• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Nơi cứu hộ, bảo tồn động vật hoang dã

Nguồn tin: Báo Quảng Bình, 27/12/2020
Ngày cập nhật: 28/12/2020

Động vật hoang dã (ĐVHD) là tài nguyên thiên nhiên vô vùng quý giá, góp phần quan trọng trong việc tạo nên sự cân bằng sinh thái, bảo đảm môi trường sống cho con người và các loài động, thực vật khác. Với chức năng, nhiệm vụ được giao, Trung tâm Cứu hộ, bảo tồn và phát triển sinh vật Vườn quốc gia (VQG) Phong Nha-Kẻ Bàng (gọi tắt là Trung tâm) đang nỗ lực từng ngày để thực hiện tốt công tác cứu hộ, bảo tồn các loại ĐVHD.

Cứu hộ thành công hàng trăm ĐVHD

Ông Trần Ngọc Anh, Phó Giám đốc Trung tâm cho biết, hoạt động cứu hộ ĐVHD được thực hiện từ khi thành lập VQG Phong Nha-Kẻ Bàng (năm 2001) bởi Trung tâm Cứu hộ, nuôi thả ĐVHD bán thiên nhiên. Tuy nhiên, cơ sở hạ tầng cứu hộ lúc này còn rất tạm bợ, chưa có khu cứu hộ động vật nên đối tượng cứu hộ chỉ tập trung vào một số loài thực vật nguy cấp bị khai thác mạnh và một số loài động vật khác.

Đến năm 2004, sau khi sáp nhập Trung tâm Nghiên cứu khoa học với Trung tâm Cứu hộ, nuôi thả ĐVHD bán thiên nhiên thành Trung tâm Nghiên cứu khoa học và Cứu hộ, hoạt động cứu hộ động vật mới bắt đầu được tăng cường. Tháng 9-2013, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 2193/QĐ-UBND, ngày 10-9-2013 về việc kiện toàn và đổi tên Trung tâm Nghiên cứu khoa học và Cứu hộ thành Trung tâm Cứu hộ, bảo tồn và phát triển sinh vật. Từ đây, Trung tâm có chức năng nhiệm vụ chủ yếu là tập trung vào công tác cứu hộ ĐVHD và phát triển sinh vật.

Chăm sóc ĐVHD là công việc không hề đơn giản, vừa vất vả vừa hiểm nguy, đòi hỏi mỗi cán bộ, nhân viên của Trung tâm phải có năng lực và chuyên môn nghiệp vụ tốt, đồng thời không quản ngại khó khăn.

Cán bộ Trung tâm Cứu hộ, bảo tồn và phát triển sinh vật xử lý vết thương cho khỉ mặt đỏ.

Chia sẻ với chúng tôi, ông Lê Thúc Định, Giám đốc Trung tâm cho biết: “Những người làm nghề cứu hộ, chăm sóc ĐVHD luôn đối diện với nguy cơ bị các con thú tấn công, rất nguy hiểm. Nhưng vì tình yêu với ĐVHD, tập thể Trung tâm vẫn cố gắng để ĐVHD khỏe mạnh, tái hòa nhập thiên nhiên. Bên cạnh đó, để nâng cao tỷ lệ cứu hộ thành công, Trung tâm luôn quan tâm, chú trọng đào tạo, tập huấn nâng cao trình độ chuyên môn về công tác chăm sóc, cứu hộ ĐVHD”.

Nhờ vậy, trong 6 năm qua (2015-2020), đơn vị đã tiếp nhận 519 cá thể ĐVHD; tỷ lệ cứu hộ thành công đạt gần 90%; động vật cứu hộ thành công thả về môi trường tự nhiên tại VQG Phong Nha-Kẻ Bàng là 360 cá thể. Hiện, Trung tâm đang tiếp tục nuôi cứu hộ 94 cá thể và nuôi sinh sản 49 cá thể. Những loại ĐVHD được cứu hộ chủ yếu, gồm: gấu ngựa, gấu chó, beo lửa, mèo gấm, cầy mực, cầy vòi hương, voọc Hà Tĩnh, chà vá chân nâu, cu li nhỏ, khỉ cộc, khỉ đuôi lợn, trăn gấm, rắn hổ mang, rùa đất Sê pôn, chim công, cú lợn lưng xám, cú mèo, diều hoa Miến Điện…

Nhằm thực hiện tốt công tác bảo tồn đa dạng sinh học, năm 2016, Trung tâm đã chủ động tham mưu Ban quản lý VQG Phong Nha-Kẻ Bàng xây dựng và trình UBND tỉnh ban hành Quy chế cứu hộ ĐVHD trên địa bàn tỉnh Quảng Bình. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng, là cẩm nang cho hoạt động cứu hộ ĐVHD trên địa bàn toàn tỉnh.

Mặt khác, Trung tâm cũng đã chủ trì xây dựng và trình Ban quản lý VQG Phong Nha-Kẻ Bàng ban hành kế hoạch hành động về bảo tồn đa dạng sinh học VQG Phong Nha-Kẻ Bàng đến năm 2020; phương án bảo tồn một số loài động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm tại VQG Phong Nha-Kẻ Bàng giai đoạn 2016-2020.

Các phương án, kế hoạch này là những định hướng lớn; đồng thời, cũng là những nhiệm vụ và giải pháp cụ thể theo lộ trình để thực hiện tốt công tác quản lý, bảo tồn đa dạng sinh học của VQG Phong Nha-Kẻ Bàng.

Vẫn còn nhiều khó khăn

Hiện nay, ở Việt Nam mới chỉ có một số địa phương xây dựng khu cứu hộ động vật, như: TP. Hà Nội (Sóc Sơn), TP. HCM (Củ Chi), Lào Cai (Hoàng Liên Sơn), Vĩnh Phúc (Tam Đảo), Ninh Bình (Cúc Phương), Nghệ An (Pù Mát), Quảng Bình (Phong Nha-Kẻ Bàng). Tuy nhiên, về đối tượng, quy mô, diện tích có khác nhau. So sánh về quy mô, diện tích xây dựng khu cứu hộ so với cả nước cho thấy, khu vực miền Trung mới chỉ có khu cứu hộ Pù Mát và Phong Nha-Kẻ Bàng nhưng cả hai khu này đều có diện tích rất nhỏ so với các khu cứu hộ khác của Việt Nam (Pù Mát 0,25 ha; Phong Nha-Kẻ Bàng 0,04 ha).

Từ khi hình thành đến nay, cơ sở hạ tầng về cứu hộ ĐVHD của Trung tâm vẫn là một Khu cứu hộ ĐVHD tạm thời được hỗ trợ xây dựng bởi dự án Cologne và Khu nuôi thả bán hoang dã hai loài linh trưởng được hỗ trợ xây dựng bởi Hội động vật Frankfurt. Trong khi đó, đối tượng cứu hộ của khu cứu hộ Phong Nha-Kẻ Bàng rất đa dạng, bao gồm rất nhiều loài thú, chim và bò sát.

Cán bộ Trung tâm Cứu hộ, bảo tồn và phát triển sinh vật VQG Phong Nha-Kẻ Bàng và Trung tâm Cứu hộ Cúc Phương chăm sóc chà vá chân nâu.

Ông Trần Ngọc Anh, Phó Giám đốc Trung tâm Cứu hộ, bảo tồn và phát triển sinh vật cho biết, hệ thống hạ tầng cứu hộ hiện tại của Trung tâm có quy mô quá nhỏ, không có các khu vực riêng biệt để thực hiện công tác cứu hộ theo quy trình; không đủ số lượng chuồng để chăm sóc và nuôi dưỡng nhiều đối tượng cứu hộ khác nhau. Bên cạnh đó, khu cứu hộ quá gần khu vực dân cư và đường dân sinh nên không bảo đảm an toàn phòng dịch và môi trường sống yên tĩnh cho các loài động vật cứu hộ…

Với thực trạng về cơ sở hạ tầng nói trên, khu cứu hộ ĐVHD VQG Phong Nha-Kẻ Bàng chưa thể đáp ứng được nhu cầu cứu hộ hiện tại và tương lai. Để đáp ứng cho nhu cầu cứu hộ cả khu vực miền Trung, góp phần bảo tồn đa dạng sinh học, giáo dục môi trường, du lịch sinh thái và nhân giống gây nuôi phát triển ĐVHD, Trung tâm cần phải xây dựng được một khu cứu hộ đạt tiêu chuẩn.

Được biết, năm 2018, Ban quản lý VQG Phong Nha-Kẻ Bàng đã tiến hành xây dựng khu cứu hộ mới trên diện tích khoảng 7,8 ha, gồm: khu cách ly kiểm dịch; khu chăm sóc nuôi dưỡng; khu bán hoang dã; khu hành chính. Tuy nhiên, khu cứu hộ mới này đang phải tạm ngừng thi công do gặp phải một số vướng mắc về thủ tục pháp lý. Hi vọng các khó khăn, vướng mắc sẽ sớm được giải quyết để khu cứu hộ mới sớm đi vào hoạt động, giúp Trung tâm phát huy hơn nữa hiệu quả trong công tác cứu hộ, bảo tồn ĐVHD, thực sự là nơi hồi sinh của các ĐVHD.

Lê Mai

Các tin mới

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang