• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Cùng nông dân vượt qua khó khăn trong đại dịch

Nguồn tin:  Báo Đồng Tháp, 21/09/2021
Ngày cập nhật: 21/9/2021

Hơn hai tháng qua kể từ ngày dịch Covid -19 bùng phát đã khiến cho việc sản xuất - kinh doanh của người dân vùng Đất Sen hồng gặp nhiều xáo trộn. Dịch Covid -19 khiến cho chuỗi cung ứng bị đứt gãy, nhiều mặt hàng nông sản rơi vào tình trạng ùn ứ.

Trước tình hình đó, cùng với các ngành, các cấp, Hội Nông dân tỉnh Đồng Tháp đã có nhiều mô hình hay và cách làm sáng tạo trong việc hỗ trợ nông dân liên kết tiêu thụ nông sản và duy trì phát triển, sản xuất nông nghiệp.

Tổ Nông vụ hỗ trợ nông dân xã Đốc Binh Kiều, huyện Tháp Mười thu hoạch dưa hấu

Phát huy nội lực của Hội Nông dân qua mô hình “Zalo 3 cấp”

Thời gian qua, Hội Nông dân tỉnh Đồng Tháp đã đề ra nhiều giải pháp trong đó việc đưa vào vận hành kênh “Zalo 3 cấp” trong bối cảnh dịch Covid -19 diễn biến phức tạp đã mang lại nhiều hiệu quả tích cực.

Chia sẻ về việc triển khai nhóm “Zalo 3 cấp”, bà Phan Thị Kim Nhung - Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Đồng Tháp cho biết, khi dịch bắt đầu bùng phát tại một số huyện, thành phố trong tỉnh, Hội Nông dân tỉnh Đồng Tháp đã triển khai ngay phương án thành lập nhóm “Zalo 3 cấp”. Với những diễn biến nhanh và phức tạp của dịch bệnh thì phương thức chỉ đạo và thông tin theo cấp như lúc trước sẽ không thể theo sát được tình hình ở cơ sở. May mắn trong quá trình triển khai thực hiện, nhóm “Zalo 3 cấp” đã làm tốt vai trò tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến cơ sở và đặc biệt có rất nhiều sáng kiến hay của anh em ở cơ sở được phát huy và nhân rộng.

Một trong những mặt tích cực khi kênh “Zalo 3 cấp” được vận hành là Hội Nông dân tỉnh thấy được sự dấn thân hết mình của đội ngũ cán bộ hội ở cấp cơ sở vào việc hỗ trợ bà con nông dân. Qua kênh làm việc nội bộ này, anh em ở cơ sở không chỉ làm theo sự chỉ đạo một chiều từ ở trên xuống mà đã bắt đầu chủ động tham mưu, đề xuất nhiều cách làm hay cho Hội Nông dân cấp tỉnh và huyện. Từ đó nhiều “điểm nghẽn” trong sản xuất, thu hoạch, tiêu thụ của nông dân dân được kịp thời giải quyết. Bên cạnh đó, anh chị em cũng mạnh dạn bày tỏ quan điểm và đưa ra những nhận định ở địa phương mình phụ trách để Hội Nông dân tỉnh và huyện kịp thời nắm bắt và có giải pháp hỗ trợ, bà Phan Thị Kim Nhung thông tin thêm.

Một trong những mô hình hay được “sinh ra” từ kênh “Zalo 3 cấp” giúp nông dân ở các địa phương giải quyết được bài toán thiếu nhân công vào các vụ mùa thu hoạch phải kể đến là mô hình Tổ nông vụ do Hội Nông dân chủ trương thành lập. Đến thời điểm hiện tại, Tổ nông vụ đã được thành lập ở hầu hết các xã, phường trên địa bàn tỉnh, mô hình đã giúp nông dân thu hoạch và tiêu thụ nông sản kịp thời, giảm thiểu thiệt hại và thất thoát do ảnh hưởng dịch Covid-19.

Chia sẻ về phương thức hoạt động của mô hình Tổ nông vụ ở địa phương, ông Nguyễn Văn Hải - Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Đốc Binh Kiều, huyện Tháp Mười phấn khởi cho biết: Được sự chỉ đạo từ Hội Nông dân tỉnh và huyện, Hội Nông dân xã chủ động tham mưu và được UBND xã tạo điều kiện để Tổ nông vụ được hoạt động. Để đảm bảo vừa hỗ trợ người dân phát triển sản xuất vừa phòng, chống dịch, UBND xã Đốc Binh Kiều tạo điều kiện để anh em trong Tổ nông vụ được tiêm ngừa vắc-xin phòng Covid -19. Từ ngày thành lập đến nay, Tổ nông vụ đã giúp nông dân thu hoạch, vận chuyển nhiều diện tích lúa và hoa màu, giúp nông dân thăm đồng và phun xịt thuốc... Từ đó tạo tâm lý an tâm và đồng tình rất cao của người dân ở địa phương trong việc chung tay phòng, chống dịch Covid-19”.

Tính từ cuối tháng 6/2021 đến thời điểm hiện tại, từ sự năng động, sáng tạo của Hội Nông dân các cấp, nhiều mô hình hay trong việc hỗ trợ nông dân tiêu thụ nông sản, vận chuyện hàng hóa, chăm sóc cây trồng được Hội Nông dân thực hiện hiệu quả. Tính đến nay, Hội Nông dân tỉnh đã thành lập được hơn 147 Tổ nông vụ, 69 tổ và điểm tiêu thụ nông sản cho nông dân, vận hành 1 mô hình ký gửi nông sản... Mặc dù các mô hình chỉ mới được phát sinh trong những tháng qua, song bước đầu đã góp phần giúp nông dân tỉnh nhà giải quyết được tài toán ùn ứ nông sản cũng như duy trì hoạt động sản xuất. Thời gian qua, trung bình mỗi ngày, Hội Nông dân tỉnh hỗ trợ kết nối tiêu thụ cho nông dân tình nhà trên 500 tấn nông sản, thủy sản các loại... giúp nhiều nông hộ ổn định sản xuất.

Bà Phan Thị Kim Nhung (bìa trái) khảo sát và hỗ trợ kết nối tiêu thụ cho nông dân trồng bắp xã Tân Khánh Trung, huyện lấp Vò

Nông dân và cán bộ Hội cùng nhau vượt khó

Dịch Covid-19 đã tác động tiêu cực đến đời sống của nhiều người dân, cũng từ trong khó khăn, cả người nông dân và cán bộ Hội Nông dân đã rút tỉa được nhiều kinh nghiệm thực tế. Bà Phan Thị Kim Nhung cho biết, trong chương trình hành động năm 2021, Hội Nông dân tỉnh cũng không nghĩ sẽ phải đối mặt với những tình huống khó khăn như trong hai tháng dịch Covid-19 bùng phát vừa qua. “Khi dịch Covid-19 ập tới, chúng tôi vừa làm vừa rút kinh nghiệm chứ không hề có kịch bản chuẩn bị trước. Khó ở đâu thì vào cuộc gỡ ở đó. Và mỗi cán bộ Hội ở các cấp phải luôn học hỏi và ứng phó linh hoạt phù hợp với hoàn cảnh để từ đó đưa ra các giải pháp hỗ trợ nông dân tốt nhất. Khi tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng hàng hóa, anh em cán bộ Hội bắt đầu hiểu và nắm bắt được những xu thế và yêu cầu của thị trường... Đây là kinh nghiệm quý báu để sau dịch, cán bộ Hội sẽ cùng với các ngành đồng hành và hướng dẫn nông dân tốt hơn trong quá trình sản xuất nông sản. Đặc biệt, sau giai đoạn này, chúng tôi nhận thấy nhiều nông dân đã có sự thay đổi tư duy rõ rệt, từ chỗ làm theo kiểu mạnh ai nấy làm thì giờ đây nhiều nông dân đã ý thức hơn với việc làm ăn tập thể”.

Chia sẻ về những thay đổi trong tư duy làm nông nghiệp của mình, ông Nguyễn Văn Tổng - nông dân trồng bắp ở xã Tân Khánh Trung, huyện Lấp Vò tâm sự: “Trước đây, tôi chỉ nghĩ đơn giản nhà trồng chỉ có mấy công rẫy thì tham gia hợp tác xã làm gì trong khi vẫn có thể bán tốt ngoài thị trường. Tuy nhiên, khi dịch bệnh ập tới, khó khăn trong di chuyển thì mối lái thân thiết cỡ nào cũng bỏ mình. May nhờ Hội Nông dân xã làm đầu mối, liên kết tiêu thụ rồi hỗ trợ vận chuyển nên mấy công bắp của gia đình tôi mùa này đã bán được. Sau đợt này, tôi sẽ nhờ Hội Nông dân giới thiệu tham gia thành viên hợp tác xã để sau này có gì làm ăn, kết nối mua bán cũng thuận tiện hơn”.

Khi trực tiếp tham gia vào công tác hỗ trợ nông dân trong mùa dịch, nhiều cán bộ Hội Nông dân ở cấp cơ sở gần như cùng một lúc phải đảm đương nhiều vai trò như kết nối, vận chuyển và cả tiêu thụ hàng hóa cho nông dân. Cũng có những lúc công việc quá tải, nhiều anh chị em cán bộ Hội mệt nhoài nhưng ai nấy đều động viên nhau nỗ lực và xem đây là khóa học thực tế để có thể “trưởng thành” và thực hiện công tác Hội tốt hơn khi dịch Covid -19 qua đi.

Quyết tâm đồng hành và san sẻ khó khăn cùng bà con nông dân trong mùa dịch, chị Phạm Thị Xuân Hoa - Chủ tịch Hội Nông dân xã Tân Khánh Trung, huyện Lấp Vò tâm sự: “Khi trực tiếp tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng hàng hóa, chúng tôi có điều kiện cọ sát và hiểu hơn về cung cách làm việc với đối tác thu mua. Chúng tôi hiểu được quy chuẩn về chất lượng, đóng gói hàng hóa hay sơ chế sản phẩm. Có những lúc công việc hỗ trợ nông dân rất vất vả bởi cùng lúc chúng tôi phải đảm đương nhiều vai trò như tìm đối tác, nhận đơn hàng, vận chuyển, giao hàng... nhưng được sự ủng hộ của bà con nông dân cũng như thương lái nên anh chị em cảm thấy rất vui và động viên nhau cùng cố gắng”.

Mỹ Lý

Các tin mới:

 

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang