• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Mùa nước nổi, tất bật với nghề cá mắm

Nguồn tin: Báo Cần Thơ, 12/09/2022
Ngày cập nhật: 13/9/2022

Hằng năm, cứ khoảng đầu tháng 8 âm lịch, nước lũ từ thượng nguồn sông Mekong tràn về ÐBSCL - Ðó cũng là thời điểm người dân tất bật với các nghề “ăn theo” con nước. Trong đó, phải kể đến nghề làm cá mắm. Tại xã Thới Tân, huyện Thới Lai, nghề làm cá mắm đã rất quen thuộc với nhiều gia đình và mang đến nguồn thu nhập không nhỏ. Có tiếng tăm nhất vùng là cơ sở làm mắm của chị Võ Thị Nga, ấp Ðông Hòa A.

Chị Võ Thị Nga, ấp Ðông Hòa A, xã Thới Tân, huyện Thới Lai (bên trái) trao đổi với cán bộ Hội LHPN xã về cách xây dựng thương hiệu, mẫu mã sản phẩm.

Từ tờ mờ sáng, cơ sở chế biến cá mắm của chị Nga đã tấp nập nhân công đến làm việc. Trung bình mỗi ngày, cơ sở của chị Nga thu gom khoảng trên 300kg cá các loại. Theo chị Nga, cứ đến mùa nước nổi là cơ sở bận rộn sơ chế cá mắm. Ðể cho ra sản phẩm chất lượng, nguyên liệu phải đảm bảo tươi mới. Mắm được chế biến công phu qua nhiều giai đoạn. Cá tươi sau khi làm sạch sẽ được ướp cùng muối hột, cho vào khạp và ủ trong khoảng 20 ngày. Bằng kinh nghiệm xem cá đã “ngấu”, chị Nga vớt ra rửa lại bằng nước, để ráo rồi ướp thính để chừng 2 tháng. Cuối cùng là giai đoạn chao mắm với đường cát trắng và chất vào keo thêm 2 tháng. Từ lúc chế biến cá sống đến thành phẩm bán cho khách hàng mất thời gian khoảng 6 tháng. Sản phẩm của chị không sử dụng phẩm màu, không chất bảo quản, đặc biệt là không cần thêm phụ gia khi chế biến nên đảm bảo an toàn sức khỏe người tiêu dùng.

Hiện nay, cơ sở của chị Nga kinh doanh nhiều loại mắm, như mắm cá lóc, mắm cá chốt, mắm cá linh,… Ngoài các loại mắm, nước mắm nhĩ do chị làm cũng rất đắt hàng. Ðể làm nước mắm ngon, chị chọn cá tươi. Cá sau khi làm sạch, vô khạp ủ muối. Khi đã xong các công đoạn ủ thì mới đến công đoạn đem mắm ra nấu. Mỗi khạp 35kg cá tươi sẽ cho ra 25 lít nước mắm thành phẩm. Mỗi người có cách ủ nước mắm khác nhau. Nước mắm cá đồng của chị lại dùng nước dừa tươi để nấu thay vì dùng nước lạnh và đường chảy. Vì thế, nước mắm luôn có vị rất đậm đà.

Gắn bó với nghề làm cá mắm chỉ mới hơn 5 năm nhưng tiếng tăm của chị Nga được nhiều người biết đến. Chị Nga chia sẻ: “Thuở đó, gia đình tôi nghèo khó, nuôi heo bị lỗ nặng nên phải đi tha phương kiếm sống. Ðược người họ hàng truyền nghề làm mắm truyền thống, tôi học và trở về địa phương kinh doanh vào năm 2017. Ban đầu chỉ bán nhỏ lẻ 5-10kg mắm cho các bạn hàng bông và bà con lối xóm. Dần dà, thấy chất lượng mắm ngon, khách hàng ngày càng đông thêm. Từ năm 2019, tôi chính thức bắt đầu mở rộng và gầy dựng cơ sở làm mắm tại nhà cho đến nay”. Chị Nga cho biết, nghề làm cá mắm vô cùng vất vả, chủ yếu lấy công làm lời. Ðến thời điểm này, chị cũng không nhớ rõ mình đã ủ được bao nhiêu ký cá mắm, chỉ biết mỗi năm số lượng cá mắm thu mua lại tăng lên. Trung bình mỗi năm, chị bán 5-7 tấn mắm các loại và khoảng 1.000 lít nước mắm. Giá bán nước mắm nhĩ chỉ có 30.000 đồng/lít, nước mắm kho 15.000 đồng/lít và các loại mắm chỉ từ 70.000-120.000 đồng/kg. Sau khi trừ chi phí, mỗi năm, chị Nga thu lợi nhuận khoảng 200 triệu đồng. Nhờ đó, kinh tế gia đình chị ngày càng ổn định.

Không chỉ làm giàu cho bản thân, chị Nga còn tạo công việc làm cho lao động nhàn rỗi tại địa phương. Hiện nay, cơ sở của chị có 1 nhân công thường xuyên và 5-6 nhân công làm theo thời vụ mùa nước nổi. Mỗi lao động có thu nhập từ 200.000-300.000 đồng/ngày. Vừa trò chuyện, chị Nga vừa khoe, năm nay, việc kinh doanh khởi sắc hơn. Từ đầu năm 2022 đến nay, hàng cung không đủ cầu. Chính vì thế chị đang tăng cường thu mua số lượng cá đồng nhiều hơn trước. Chị Nga còn dự tính sẽ làm thêm mắm cá lóc nuôi để đáp ứng nhu cầu của khách hàng trong thời gian tới.

Chị Ðỗ Thị Diễm Kiều, Chủ tịch Hội LHPN xã Thới Tân, huyện Thới Lai, cho biết, với mong muốn hỗ trợ hội viên phát triển kinh tế, Hội đang tăng cường quảng bá, giới thiệu sản phẩm mắm của chị Nga đến với đông đảo người tiêu dùng. Ðồng thời, hỗ trợ chị Nga đăng ký thương hiệu với tên "Hiệu mắm Kim Nga" và đang trong quá trình hoàn thiện hồ sơ. Theo chị Kiều, vào mùa nước nổi, sản lượng cá đồng rất dồi dào, đồng nghĩa với việc bà con có thêm thu nhập trong tháng nông nhàn. Riêng tại ấp Ðông Hòa A, xã Thới Tân, ngoài cơ sở của bà Nga còn có khoảng 10 hộ chế biến cá mắm và kinh doanh nhỏ lẻ tại gia đình, mang đến khoản thu nhập không nhỏ. Qua đó, giải quyết việc làm, tạo thu nhập cho người dân ở địa phương.

Bài, ảnh: KIẾN QUỐC

Các tin mới:

Nhấn vào đây để xem các tin trước

Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang