• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Mô hình hiệu quả trong công tác quản lý rừng

Nguồn tin: Báo Sóc Trăng, 13/07/2020
Ngày cập nhật: 15/7/2020

Sóc Trăng có rừng ngập mặn được phân bố ven biển, ven sông là 6.727ha và rừng nhiễm phèn, vùng trũng nội đồng là 4.560ha, ở các huyện: Cù Lao Dung, Trần Đề, Châu Thành, Mỹ Tú, TX. Ngã Năm, TX. Vĩnh Châu, với các loài cây chủ yếu như: đước, bần, mắm, đưng, dà, sú, vẹt, dừa nước… có vai trò chính là phòng hộ ven biển, góp phần cân bằng hệ sinh thái, tạo sinh kế cho người dân, nhất là hộ dân sống lân cận thông qua các mô hình sinh kế dưới tán rừng.

Phối hợp cộng đồng quản lý, bảo vệ rừng

Để đảm bảo tài nguyên rừng cũng như giữ vững và tăng cường lợi ích của rừng trong việc phát triển sinh kế cho người dân địa phương, trong nhiều năm qua, Chi cục Kiểm lâm tỉnh đã triển khai mô hình phối hợp quản lý, bảo vệ rừng dựa vào cộng đồng dân cư vùng ven biển đã đem lại những kết quả tốt đẹp, minh chứng là diện tích rừng ngày càng phát triển và hạn chế được tối đa việc tự ý chặt phá rừng tại các vùng ven dân cư sinh sống.

Các nhóm, tổ đồng quản lý thường xuyên kiểm tra bảo vệ quản lý rừng. Ảnh: Thúy Liễu

Theo đó, Chi cục Kiểm lâm tỉnh đã thành lập các nhóm đồng quản lý và các tổ trồng rừng, quản lý, bảo vệ rừng tại địa phương ven biển có diện tích rừng do Dự án GIZ hỗ trợ. Các thành viên tham gia nhóm, tổ là những hộ dân vùng ven biển sống gần rừng và gắn bó với rừng trên tinh thần tự nguyện tham gia, với 19 tổ trồng rừng thuộc 10 xã (của 3 huyện, thị xã ven biển), mỗi tổ có 12 - 14 thành viên. Công việc chính của thành viên các tổ là đánh bắt thủy sản dưới tán rừng, ven bờ kết hợp đi tuần tra theo kế hoạch của tổ trưởng, kể cả phối hợp cùng lực lượng kiểm lâm và các cơ quan chức năng ở địa phương nhằm bảo vệ rừng. Để công tác quản lý, bảo vệ rừng hiệu quả, hàng tháng các tổ tiến hành cuộc họp cùng hạt kiểm lâm, chính quyền địa phương thông tin tình hình thực tế tại các khu vực rừng đã tuần tra, thông tin thuận lợi, khó khăn trong quá trình bảo vệ rừng để cùng nhau tháo gỡ.

Đưa chúng tôi tham quan khu vực rừng tại ấp Vàm Hồ, xã An Thạnh Nam (Cù Lao Dung), anh Nguyễn Văn Trí bộc bạch: “Tôi tham gia vào Tổ bảo vệ rừng từ năm 2014, nhờ vậy mà tăng thu nhập cho gia đình thông qua các mô hình sinh kế từ các chương trình, dự án do Chi cục Kiểm lâm tỉnh và các ngành liên quan đầu tư cho các thành viên trong tổ. Đặc biệt, việc giao khoán rừng giúp cho thành viên ý thức trong khai thác các nguồn lợi thủy sản tự nhiên một cách khoa học, vừa bảo vệ thủy sản dưới tán rừng sinh sôi phát triển vừa cùng ngành chuyên môn, địa phương quản lý, bảo vệ rừng tốt hơn. Bên cạnh đó, tham gia Tổ bảo vệ rừng, tôi được tập huấn các kiến thức pháp luật về công tác quản lý, bảo vệ rừng; kỹ thuật trồng rừng, chăm sóc rừng; bảo vệ môi trường rừng, góp phần nâng cao trình độ nhận thức cho bản thân và trở thành tuyên truyền viên tuyên truyền đến người dân sống ven rừng…”.

Hiệu quả mô hình phối hợp quản lý, bảo vệ rừng

Nhìn chung, từ khi thực hiện mô hình phối hợp quản lý, bảo vệ rừng với cộng đồng dân cư thì tình hình công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn vùng ven biển trong những năm qua có nhiều chuyển biến tích cực, các vụ vi phạm pháp luật về quản lý, bảo vệ rừng giảm qua từng năm, diện tích rừng hiện có được duy trì và phát triển, ý thức về bảo vệ rừng của người dân dần được nâng cao, thu nhập của thành viên các tổ bảo vệ rừng và người dân tham gia công tác phát triển rừng được tăng thêm, góp phần ổn định cuộc sống người dân vùng ven biển.

Mô hình nuôi vọp dưới tán rừng đem lại nguồn thu nhập tốt cho các tổ, nhóm tham gia bảo vệ rừng. Ảnh: Thúy Liễu

Thấy rõ nhất là qua các năm triển khai thực hiện, mô hình đã phát huy hiệu quả tích cực đó là phần lớn các vụ vi phạm pháp luật về quản lý, bảo vệ rừng sớm được phát hiện và ngăn chặn kịp thời nên giảm đáng kể các trường hợp vi phạm pháp luật về quản lý, bảo vệ rừng, trong năm 2019, chỉ có 1 vụ vi phạm (những năm trước số vụ vi phạm là 3 - 5 vụ/năm).

Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Trần Trọng Khiêm cho biết: “Công tác thực hiện giao khoán bảo vệ rừng ven biển cho các tổ, nhóm trong thời gian qua không chỉ góp phần hạn chế nạn chặt phá rừng trái phép, duy trì ổn định diện tích rừng trên các lâm phần được giao khoán mà còn góp phần tạo thêm thu nhập của hộ gia đình nhận khoán, tạo động lực khuyến khích họ tích cực tham gia vào công tác bảo vệ rừng cũng như nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của hộ dân trong việc ký cam kết không chặt phá cây rừng, không lấn chiếm đất rừng, cùng ngành chức năng tham gia tuần tra bảo vệ rừng. Song song đó, nhờ tham gia vào công tác trồng rừng, chăm sóc rừng mà người dân hiểu được sự quan trọng của rừng ngập mặn trong việc phòng hộ, bảo vệ vùng ven biển, bảo vệ môi trường sinh thái, từ đó thấy được ý nghĩa của việc bảo vệ và phát triển rừng. Công tác phát triển các mô hình nông - lâm kết hợp góp phần tạo thêm thu nhập, ổn định cuộc sống cho người dân để người dân gắn bó với rừng".

Thông qua hiệu quả mô hình phối hợp cộng đồng quản lý, bảo vệ rừng cũng như để thực hiện tốt công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng theo chính sách pháp luật mới hiện hành và phù hợp với tình hình thực tế của địa phương, Chi cục Kiểm lâm tỉnh kiến nghị UBND tỉnh có chủ trương cho thành lập ban quản lý rừng phòng hộ ven biển và thực hiện giao đất, giao rừng...

Thúy Liễu

Các tin mới

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang