• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Cua biển – Đặc sản trứ danh của Cà Mau

Nguồn tin: CTV Cà Mau, 24/12/2022
Ngày cập nhật: 26/12/2022

Con cua Cà Mau lần đầu tiên tham gia ngày hội lớn, quy mô cấp tỉnh. Vốn là đặc sản trứ danh, nay hình ảnh, thương hiệu cua Cà Mau càng được quảng bá. Nhân sự kiện Ngày hội cua Cà Mau lần thứ I năm 2022, cùng tìm hiểu về đặc tính và giá trị của cua biển Cà Mau – một ngành hàng mà tỉnh Cà Mau có nhiều lợi thế, tiềm năng, mong muốn được hợp tác sản xuất, chế biến và tiêu thụ, nâng cao giá trị gia tăng. Đến với vùng đất cực Nam Việt Nam. Nơi thiên nhiên đã ban tặng món quà vô giá – kiến tạo cảnh quan rừng, biển trù phú và hài hòa, với vô số đặc sản làm say lòng du khách. Trong đó phải kể đến loài thủy sản tám cẳng, hai càng, một mai, hai mắt, lọt top 100 món ăn đặc sản Việt Nam.

Cua biển Cà Mau là đặc sản trứ danh bởi thịt ngọt, chắc, thơm ngon, gạch béo ngậy, có hàm lượng dinh dưỡng cao, do đặc tính sinh trưởng trong môi trường tự nhiên dưới tán rừng, ở vùng đất có 3 mặt giáp biển. Sở dĩ gọi là cua biển vì loài cua này sinh sôi ở vùng ven biển. Từ các cửa biển, theo con nước vào các nhánh sông, rạch, ao, đầm thuộc vùng nước mặn, lợ để đào hang sinh sống.

Trước những năm 1990 chỉ thu hoạch bằng hình thức đóng đáy và cua tự nhiên trong một số vuông nuôi tôm. Khi thị trường cua phát triển thì nghề nuôi cua phát triển theo. Con cua trở thành một trong những ngành hàng chủ lực của tỉnh Cà Mau, vị thế chỉ đứng sau con tôm.

Hiện nay, ngoài cua thiên nhiên từ sông, biển, cua còn được người dân nuôi rộng khắp 08 huyện và thành phố. Cua được nuôi quanh năm, chủ yếu nuôi kết hợp trong vuông nuôi tôm quảng canh, quảng canh cải tiến, nuôi tôm – rừng, tôm – lúa, với khoảng 250.000 ha. Riêng loại hình nuôi chuyên cua khoảng 2.000 ha. Khi cua đạt đến kích cỡ thương phẩm thì tiến hành thu hoạch bằng nhiều hình thức như: Câu, đặt rập, đặt lú, xổ cống…

Nghề nuôi cua, Cà Mau không phải là độc nhất, nhưng chất lượng cua của Cà Mau là ngon nhất và sản lượng nhiều nhất, khoảng 25.000 tấn/năm. Khoảng 60% sản lượng tiêu thụ nội địa, 40% được xuất khẩu sang nhiều thị trường; mang lại giá trị thương phẩm trên 10.000 tỷ đồng mỗi năm.

Để đáp ứng nghề nuôi cua ngày càng phát triển, số lượng, quy mô các trại sản xuất cua giống, cơ sở ươm cũng tăng, cùng với đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật, cung cấp con giống cho thị trường trong và ngoài tỉnh đủ về số lượng, đảm bảo về chất lượng.

Hiện nay, Cà Mau có khoảng 70 trại chuyên sản xuất cua giống; 600 trại sản xuất luân phiên giống tôm sú và cua; nhiều hợp tác xã, tổ hợp tác và hàng trăm cơ sở ươm giống cua.

Sản lượng tăng dần qua từng năm phục vụ nhu cầu thị trường. Chất lượng làm nên thương hiệu. Năm 2015, thương hiệu Cua Năm Căn – Cà Mau được Cục Sở hữu trí tuệ chứng nhận nhãn hiệu tập thể. Mới đây, Cua Cà Mau được cấp văn bằng bảo hộ chỉ dẫn địa lý. Đây là cơ sở pháp lý và là hệ thống các công cụ để tăng cường việc quản lý, kiểm soát và quảng bá thương hiệu Cua Cà Mau.

Để bảo vệ thương hiệu đặc sản trứ danh này, Cà Mau đã và đang nghiên cứu áp dụng các giải pháp công nghệ, giúp người tiêu dùng truy xuất nguồn gốc, phân biệt đâu là Cua Năm Căn chính hiệu, đâu là cua đánh cắp nhãn hiệu. Cua phải đạt gạch và thịt từ 90% mới được mang tem nhãn hiệu Cua Năm Căn – Cà Mau.

Cua biển Cà Mau cũng có năm, bảy loại. Cách định danh từng loại cua như thế nào cho chuẩn xác không phải ai cũng rành. Cua đực lúc nhỏ thì gọi là cua xô. Cua đực khi có trọng lượng tương đối khoảng 400 gam thì gọi là cua y. Cua y cũng chia ra nhiều loại: Y nhất, y nhì… Tùy theo màu sắc càng cua mà gọi là càng sen hay càng đỏ (loại càng đỏ còn có tên gọi khác là cua càng lửa). Loại càng sen màu xanh dịu, thịt chắc ngọt, lành tính; cua càng đỏ thì hung hăng hơn, thịt kém vị hơn.

Cua cái khi còn nhỏ gọi là cua yếm vuông. Qua nhiều lần lột xác trở thành cua cái. Sau thời gian trở thành cua gạch son. Cũng có những con cua cái vì lý do nào đó mà không lên gạch được thì gọi là cua cái điếc. Loại cua hiếm và ngon bậc nhất là cua cốm hay cua hai da.

Vòng đời sinh trưởng của cua Cà Mau gắn liền với môi trường, thổ nhưỡng nơi đây. Thường mùa cua ngon nhất kể từ tháng 8 âm lịch trở đi.

Cua biển Cà Mau có thể chế biến thành vô số món ăn ngon và hấp dẫn như: Cua nướng, cua luộc, rang me, rang muối, nấu bánh canh, lẩu riêu, cua xào bông súng,… Gần đây, nhiều hộ gia đình, hợp tác xã, cơ sở chế biến đã sử dụng nguyên liệu cua địa phương để làm ra bánh phồng cua, thịt cua cấp đông… được người tiêu dùng rất ưa chuộng.

Mỗi món ăn mang nét văn hóa ẩm thực độc đáo và cách mà người dân Cà Mau tiếp đãi khách phương xa trên bàn ăn luôn có món cua trong top 100 đặc sản Việt Nam cũng thể hiện được sự hào sảng của người miền Tây. Cua hay các sản phẩm từ cua còn được chọn làm quà tặng cho bạn bè, người thân.

Còn đối với du khách khi đến Cà Mau muốn tìm hiểu về nghề nuôi cua biển, trải nghiệm câu cua, đặt rập cua, móc cua, thử tài trói cua và thưởng thức vị ngọt, thịt chắc, gạch cua béo ngậy thì có thể tìm đến các điểm dừng chân, điểm du lịch cộng đồng trên địa bàn huyện Năm Căn, Ngọc Hiển, kết hợp tham quan, trải nghiệm xuyên rừng, check in bãi bồi, chạm tay vào mốc tọa độ Quốc gia GPS 0001 đánh dấu điểm cực Nam Việt Nam; tìm hiểu về những công trình ý nghĩa tại Đất Mũi như: Công trình biểu tượng Cột cờ Hà Nội tại Mũi Cà Mau; Đền thờ Lạc Long Quân, Tượng Mẹ.

Lưu trú tại Cà Mau, du khách còn được khám phá nhiều điểm đến hấp dẫn khác như: Vườn Quốc gia U Minh Hạ, Hòn Đá Bạc, Đầm Thị Tường… tìm hiểu về nhiều di tích văn hóa, lịch sử ở Cà Mau, hay nghe những câu chuyện kể thú vị của Nghệ nhân dân gian Nguyễn Long Phi (Bác Ba Phi). Trong đó có câu chuyện kể “Con cua chúa”./.

PV: Diễm Tươi

Các tin mới:

Nhấn vào đây để xem các tin trước

Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang