiều cơ chế chính sách hỗ trợ, khuyến khích đã được ban hành. Thực hiện chủ trương đó, UBND tỉnh đã ban hành các Quyết định số: 644/QĐ-UBND ngày 14-5-2012 phê duyệt Quy hoạch phát triển sản xuất nông nghiệp, thủy sản và muối tỉnh Nam Định giai đoạn 2010-2020 và tầm nhìn đến năm 2030; số 1346/QĐ-UBND ngày 30-7-2014 phê duyệt Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp Nam Định theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững giai đoạn 2014-2020. Những định hướng cụ thể đó đã đưa ngành thủy sản tỉnh nhà có những bước phát triển mạnh mẽ. Diện tích nuôi thủy sản ngày càng tăng với tổng diện tích gần 16 nghìn ha; sản lượng nuôi trồng thủy sản của tỉnh liên tục tăng qua các năm với tốc độ tăng trưởng bình quân là 7,79%/năm. Hiện toàn tỉnh đã hình thành 70 vùng nuôi thủy sản tập trung với tổng diện tích 6.651ha, tập trung ở các huyện: Giao Thủy, Hải Hậu, Nghĩa Hưng, Xuân Trường, Trực Ninh, Vụ Bản,...
Các vùng nuôi thủy sản tập trung cơ bản đã được đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế cao, nhất là các vùng chuyển đổi từ diện tích trồng lúa, trồng cói, làm muối kém hiệu quả sang nuôi thủy sản. Việc chuyển đổi các diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang nuôi thủy sản đã góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập và thay đổi chất lượng cuộc sống của nông, ngư dân trong vùng. Tại huyện Giao Thủy, thủy sản nuôi tập trung chủ yếu là tôm thẻ chân trắng, ngao và tôm sú tại các xã: Giao Phong, Bạch Long, Giao Thiện, Giao Lạc, Giao Xuân, Thị trấn Quất Lâm,... Các vùng nuôi tôm thẻ chân trắng đang ngày càng được quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng, kỹ thuật thâm canh cao. Với quy mô khoảng 58ha, Hợp tác xã nuôi trồng thủy sản Giao Phong, xã Giao Phong đạt năng suất bình quân 10 tấn/ha/năm, cá biệt có những hộ nuôi đạt được 15-20 tấn/ha/năm. Lợi nhuận thu được sau khi trừ các khoản chi phí của các hộ thành viên hợp tác xã ước đạt từ 1,4-1,8 tỷ đồng/ha/năm.
Trang trại nuôi tôm thẻ chân trắng của anh Hoàng Đức Thiện, xã Hải Triều (Hải Hậu).
II. Đến thương hiệu "vựa" cá đặc sản
Do địa hình có nhiều sông, ngòi, đồng trũng nên nuôi thủy sản nước ngọt của tỉnh ta cũng phát triển mạnh. Mô hình nuôi cá diêu hồng ở vùng chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả kết hợp trồng màu tại xã Hải Châu (Hải Hậu) với quy mô 134,4ha, trong đó có 80,64ha nuôi thâm canh cá diêu hồng đạt giá trị kinh tế cao. Hằng năm, vùng nuôi cá diêu hồng đạt sản lượng khoảng 1.100 tấn, doanh thu đạt 44 tỷ đồng, trừ chi phí đạt 15 tỷ đồng (tương đương từ 180-200 triệu đồng/ha/năm). Các địa chỉ như xã Mỹ Hà (Mỹ Lộc), Phương Định, Liêm Hải, Thị trấn Cổ Lễ (Trực Ninh)... được biết đến như những “vựa” cá cung cấp nguyên liệu để chế biến những món ăn đặc sản ngày càng được ưa thích trong dịp Tết cổ truyền như cá trắm kho khô, cá úp chậu... Còn các xã: Minh Thuận, Tân Khánh (Vụ Bản), Mỹ Thắng (Mỹ Lộc)… lại là những “vựa” cá cảnh các loại.
Cá trắm đen Mỹ Hà tiêu thụ quanh năm ở các thị trường trong tỉnh và các thị trường lớn như: Hà Nội, Hải Phòng, Thanh Hóa… Đặc biệt, vào dịp giáp Tết, cá trắm đen Mỹ Hà được cung ứng số lượng lớn cho làng cá kho Nhân Hậu, huyện Lý Nhân (tỉnh Hà Nam). Theo hạch toán của các hộ nuôi cá trắm, mỗi ha nuôi có thể cho năng suất cá đạt từ 10-12 tấn, doanh thu đạt từ 1-1,2 tỷ đồng và cho thu lãi 150-200 triệu đồng/ha. Đồng chí Trần Xuân Nậm, Chủ tịch UBND xã Minh Thuận (Vụ Bản) cho biết: sau khi thực hiện dồn điền đổi thửa năm 2003, xã đã quy hoạch chuyển đổi khoảng 20ha ruộng trũng, trồng lúa kém hiệu quả tại cánh đồng thôn Bịch sang nuôi thủy sản. Nghề nuôi cá cảnh thương phẩm không chỉ mang lại nguồn thu nhập thực tế từ vài trăm triệu đến trên 1 tỷ đồng cho các hộ nuôi lớn mà còn tạo việc làm gián tiếp cho hàng trăm lao động thời vụ với mức thu nhập bình quân từ 200-300 nghìn đồng/người/ngày. Giá trị thu nhập từ nghề nuôi cá cảnh mang lại cao gấp khoảng 20 lần so với canh tác lúa truyền thống. Từ chỗ phải nhập giống từ nơi khác, đến nay ở Minh Thuận đã tự chủ được nguồn giống tại chỗ khi một số hộ nuôi có thâm niên đã cho cá bố mẹ sinh sản thành công nhiều giống như: cá Koi, cá chép cảnh, cá vàng...
Chủ động được các khâu sản xuất; người nuôi cá cảnh ở Minh Thuận còn nhanh nhạy tận dụng lợi thế của mạng internet để tiếp thị sản phẩm qua hệ thống mạng xã hội và tổ chức hệ thống phân phối sản phẩm nên cá nuôi không đủ bán. Ở xã đã hình thành một hệ thống đại lý chuyên thu gom cá cảnh tại chỗ và các xã lân cận của huyện Mỹ Lộc như: Mỹ Thắng, Mỹ Hưng, Mỹ Hà... để đưa đi tiêu thụ khắp cả nước và xuất sang cả Lào, Thái Lan, Căm-pu-chia. Giáp Tết, hàng trăm lao động thời vụ lại sắp xếp công việc gia đình tỏa đi bán cá dạo khắp nơi, công việc mang lại một nguồn thu đáng kể cho chi tiêu dịp Tết và ra Giêng.
Hiệu quả kinh tế của nghề nuôi thủy sản ngày càng khẳng định là nghề đứng đầu của nhà nông “Thứ nhất canh trì”… góp phần quan trọng trong quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động và nâng cao thu nhập cho người dân theo hướng xây dựng nông thôn mới bền vững, phát triển. Những vùng “thùng đào, thùng đấu” hoang hóa xưa, những diện tích trồng lúa, làm muối kém hiệu quả khiến nông dân thường xuyên phập phồng nỗi lo mất mùa nay trở thành những vùng nuôi thủy sản giàu có trù phú. Ở nhiều vùng nuôi thủy sản mà chúng tôi có dịp ghé thăm, hàng nghìn hộ dân đã thoát nghèo, vươn lên làm giàu ngay chính trên đồng đất quê hương. Đó là những minh chứng đầy thuyết phục về sự cần thiết và tất yếu phải đổi mới sản xuất nông nghiệp, với chủ trương đúng, sự lãnh đạo, chỉ đạo tập trung, quyết liệt và sự cần cù, năng động, người nông dân sẽ có những mùa xuân no ấm, hạnh phúc./.
Bài và ảnh: Thành Trung
- Kỹ thuật nuôi tôm, nuôi cá, phòng trị bệnh tôm, cá và các loại thủy sản khác
Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.