• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Thừa Thiên Huế: Thu hoạch thủy sản vượt lũ

Nguồn tin: Báo Thừa Thiên Huế, 18/08/2019
Ngày cập nhật: 25/8/2019

Sắp đến mùa mưa lũ, các địa phương đang tập trung thu hoạch thủy sản để tránh thiệt hại.

Người dân thu hoạch tôm

Thu hoạch xong giữa tháng 9

Những ngày qua, hộ ông Hoàng Thanh ở thôn Phước Yên, xã Quảng Thọ (Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế) tiến hành thu tỉa thủy sản nuôi bằng lồng trên sông Bồ. Những lồng cá trắm cỏ được ông Thanh thả nuôi từ đầu năm, đến nay phần lớn đạt trọng lượng 3-5kg/con, số ít 1-2kg/con. Các loại cá có trọng lượng 3-5kg/con có giá bình quân 100 ngàn đồng/kg.

Kinh nghiệm từ nhiều năm trước, năm nay ông Thanh thả giống sớm hơn mọi năm, kích cỡ giống cũng lớn hơn nhằm đảm bảo thu hoạch kịp thời, tránh lũ.

“Những năm trước đây, năm nào cũng thiệt hại hàng chục triệu đồng do cá bị lũ cuốn trôi, lồng bè hư hỏng. Năm nay tính toán lại cơ cấu khung lịch thời vụ hợp lý, chế độ thức ăn cũng tốt hơn nên cá phát triển nhanh. Dự tính chừng một tháng nữa sẽ thu hoạch cơ bản xong toàn bộ số cá nuôi. Có thể còn vài tạ không thể thu hoạch trước lũ phải tiếp tục nuôi, bảo vệ để phục vụ nhu cầu tiêu thụ dịp tết”, ông Thanh chia sẻ.

Hộ ông Võ Văn Chương và người dân xã Quảng Công (Quảng Điền) cũng đang tiến hành thu hoạch tôm và các loại thủy sản nuôi trên đầm phá để tránh lũ. Ông Chương cho rằng, còn khoảng 1 tháng nữa mới đến mùa mưa lũ, những ngày này đang tiến hành thu tỉa các loại thủy sản có trọng lượng đáp ứng nhu cầu thị trường, bán được giá. Dự kiến đến giữa tháng 9, hoặc khi có dự báo mưa lũ sẽ tiến hành thu hoạch đại trà, tuyệt đối không để bị lũ cuốn trôi gây thiệt hại lớn.

“Ba ao hồ nuôi với diện tích mỗi ao 3.000m2, chi phí đầu tư con giống, thức ăn, điện, nước, thuốc men… chừng 300 triệu đồng. Như vậy ba ao hồ nuôi tổng chi phí chừng 1 tỷ đồng. Chưa kể thủy sản đến kỳ thu hoạch bán trị giá mỗi hồ 500 triệu đồng. Nếu để lũ cuốn trôi cả ba hồ sẽ thiệt hại 1,5 tỷ đồng”, ông Chương nhẩm tính.

Phó Trưởng phòng NN&PTNT huyện Quảng Điền Trần Thị Thanh Nhã thông tin, năm nay toàn huyện Quảng Điền đưa vào nuôi khoảng 1.697 lồng cá trên sông Bồ, đầm phá Tam Giang, gần 700 ha tôm, mô hình xen ghép và khoảng 160 ha thủy sản nước ngọt. Từ đầu tháng 8, ngành nông nghiệp phối hợp với các địa phương tuyên truyền, vận động người dân tiến hành thu hoạch các loại thủy sản, phấn đấu giữa tháng sẽ 9 xong.

Bảo vệ an toàn trong mưa lũ

Ông Nguyễn Phúc ở phường Tứ Hạ (TX. Hương Trà) cũng đang tiến hành thu hoạch tỉa cá trắm nuôi lồng trên sông Bồ. Tuy nhiên theo ông Phúc, trong số 5 lồng cá có 1 lồng thả nuôi muộn, kích cỡ con giống lại nhỏ nên không thể thu hoạch trước lũ. Ông Phúc cũng đã có phương án giằng neo, bảo vệ an toàn cho lồng cá này. Trường hợp lũ lớn, nguy cơ mất an toàn sẽ thu hoạch bán, chấp nhận giá thấp nhằm hạn chế thiệt hại.

Lái buôn đến thu mua cá trắm tại xã Quảng Thọ

Theo Sở NN&PTNT, tám tháng đầu năm 2019, toàn tỉnh nuôi trên 7.000 ha thủy sản, gồm nuôi nước lợ 5.260 ha, còn lại nuôi nước ngọt. Toàn tỉnh có gần 6.000 lồng cá nuôi trên các sông, hồ thủy lợ, trên đầm phá Tam Giang - Cầu Hai với khoảng 3.000 hộ nuôi. Các loại thủy sản nuôi thời điểm này đều đến kỳ thu hoạch, phấn đấu đến giữa tháng 9 sẽ thu hoạch xong. Một số ít diện tích, lồng nuôi không thể thu hoạch trước lũ, các địa phương hướng dẫn người dân các biện pháp giằng neo, bảo vệ an toàn, tránh thiệt hại…

Phòng Kinh tế TX. Hương Trà đánh giá, năm nay phần lớn các hộ dân cơ bản chấp hành tốt khung lịch thời vụ, kích cỡ giống, các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh… nên thủy sản phát triển khá tốt. Có khoảng 90% diện tích nuôi trồng thủy sản, lồng bè chủ yếu nuôi nước lợ, trên đầm phá Tam Giang sẽ thu hoạch kịp thời trước lũ. Số diện tích còn lại nuôi bằng lồng trên sông Bồ, do trọng lượng các loại cá chưa đáp ứng yêu cầu thị trường nên có khả năng phải giữ lại nuôi. Phòng Kinh tế phối hợp với các địa phương đã tuyên truyền, hướng dẫn người dân giằng neo lồng vào các gốc cây, trụ bê tông tránh lũ cuốn trôi. Cá có thể sẽ thu hoạch bán khi lũ quá lớn, nguồn nước ô nhiễm nhằm hạn chế thiệt hại.

Riêng đối với nuôi tôm trên cát, hiện nay các hộ cơ bản hoàn thành thu hoạch vụ hè, đang tiến hành cải tạo ao hồ để nuôi thả nuôi vụ tết. Dự kiến toàn tỉnh thả nuôi tôm trên cát vụ tết khoảng 500 ha, trong đó nhiều nhất là huyện Phong Điền gần 400 ha. Các ao hồ nuôi trên cát không lo bị lũ cuốn trôi nhưng đáng lo các yếu tố môi trường nguồn nước thay đổi đột ngột, một số khí độc có thể gây nên dịch bệnh, tôm chết.

Ông Nguyễn Đăng Thành, Phó Trưởng phòng NN&PTNT huyện Phong Điền thông tin, dự kiến vụ tôm tết trên địa bàn huyện đưa vào nuôi khoảng 400 ha. Ngành nông nghiệp cử cán bộ cùng với các địa phương tổ chức hướng dẫn bà con các biện pháp bảo vệ tôm trong mùa mưa lũ. Ngành nông nghiệp khuyến cáo, người dân phải thường xuyên theo dõi nguồn nước trong ao hồ để có sự bổ sung, điều chỉnh các yếu tố môi trường đảm bảo cho sự sinh trưởng của tôm và tránh xảy ra dịch bệnh.

Bài, ảnh: Hoàng Triều

Các tin mới

 

Nhấn vào đây để xem các tin trước

Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang