• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Nông nghiệp Bạc Liêu: Chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu

Nguồn tin:  Báo Bạc Liêu, 24/12/2021
Ngày cập nhật: 27/12/2021

Trước nguy cơ biến đổi khí hậu, hạn hán và xâm nhập mặn, ngành Nông nghiệp tỉnh Bạc Liêu đã chủ động xây dựng các mô hình thích ứng để đảm bảo sinh kế cho người dân. Trong đó, sản xuất lúa - tôm được đánh giá là mô hình có hiệu quả và phát triển bền vững.

Mô hình lúa - tôm ở xã Phong Thạnh A (TX. Giá Rai).

HIỆU QUẢ TỪ MÔ HÌNH LÚA - TÔM

Thực tế cho thấy, hạn hán, triều cường dâng cao, xâm nhập mặn đã và đang diễn ra gây ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất và đời sống của người dân. Để ứng phó, ngành Nông nghiệp tỉnh đã chủ động xây dựng những mô hình sản xuất theo hướng thích ứng, hiệu quả và bền vững.

Tận dụng lợi thế 3 vùng sản xuất: mặn, ngọt và lợ, Bạc Liêu đã và đang khuyến khích các hộ chuyên sản xuất tôm và chuyên trồng lúa kém hiệu quả chuyển sang áp dụng mô hình lúa - tôm. Bởi đây là mô hình được nông dân áp dụng từ hơn 20 năm nay và được các nhà khoa học xác định là mô hình thích ứng khá tốt với biến đổi khí hậu. Hiện nay, nông dân trong tỉnh đang thực hiện mô hình này trên 2 đối tượng: tôm càng xanh xen lúa và luân canh tôm sú - lúa.

Có thể nói, tôm - lúa là mô hình sản xuất ít tác động tiêu cực tới môi trường xung quanh, phù hợp với khả năng của đa số hộ nông dân trong vùng và có khá nhiều hộ nuôi theo mô hình này cho hiệu quả kinh tế cao. Khi nuôi tôm, nền đất trở nên màu mỡ hơn, giúp cây lúa phát triển mạnh, giảm được chi phí phân bón cũng như thuốc bảo vệ thực vật. Ngược lại, sau mỗi vụ lúa, đất được cải tạo, môi trường thuận lợi, thả tôm mau lớn, ít gặp rủi ro về dịch bệnh. Nếu trước đây, huyện Phước Long là ‘thủ phủ” của mô hình lúa - tôm thì nay, mô hình này được mở rộng ra nhiều địa phương khác.

TX. Giá Rai là địa phương cuối nguồn nước ngọt và đối mặt với triều biển Tây, nên việc đưa nước ngọt về phục vụ sản xuất lúa đông xuân hàng năm là bài toán nan giải. Để giải quyết vấn đề này, tỉnh và thị xã khuyến cáo người dân mạnh dạn chuyển đổi qua sản xuất mô hình lúa - tôm. Hiện mô hình này trở thành “cứu cánh” giúp người dân nơi đây thoát nghèo bền vững và vươn lên làm giàu chính đáng.

Nông dân huyện Hồng Dân thu hoạch tôm càng xanh. Ảnh: M.Đ

NHÂN RỘNG MÔ HÌNH THUẬN THIÊN

Tại hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên Hiệp Quốc năm 2021 (COP26), Thủ tướng Chính phủ - Phạm Minh Chính cho rằng: Mọi hành động ứng phó với biến đổi khí hậu phải dựa vào tự nhiên, lấy người dân làm trung tâm, là chủ thể để phát triển bền vững. Từ đó, Bộ NN&PTNT, ngành Nông nghiệp triển khai quyết liệt vấn đề phát triển nông nghiệp thuận thiên. Và sản xuất lúa - tôm được xem là một mô hình thuận thiên. Nhiều tỉnh, thành khu vực Đồng bằng sông Cửu Long áp dụng và nhân rộng mô hình này, nông dân sản xuất cho hiệu quả cao và phát triển bền vững.

Riêng Bạc Liêu hiện đang mở rộng diện tích sản xuất lúa - tôm ở TX. Giá Rai và huyện Phước Long, nhất là áp dụng mô hình “lúa thơm - tôm sạch”. Theo đó, đưa giống lúa ST24, ST25 sản xuất trên đất nuôi tôm, nhằm nâng cao chất lượng con tôm và hạt lúa, tăng thu nhập cho nông dân kể cả vụ lúa và vụ tôm. Ông Lê Văn Khá (ấp 22, xã Phong Thạnh A, TX. Giá Rai) có 5ha đất sản xuất theo mô hình lúa - tôm. Ông Khá cho biết: “Năm nay tôi được Phòng NN&PTNT thị xã hỗ trợ lúa giống ST24 để áp dụng mô hình lúa - tôm. Không những lúa phát triển tốt mà tôm cũng trúng mùa. Mô hình tôm - lúa hàng năm cho thu nhập từ 150 - 200 triệu đồng/ha”.

Kế hoạch năm 2021, TX. Giá Rai phát triển 1.000ha sản xuất mô hình lúa - tôm. Nhưng do thấy được hiệu quả của mô hình này nên nông dân đã đưa vào sản xuất hơn 3.000ha. Lãnh đạo Phòng NN&PTNT TX. Giá Rai cho biết: Vụ lúa - tôm năm nay thị xã có 3.018ha, ước năng suất bình quân 4,54 tấn/ha, sản lượng lúa 13.702 tấn. Mô hình lúa - tôm rất phù hợp trên đồng đất các xã cuối nguồn nước ngọt, vì vậy thị xã sẽ tiếp tục nhân rộng trong những năm tiếp theo.

MINH ĐẠT

Các tin mới:

 

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang