• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Hồi sinh rừng ngập mặn

Nguồn tin: Báo Khánh Hòa, 21/09/2021
Ngày cập nhật: 24/9/2021

Những cánh rừng ngập mặn là một hệ sinh thái quí hiếm, từ ngàn đời như cái nôi của sự sống đa dạng vùng ven biển. Vậy mà một thời kỳ, nó đã bị tàn phá không thương tiếc. Khi rừng mất mới thấm thía được sự khốc liệt của thiên nhiên. Giờ đây, những bàn tay từng cầm rựa phá rừng năm xưa đã phải cắm sâu những cây non xuống bùn để hồi sinh cho những cánh rừng ngập mặn.

Thời phá rừng nuôi tôm

Những ngày này, đi trên những triền đất loang lổ cỏ cháy ở đầm Thủy Triều, dưới cái nắng bỏng rát ở khu vực thôn Văn Tứ Đông (xã Cam Hòa, huyện Cam Lâm, Khánh Hòa), chứng kiến hàng loạt đìa tôm, cá bỏ hoang khô khốc, chúng tôi mới thấm thía hết sự khốc liệt của thiên nhiên diễn ra trên vùng đất từng có hệ sinh thái rừng đa dạng của tỉnh. Trước đây, nhắc đến thôn Văn Tứ Đông là nhắc đến thôn có nhiều diện tích rừng ngập mặn nhất ở huyện Cam Lâm với 160ha rừng đước, bần, mắm, nhưng bây giờ…

Ông Đinh Công Phương (57 tuổi), Trưởng thôn Văn Tứ Đông, là người sinh ra và lớn lên ở khu vực đầm Thủy Triều có lẽ là nhân chứng sống cho một thời kỳ rừng ngập mặn của thôn bị xóa sổ. Theo ký ức của ông, rừng ngập mặn nơi đây bắt đầu bị phá để nuôi tôm vào giai đoạn năm 1990 - 1995. Thời điểm đó, rừng còn nhiều, chất lượng nước tốt, tôm thả xuống không cần chăm sóc cũng lớn nhanh. Ban đầu chỉ lác đác vài hộ nhưng đến giai đoạn 1995 - 2000, thôn Văn Tứ Đông có 400 hộ dân thì đã có 300 hộ phá rừng để lập đìa nuôi tôm. “Không có máy múc, máy ủi, người dân cầm dao, rựa… vào rừng chặt cây. Đất đắp thành bờ, cây đước chặt phá xong đem về làm củi, chỉ trong vòng vài năm, 160ha rừng ở thôn đã bị triệt hạ. Đầm Thủy Triều lúc đó điện thắp sáng như thành phố suốt đêm để nuôi tôm”, ông Phương kể lại.

Phong trào nuôi tôm tự phát không chỉ diễn ra ở xã Cam Hòa mà còn lan rộng ra các xã Cam Hải Đông, Cam Thành Bắc… Ông Nguyễn Hữu Thể (62 tuổi, thôn Văn Tứ Đông) được xem là một trong những người nuôi tôm thành công giai đoạn đó với hơn 5ha đìa tôm, từng nhanh chóng trở thành tỷ phú, kể: “Việc nuôi tôm cực thịnh chỉ được khoảng 5 năm, đến năm 2000 năng suất không cao được như trước và bắt đầu có hiện tượng tôm chết. Không còn các tán cây rừng như trước, sinh vật mất nơi trú ngụ, ô nhiễm nguồn nước là những nguyên nhân khiến tôm chết hàng loạt”.

Khi những đìa tôm không còn hiệu quả kinh tế, người dân bắt đầu “tháo chạy” khỏi đìa tôm, các trại bán tôm giống cũng dẹp tiệm. Ông Thể kể, từ giai đoạn 2005 đến nay, người dân không thiết tha với việc nuôi tôm nên đìa được cho thuê lại với giá rẻ 9 - 10 triệu đồng/năm hoặc bán 150 triệu đồng/1.000m2. Việc nuôi tôm giờ đây chỉ nuôi quảng canh, không đầu tư chi phí chăm sóc.

Tương tự, tại đầm Nha Phu, xã Ninh Ích (thị xã Ninh Hòa), trước năm 1995, từng có khoảng 200ha rừng ngập mặn nguyên sinh. Nhưng sau đó, người dân đã phá rừng để nuôi tôm công nghiệp. Đến năm 2006, rừng ngập mặn chỉ còn khoảng 30ha, giảm tới 85% diện tích. Mất rừng, nuôi tôm không hiệu quả nên số hộ nuôi tôm công nghiệp hiện tại ở xã Ninh Ích cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Phục hồi rừng

Các bạn trẻ cùng người dân tham gia trồng đước ở đầm Thủy Triều.

Những ngày cuối năm 2020, một nhóm bạn trẻ gồm thanh niên tình nguyện, cán bộ Sở Tài nguyên và Môi trường, Phòng Tài nguyên và Môi trường, Công an, dân quân… huyện Cam Lâm mang về thôn Văn Tứ Đông 5.100 cây đước non xanh ngắt được mua từ đầm Nha Phu để cắm sâu xuống bùn ở những luồng lạch ven đầm Thủy Triều. Ông Phan Trọng Vỹ, chuyên viên Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Cam Lâm cho biết, bắt đầu từ năm 2011 đến nay, huyện chú trọng việc trồng rừng ngập mặn nhằm khôi phục lại hệ sinh thái ở đầm Thủy Triều, tập trung ở xã Cam Hòa và Cam Hải Đông. Việc trồng rừng ngập mặn bước đầu phát huy hiệu quả cao, cây đước phát triển tốt, cây trồng xong sẽ giao lại cho các hộ gia đình ở đó tự bảo vệ và thụ hưởng sau này. Đến nay, đã có 6,15ha rừng ngập mặn được khôi phục ở đầm Thủy Triều, chủ yếu trồng theo các lạch biển, nâng tổng số diện tích rừng ngập mặn ở đầm lên hơn 20,15ha.

Trồng đước ở đầm Thủy Triều.

Theo ông Phạm Ngọc Khánh - Phó Chủ tịch UBND xã Ninh Ích, những năm qua, hiểu được tầm quan trọng của hệ sinh thái rừng ngập mặn, người dân năm xưa cầm rựa phá rừng để nuôi tôm, nay đã bắt đầu tự tay trồng lại rừng. Cùng với đó, các chương trình phục hồi rừng của UBND tỉnh, các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước thực hiện đã làm tăng diện tích rừng ngập mặn ở đầm Nha Phu lên khoảng 6ha so với năm 2006. Được biết, hiện nay, ở xã Ninh Ích, thị xã Ninh Hòa có 39ha đất mặt nước (đất chưa có rừng) thuộc quy hoạch rừng phòng hộ chắn sóng. Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh đã có tờ trình xin chủ trương lập phương án trồng rừng thay thế rừng ngập mặn đối với khu vực này.

Ông Đỗ Anh Thy - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, những năm qua, hoạt động trồng cây, gây rừng được tỉnh phát động ở khắp các địa phương đã nâng diện tích rừng tăng lên đáng kể. Đối với rừng ngập mặn trên địa bàn tỉnh, hiện nay, chủ yếu để bảo vệ vùng nuôi trồng thủy sản trong dân. Trong tương lai việc phát triển rừng ngập mặn phải dựa theo quy hoạch phát triển rừng, quy hoạch thủy sản cho phù hợp với sự phát triển kinh tế tại địa phương.

THÁI THỊNH

Các tin mới

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang