• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Khi nông dân thay đổi tư duy sản xuất

Nguồn tin:  Báo Hậu Giang, 02/03/2020
Ngày cập nhật: 4/3/2020

Đa dạng nhiều loại vật nuôi đáp ứng nhu cầu thị trường và tăng cường liên kết, hỗ trợ nhau để phát triển sản xuất là những cách làm mà nhiều hội viên Hội Nông dân xã Vĩnh Viễn A, huyện Long Mỹ (tỉnh Hậu Giang), áp dụng và đạt kết quả tích cực.

Anh Chung sử dụng trùn quế làm thức ăn nuôi cá chạch lấu và lươn.

Về xã Vĩnh Viễn A, những hộ nuôi lươn ở đây đã quen thuộc với anh Lê Hoàng Vũ, ở ấp 6. Bởi đây là địa chỉ cung cấp lươn giống đáng tin cậy của bà con và hơn nữa anh còn kiêm luôn việc “tư vấn”, sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm, kỹ thuật cho những ai mới chập chững bắt đầu nuôi mà gặp nhiều khó khăn. Hỏi thăm mới biết trước đây anh Vũ cũng thuộc diện hộ nghèo, khởi nghiệp từ những bể nuôi lươn thương phẩm. Sau đó nhận thấy tiềm năng của loài thủy sản này và lợi thế nguồn giống lươn tốt tại địa phương, anh quyết định đầu tư sản xuất lươn giống. Khởi đầu cũng gặp không ít khó khăn, anh Vũ chia sẻ: “Từ mua lươn bố mẹ, cách lấy trứng, tạo môi trường không chuẩn nên không thành công. Nhưng đã quyết tâm thì phải kiên trì làm cho bằng được, tôi không bỏ cuộc dù mất 3 năm ròng kết quả không như mong muốn”.

Nhờ nguồn vốn vay cho hộ khó khăn và tinh thần chịu khó, anh Vũ tiếp tục kiên trì học hỏi thêm kinh nghiệm nuôi lươn giống, tham gia các lớp tập huấn để cải thiện kỹ thuật. Dần dà anh Vũ đã thành công khi cho lươn bố mẹ sinh sản, lấy trứng, ấp nở đạt tỷ lệ cao. Giờ đây, anh có 50 bể cho lươn sinh sản, tăng 16 bể so với năm trước, cung ứng ra thị trường trong và ngoài tỉnh khoảng 500.000 con giống, lợi nhuận thu được vài trăm triệu đồng/năm. Đã thoát nghèo, anh Vũ tiếp tục giúp đỡ các hội viên nông dân còn khó khăn, hỗ trợ con giống cho đến khi bán lươn thương phẩm mới trả tiền. Nhờ vậy, nhiều nông dân trong xã có thêm sinh kế làm ăn, phát triển sản xuất để từng bước thoát nghèo.

Không chỉ nhanh nhạy nắm bắt nhu cầu thị trường và mạnh dạn trong phát triển sản xuất, nhiều hộ còn chủ động tìm hiểu cách tận dụng các phế phẩm trong quá trình chăn nuôi để tạo ra sản phẩm mới, giúp giảm chi phí và tăng thu nhập. Anh Nguyễn Minh Chung, ở ấp 6, là một trong những hộ đã áp dụng khá thành công. Ban đầu gia đình anh chỉ nuôi bò thịt nhưng sau khi thấy các nơi khác tận dụng phân bò để nuôi trùn quế thì anh Chung về áp dụng thử. Anh đã thu gom và ủ phân bò trong 2-3 ngày, còn trộn thêm lục bình xay nhuyễn rồi làm thức ăn cho trùn quế. Số trùn quế thu được anh dùng làm thức ăn cho lươn và cá chạch. Dự kiến bể cá chạch lấu cuối năm nay sẽ đạt trọng lượng trên 300 gram/con, giá thu mua trên thị trường mua khá cao từ 300.000-400.000 đồng/kg.

Vốn cần cù và chịu khó học hỏi, anh Chung luôn tìm tòi các mô hình hay để áp dụng nhằm giảm chi phí thức ăn công nghiệp và đa dạng nguồn thức ăn. Mới đây, anh còn mua 5kg ấu trùng về gây nuôi ruồi lính đen cho sinh sản, cứ sau 7-8 ngày là ấu trùng có thể dùng làm thức ăn cho cá và lươn. Anh còn định sắp tới sẽ mua máy ép cám viên để trộn trùn quế, ấu trùng ruồi. Cám làm thức ăn dạng viên nhỏ để dễ cho ăn, đỡ hao hụt và hạn chế làm bẩn nguồn nước. “Mình làm nông cần tính chuyện có nhiều sản phẩm bán ra thị trường để hạn chế rủi ro. Các mô hình sản xuất liên kết với nhau để không bỏ phí thứ nào, ngoài tận dụng được các loại phụ phẩm để giảm chi phí còn đảm bảo về môi trường”, anh Chung cho biết thêm.

Ông Nguyễn Hữu Phúc, Chủ tịch Hội Nông dân xã Vĩnh Viễn A, cho biết: Trong thời gian qua, hội đã đẩy mạnh tuyên truyền và vận động hội viên tham gia vào các tổ hợp tác và HTX để việc liên kết và hỗ trợ sản xuất hiệu quả. Song song đó, còn duy trì tổ chức các đợt tham quan, tập huấn để hội viên nông dân mở mang kiến thức, tìm được hướng đi phù hợp phát triển kinh tế và thay đổi tư duy sản xuất. Cán bộ hội luôn gần gũi và tìm hiểu nguyện vọng của từng hộ còn khó khăn để có hướng hỗ trợ. Những hội viên đã xây dựng mô hình bền vững, thu nhập ổn định tiếp tục giúp đỡ các hội viên khó khăn. Nhờ vậy, nhiều hội viên đã ổn định cuộc sống, nâng cao thu nhập. Năm 2019, có 5 hội viên đã thoát nghèo, vượt chỉ tiêu đề ra là 2 hội viên.

Bài, ảnh: THIÊN NGỌC

Các tin mới:

 

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang