• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Ninh Bình: Hoa Lư hướng tới sản xuất nông nghiệp sinh thái

Nguồn tin:  Báo Ninh Bình, 29/12/2020
Ngày cập nhật: 30/12/2020

Mấy năm nay, các địa phương ở huyện Hoa Lư (báo Ninh Bình) có xu hướng chuyển trọng tâm sang sản xuất nông nghiệp sinh thái kết hợp phát triển dịch vụ, du lịch. Từ những diện tích xen kẹp, bóng núi, đất trũng, ruộng xấu được chuyển sang trồng hoa lan, trồng sen, nuôi cá…, nhiều mô hình cho giá trị kinh tế từ 230 đến 300 triệu đồng/ha.

Đầm sen xứ đồng chân núi Múa, xã Ninh Xuân - điểm thu hút khách du lịch. Ảnh: Trường Giang

Những mô hình hiệu quả

Giám đốc HTX nông nghiệp xã Ninh Thắng chia sẻ: Nhờ thuê mượn phần đất trũng, ruộng xấu cấy lúa kém hiệu quả của các xã viên, Công ty Nông nghiệp sạch Ninh Thắng đã có trên 13 ha mặt bằng trồng sen Nhật phục vụ nhu cầu dịch vụ du lịch. Một năm mấy vụ, đầm sen trên địa bàn đã cho "thu hoạch" bằng việc phục vụ dịch vụ du lịch…, đã mang về giá trị kinh tế cao hơn 5 đến 6 lần so với trồng lúa. Cụ thể bằng việc bán vé vào đầm sen, phí thuê trang phục, phí thợ trang điểm, chụp ảnh…, những dịp cuối tuần, ngày lễ, thời tiết đẹp, đầm sen là điểm hấp dẫn thu hút khách du lịch gần xa.

Với điều kiện tự nhiên bất lợi trong sản xuất nông nghiệp, nhờ chuyển đổi cây trồng, con nuôi, xã Ninh Xuân cũng xuất hiện các mô hình hay, hiệu quả. Giám đốc HTX nông nghiệp Khê Hạ, anh Hoàng Minh Vương kể: Bắt đầu từ năm 2019, Khu du lịch hang Múa triển khai ý tưởng trồng cánh đồng sen (khoảng 1,2ha) dưới chân núi Ngọa Long để phục vụ cảnh quan, sinh thái. Nhờ có thổ nhưỡng phù hợp cùng với sự đầu tư về kỹ thuật, chăm sóc theo dõi sự sinh trưởng của giống sen quý này, vài vụ qua, dưới chân núi hang Múa xuất hiện đầm sen Nhật xanh mướt, nhất là khoảng thời gian tháng 6, 7 và 8 là thời điểm sen nở rộ, đẹp nhất. Cùng với con đường gỗ hình trái tim giữa đầm sen, nơi đây đã nhanh chóng trở thành điểm check-in nổi tiếng và đã được cộng đồng mạng, khách du lịch bình chọn danh hiệu "hồ sen đẹp nhất Việt Nam". Nhờ hiệu quả của mô hình, đến nay xã Ninh Xuân đã có 4,2 ha trồng sen, khoảng 1 ha lúa - cá các loại phục vụ dịch vụ du lịch.

Còn đối với xã Trường Yên-địa bàn nhiều hang động đá vôi, khe suối, là nơi sinh sống của loài cá đặc biệt - cá rô Tổng Trường được dùng để tiến cho các vua quan trong triều năm xưa, nay được bảo tồn, nhân rộng ra nuôi thương phẩm. Được biết, mô hình nuôi cá rô Tổng Trường thực hiện tại xã Trường Yên, quy mô 7 ha, trong đó 4 ha nuôi thâm canh trong ao và 3 ha nuôi trên ruộng (lúa - cá). Ông Bùi Xuân Hải, anh Hoàng Dũng là những điển hình ở xã Trường Yên nuôi cá chia sẻ, việc nuôi cá rô trên ruộng đã tận dụng được diện tích đất mặt nước, mỗi vụ cá cũng thu được 7-8 tấn/ha, mang lại nguồn thu trên 100 triệu đồng/ha, cao hơn trồng lúa 2 - 3 lần. Đây là nguồn thực phẩm ưa thích, hấp dẫn, đáp ứng nhu cầu ẩm thực của nhiều du khách khi đến với miền đất Cố đô Hoa Lư.

Theo đánh giá của Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện, ghi nhận tại các xã triển khai mô hình trồng sen Nhật, thả cá kết hợp làm du lịch cho thấy, đến nay sau gần 2 năm triển khai thực hiện, giống sen Nhật phù hợp với thổ nhưỡng và khí hậu của vùng, thời gian ra hoa 3 vụ/năm. Từ tháng 6 đến tháng 12 hàng năm là điểm nhấn nổi bật thu hút đông đảo du khách đến chiêm ngưỡng. Mô hình trồng sen Nhật kết hợp thả cá còn cho lợi nhuận kinh tế cao, trên 300 triệu đồng/năm với các sản phẩm từ sen (cao hơn trồng lúa gấp 5 - 6 lần) và nguồn thu từ khách du lịch đến tham quan, chụp ảnh. Chưa kể nguồn thu từ dịch vụ câu cá giải trí nghỉ dưỡng ở nhiều hộ có đầm, kết hợp mô hình homestay…

Chú trọng nông nghiệp sinh thái

Trước những thành công ban đầu, đem lại hiệu quả kinh tế cao, đến nay, huyện Hoa Lư tiếp tục triển khai, bảo vệ mô hình sen Nhật, sen giống mới kết hợp với nuôi cá nước ngọt với quy mô trên 47 ha đã trồng tại các xã Ninh Xuân, Ninh Thắng, Ninh Mỹ và Trường Yên để phục vụ du lịch, dịch vụ.

Đồng chí Bùi Duy Quang, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện cho biết: Ban Thường vụ Huyện ủy vừa ban hành Nghị quyết số 02- NQ/HU, ngày 8/12/2020 về sản xuất vụ đông xuân. Việc tổ chức triển khai Nghị quyết được lồng ghép ngay trong buổi tổng kết và triển khai kế hoạch sản xuất vụ đông xuân - khi có mặt đầy đủ đại diện lãnh đạo chính quyền xã, đại diện Ban quản trị các HTX nông nghiệp, các phòng, ban chuyên môn trong toàn huyện. Theo đó, huyện yêu cầu cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể, các ngành và các HTX tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện tốt một số nhiệm vụ và giải pháp. Đó là: tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tăng cường ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và cơ giới hóa trong sản xuất theo hướng nâng cao chất lượng và hiệu quả sản xuất, gắn sản xuất nông nghiệp với phát triển du lịch, dịch vụ. Ngành, địa phương quan tâm mở rộng sản xuất lúa chất lượng cao theo hướng gọn vùng, gọn thửa, đồng giống, đồng trà. Khuyến khích đẩy mạnh gieo cấy lúa bằng máy, giảm diện tích gieo thẳng dưới 50% diện tích.

Huyện và địa phương tiếp tục hỗ trợ sản xuất cánh đồng mẫu lớn với quy mô từ 30 đến 100 ha ở xã có điều kiện phù hợp, tăng cường liên kết với các doanh nghiệp từ khâu sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm theo hướng nông nghiệp góp đất, cho thuê đất để sản xuất các loại cây trồng, con nuôi có hiệu quả kinh tế cao hơn so với trồng lúa như: trồng sen Nhật, sen giống mới, hoa lan, măng tây, ngải cứu, cá rô Tổng Trường, cá quả… triển khai thực hiện ngay từ vụ đông xuân. Các địa bàn chủ động lựa chọn cơ cấu trà lúa, giống lúa phù hợp để tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất vụ đông xuân năm 2021 theo định hướng tái cơ cấu, nhất là vùng sản xuất lúa - cá và trồng cây vụ đông có giá trị kinh tế cao theo quy hoạch.

Toàn huyện phấn đấu gieo cấy trên 2.997 ha trà lúa xuân muộn, 20 ha cây màu, trong đó phấn đấu có trên 2.000 ha lúa chất lượng cao đảm bảo cấy gọn vùng, gọn thửa, phấn đấu năng suất bình quân 67,6 tạ/ha trở lên và sản lượng đạt 20.126 tấn... Hoa Lư phấn đấu xây dựng từ 5 đến 10 mô hình cánh đồng mẫu lớn quy mô từ 30 đến 100 ha với đặc sản có giá trị kinh tế để từng bước xây dựng thương hiệu "gạo Tràng An". Duy trì mô hình sản xuất măng tây ở xã Trường Yên (khoảng 2 ha), mô hình nuôi cá rô Tổng Trường ở xã Trường Yên và Ninh Mỹ và một số xã có điều kiện phù hợp với quy mô trên 10 ha. Theo đó, đặc biệt chú trọng lãnh đạo, chỉ đạo phối hợp tổ chức sản xuất mô hình cánh đồng lúa sinh thái trong khu vực tuyến đường thủy Tam Cốc - Bích Động phục vụ đúng dịp "Tuần lễ sắc vàng Tam Cốc - Tràng An" - nhằm phục vụ tốt Năm Du lịch Quốc gia 2021 tổ chức tại Ninh Bình.

Nhờ tích cực trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, con nuôi, tăng cường liên kết tiêu thụ sản phẩm, số lượng mô hình cánh đồng mẫu lớn cho hiệu quả kinh tế và những cánh đồng sinh thái đã và đang phát huy tiềm năng, thế mạnh ở nhiều địa phương của huyện Hoa Lư.

Minh Đường

Các tin mới:

 

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang