Nguồn tin: Báo Bắc Ninh, 27/07/2020
Ngày cập nhật:
30/7/2020
Chỉ với chiếc điện thoại di động kết nối mạng, nhiều nông dân giờ đây có thể giao dịch trực tuyến để bán rau, củ, thịt, cá ở bất cứ đâu, bất kỳ lúc nào. Phương thức chào hàng và bán hàng qua mạng đang là xu thế tất yếu hiện nay với mọi sản phẩm. Đây là hướng tiêu thụ nông sản mới ổn định, bắt kịp xu hướng hiện đại cho những người nông dân năng động.
Facebook của chị Nghiêm Thị Lương, thị trấn Chờ, Yên Phong thường xuyên cập nhật tin, bài đăng bán rau, củ do trang trại sản xuất với hình ảnh phong phú.
Mô hình nông nghiệp sạch Sunfarm tại thị trấn Chờ (Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh) của chị Nghiêm Thị Lương đã thực hiện chào hàng trên mạng xã hội ngay khi đi vào hoạt động từ hơn 1 năm trước. Với 3.000 m2 nhà màng sản xuất các loại dưa hoàng hậu, kim cô nương, dưa chuột, cà chua, rau xanh… tới nay, sản phẩm của chị đã khẳng định được uy tín, tạo niềm tin đối với khách hàng dù chưa mở cửa hàng. Đến vụ thu hoạch, chị thực hiện livestrime (phát sóng và tương tác trực tiếp) các sản phẩm của mình trên mạng xã hội. Ưu điểm của bán nông sản online là không bị giới hạn về diện tích hay thời gian, có thể đăng bán 24/7 mà không tốn tiền thuê cửa hàng. Ban đầu, khách hàng chủ yếu là bạn bè trên trang cá nhân của chị, nhưng dần có thêm nhiều người lạ đặt mua sau khi chia sẻ livestrime vào các hội, nhóm, với sức tiêu thụ bình quân được khoảng 40-50 kg/ngày. “Hiện tại, mình chú trọng vào các sản phẩm nông nghiệp sạch, có giá trị cao, nên khi bán hàng trên mạng phải đầu tư hình ảnh, ưu tiên những bối cảnh xuyên suốt quá trình trồng, chăm sóc, sơ chế nông sản thể hiện việc bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, đồng thời niêm yết giá cả công khai. Từ đó, khách hàng thêm tin tưởng vào nguồn gốc sản phẩm. Ngoài ra, mình cũng phải nắm được thủ thuật marketing hiệu quả, thiết kế tin, bài và trả lời khách hàng. Một số thời điểm, muốn đẩy mạnh tiêu thụ, mình có thể mua quảng cáo trên mạng xã hội với kinh phí không quá lớn”, chị Lương chia sẻ.
HTX dịch vụ nông nghiệp Ngăm Mạc (Lãng Ngâm, Gia Bình) cũng là một trong những điển hình ứng dụng mạng xã hội để tiêu thụ nông sản hiệu quả, nhất là trong đợt dịch bệnh vừa qua, khi sức tiêu thụ tại các chợ, điểm bán truyền thống giảm mạnh. Anh Nguyễn Đắc Thành, Giám đốc HTX khẳng định: “Các HTX dịch vụ ngoài việc đổi mới quy trình sản xuất theo hướng hiện đại, còn phải đổi mới cách tiếp cận thị trường theo hướng phát triển kênh bán online. Từ khi được cấp chứng nhận VietGap, ngoài mở cửa hàng giới thiệu sản phẩm tại chợ thị trấn, tôi cũng vận động các thành viên tích cực quảng bá trên mạng xã hội… Với cách này, HTX có thể cung cấp được nguồn thực phẩm tươi ngon cho người tiêu dùng, tìm kiếm thêm khách hàng. Ngoài các mối buôn còn khách lẻ đặt mua theo nhóm và kết nối được cả những khách hàng ở xa”.
Là một trong những người thường xuyên đặt mua thực phẩm qua mạng, chị Nguyễn Thị Nguyệt, phường Suối Hoa (thành phố Bắc Ninh) vui vẻ: “Hình thức mua hàng này rất tiện lợi cho các bà nội trợ công sở ít thời gian như chúng tôi. Tranh thủ lúc rảnh rỗi, chúng tôi lướt mạng xã hội, bị hấp dẫn bởi những mặt hàng và lựa chọn được ngay những thứ mình cần. Thực phẩm được giao hàng tận nơi nên không tốn thời gian, công sức đi chợ, nhất là trong những ngày nóng nực”.
Thực tế, ứng dụng thương mại điện tử để quảng bá, tiêu thụ nông sản đang là xu thế, giúp tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp thuận lợi và góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, tăng thu nhập cho người nông dân… Việc thường xuyên có được thông tin cập nhật về thị hiếu của khách hàng thông qua phản hồi từ tin nhắn, bình luận, giúp các HTX, hộ sản xuất đổi mới công nghệ, cải tiến mẫu mã, nâng cao chất lượng của hàng hóa và dịch vụ. Tuy nhiên khó khăn là phương thức bán hàng này mới được áp dụng chủ yếu là ở đối tượng người trẻ, thế hệ 8X, 9X trong khi nhiều nông dân lớn tuổi với trình độ sử dụng công nghệ thông tin hạn chế nên gặp nhiều khó khăn khi tiếp cận. Những dịch vụ đi kèm như giao hàng tận nơi, chế biến sẵn thực phẩm… đôi khi còn chưa được bài bản. Sự cạnh tranh trên giao dịch trực tuyến ngày càng lớn khiến mặt hàng thực phẩm dễ bị làm nhái, kém chất lượng, làm mất lòng tin của người tiêu dùng…
Vì vậy, theo ông Nguyễn Đăng Khang, Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh ngoài hỗ trợ nông dân tham gia các hội chợ, hội nghị, hội thảo, các quầy hàng trưng bày, giới thiệu sản phẩm trong và ngoài tỉnh thì Hội Nông dân tỉnh cũng khuyến khích ứng dụng công nghệ thông tin vào quảng bá, tiêu thụ nông sản. Hội sẽ phối hợp với các cấp, ngành tổ chức tập huấn về cách quảng bá nông sản online; đầu tư xây dựng thương hiệu tiến đến dán tem nhãn, mã vạch truy xuất nguồn gốc cho các sản phẩm,… tạo thuận lợi cho tiêu thụ nông sản qua mạng.
Huyền Thương
- Kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm và các loại đặc sản
- Kỹ thuật trồng trọt cây ăn trái, rau màu và các loại cây lương thực, cây công nghiệp khác
Các tin mới:
Kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, nuôi trồng và chế biến thủy hải sản
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.