• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Sản xuất nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và bền vững

Nguồn tin:  Cổng TTĐT tỉnh Kiên Giang, 13/01/2020
Ngày cập nhật: 14/1/2020

Năm 2020, tỉnh Kiên Giang đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp phát triển theo hướng hiện đại, bền vững, sản xuất hàng hóa lớn, nâng cao giá trị gia tăng, tăng sức cạnh tranh của nông sản, nhất là 2 sản phẩm chủ lực là lúa gạo và thủy sản.

Sản xuất lúa chất lượng cao vụ Đông Xuân 2019 – 2020.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Kiên Giang, tỉnh phấn đấu năm 2020, sản lượng lúa đạt khoảng 4,3 triệu tấn; sản lượng khai thác và nuôi trồng thủy sản 755.000 tấn, trong đó tôm nuôi 85.000 tấn; chăn nuôi đàn lợn 200.000 con…

Ông Đỗ Minh Nhựt, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Kiên Giang nhấn mạnh: “Tỉnh đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng hiện đại, bền vững, an toàn và hiệu quả. Sản xuất hàng hóa lớn theo nhu cầu của thị trường tiêu thụ và vùng quy hoạch, nâng cao giá trị gia tăng, tăng sức cạnh tranh của sản phẩm nông sản. Qua đó, xây dựng vùng chuyên canh, trọng điểm sản xuất nông nghiệp hàng hóa và lộ trình thực hiện theo các ngành hàng chủ lực của tỉnh.”

Tỉnh thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển nông nghiệp hàng hóa tập trung quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao, nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững. Khuyến khích phát triển nông nghiệp sinh thái, hữu cơ, liên kết theo chuỗi giá trị bảo đảm đầu ra cho nông sản, tăng thu nhập cho nông dân. Tỉnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với lợi thế, nhu cầu thị trường, thích ứng với biến đổi khí hậu. Chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả sang mô hình trồng cây màu, cây ăn quả, chú trọng một số cây trồng chủ lực như: Khóm (dứa), hồ tiêu, măng cụt…

Đối với trồng lúa, ngành chức năng tăng cường quản lý giống, tăng diện tích lúa chất lượng cao trong từng vụ mùa, chiếm 80% diện tích gieo trồng, xây dựng vùng lúa chuyên canh tập trung chất lượng cao, cánh đồng lớn theo hướng hợp tác, liên kết sản xuất gắn với bao tiêu sản phẩm. Áp dụng đồng bộ cơ giới hóa trong sản xuất, liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ và chế biến xuất khẩu lúa gạo.

Lĩnh vực chăn nuôi, tỉnh xây dựng và triển khai thực hiện đề án “Phát triển chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, đảm bảo tính bền vững”, cơ cấu lại ngành chăn nuôi theo hướng tăng tỷ trọng, phát triển quy mô trang trại kết hợp với duy trì chăn nuôi nông hộ. Tỉnh tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp ngăn chặn, phòng chống dịch bệnh gây hại ngành chăn nuôi, nhất là ngăn chặn, dập tắt bệnh dịch tả lợn Châu Phi.

Tiếp đến, lĩnh vực đánh bắt hải sản trên biển, tỉnh giảm dần cường lực khai thác gắn với bảo vệ, tái tạo nguồn lợi thủy sản tự nhiên, thực hiện nghiêm quy định về đánh bắt và truy xuất nguồn gốc thủy sản, thực hiện đồng bộ, quyết liệt và hiệu quả các khuyến nghị của Đoàn Thanh tra EC, hướng tới phát triển khai thác đánh bắt thủy sản bền vững trên ngư trường. Ông Quảng Trọng Thao, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Kiên Giang khẳng định: “Tỉnh tăng cường quản lý đóng mới, đăng ký, đăng kiểm tàu cá, xử lý nghiêm tàu cá không đăng ký, đăng kiểm. Đẩy mạnh phân cấp quản lý tàu cá cho huyện theo quy định, nâng cao hiệu quả khai thác đánh bắt, vận động ngư dân đổi mới, áp dụng công nghệ bảo quản sau thu hoạch để nâng cao chất lượng và giá trị sản phẩm khai thác. Tăng cường quản lý, tuần tra kiểm soát ngư trường, hướng dẫn, quản lý việc đánh bắt hải sản theo đúng quy định. Kịp thời ngăn chặn tàu thuyền ngư dân sang vùng biển nước ngoài khai thác hải sản trái phép.”

Đối với nuôi trồng thủy sản, tỉnh hoàn thành, triển khai thực hiện hiện đề án “Phát triển nuôi biển theo hướng bền vững trên địa bàn Kiên Giang đến năm 2030” và quy hoạch vùng biển của tỉnh. Đa dạng hóa mô hình, chủng loại thủy sản nuôi trồng, tập trung vào loại có lợi thế xuất khẩu, triển khai nhân rộng mô hình nuôi tôm công nghiệp 2 giai đoạn năng suất, chất lượng cao. Quản lý, kiểm soát chặt chẽ chất lượng con giống, thức ăn, thuốc thú y và kiểm soát dịch bệnh. Ngành chức năng tỉnh phối hợp với các địa phương sắp xếp, bố trí lại vị trí nuôi cá lồng bè, nuôi nhuyễn thể 2 mảnh vỏ trên biển hợp lý, phát triển mạnh nuôi ven biển, ven đảo và xa khơi. Tỉnh kêu gọi các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân có tiềm lực mạnh về vốn, kinh nghiệm, công nghệ, khoa học kỹ thuật… đầu tư phát triển nuôi vùng biển xa.

Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Kiên Giang cho biết, tổng sản phẩm GRDP ngành nông nghiệp tỉnh năm 2019 đạt gần 22.150 tỷ đồng. Tổng diện tích gieo trồng lúa hơn 722.000 ha, sản lượng thu hoạch hơn 4,2 triệu tấn. Nông dân trồng lúa chất lượng cao chiếm 72% tổng diện tích gieo trồng, liên kết sản xuất tiêu thụ sản phẩm trên 56 cánh đồng lớn, tổng diện tích hơn 33.250 ha ở các huyện Hòn Đất, Gò Quao, Tân Hiệp, Châu Thành... Nông dân đẩy mạnh thực hiện cơ giới hóa trong sản xuất, với khâu làm đất 97%, thu hoạch 98%, gieo cấy 40%, bơm điện 35%, sấy lúa 80%, chăm sóc 85%.

Tỉnh chuyển đổi diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả sang cây trồng khác 32.864 ha, mời gọi Công ty cổ phần nông nghiệp công nghệ cao Trung An, Công ty cổ phần nông trại sinh thái… đầu tư phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch, hữu cơ nâng cao giá trị sản xuất theo chuỗi giá trị.

Cùng với đó, tổng sản lượng khai thác và nuôi trồng thủy sản 845.430 tấn, đạt 101,3% kế hoạch, tăng 3,67% so với năm 2018, trong đó tôm nuôi 82.726 tấn.

Tỉnh tập trung tuyên truyền, thanh tra, kiểm tra xử lý nghiêm các tàu cá có dấu hiệu vi phạm vùng biển nước ngoài khai thác hải sản trái phép, phân cấp quản lý tàu cá trên địa bàn, triển khai thực hiện dự án “Điều tra các nghề khai thác vùng biển ven bờ và vùng lộng biển Kiên Giang, đề xuất sắp xếp lại cơ cấu nghề khai thác vùng biển ven bờ và vùng lộng biển Kiên Giang”.

Nuôi trồng thủy sản, ngành chức năng tăng cường quản lý chất lượng con giống, vận chuyển giống tôm nhập vào tỉnh; triển khai xây dựng đề án “Phát triển nuôi biển theo định hướng bền vững trên địa bàn tỉnh Kiên Giang đến năm 2030”. Tỉnh mời gọi Tập đoàn Minh Phú đầu tư nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao. Doanh nghiệp, nông dân chuyển từ nuôi tôm công nghiệp truyền thống sang nuôi tôm công nghiệp 2 giai đoạn, chiếm khoảng 70 - 80% diện tích nuôi tôm công nghiệp, năng suất 10 - 15 tấn/ha. Ngoài ra, nông dân nuôi xen kết hợp tôm sú, tôm thẻ, tôm càng xanh và cá đem lại hiệu quả cao; đầu tư nuôi tôm công nghiệp - bán công nghiệp vùng Tứ giác Long Xuyên, nuôi tôm - lúa vùng ven biển U Minh Thượng và Hòn Đất./.

Lê Huy Hải

Các tin mới:

 

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang