• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Trồng cam canh kết hợp quất cảnh cho giá trị kinh tế cao

Nguồn tin: Báo Bắc Ninh, 10/01/2023
Ngày cập nhật: 13/1/2023

“Trên cùng một diện tích đất, nhưng hiệu quả từ trồng cam canh và quất cảnh sẽ cho thu nhập cao hơn từ 3-5 lần so với trồng lúa hoặc các loại hoa màu truyền thống khác”. Đó là chia sẻ của anh Nguyễn Duy Thanh ở thôn Yên Nhuế (xã Nguyệt Đức, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh) sau nhiều năm mạnh dạn chuyển đổi mô hình kinh tế từ trồng lúa sang cây ăn quả và cây cảnh.

Những ngày giáp Tết Nguyên đán 2023 này, gia đình anh Nguyễn Duy Thanh bận bịu hơn với việc chăm bón vườn quất cảnh và cam canh để kịp phục vụ nhu cầu chơi cây cảnh ngày Tết của người dân. Anh Thanh cho biết: “Vườn cam chủ yếu phục vụ Tết Nguyên đán nên từ đầu năm, gia đình thu hoạch rất ít quả. Năm nay thời tiết khá thuận lợi nên vườn cam canh sai quả, mã đẹp, mọng nước và ngọt. Các loại cây quất cảnh mi ni cũng được người tiêu dùng ưa thích mỗi dịp xuân về nên ngày nào cũng có tiểu thương và người dân đến tận nơi chọn mua”.

Trước đây gia đình anh Nguyễn Duy Thanh thu nhập chủ yếu dựa vào trồng lúa, ngô và những công việc phụ lúc nông nhàn. Năm 2015, sau một thời gian đi làm thêm ở Văn Giang (Hưng Yên), anh nhận thấy nhiều mô hình trồng cam đường canh, quất cảnh mi ni phát triển. Qua tìm hiểu thấy loại cây này hợp với khí hậu và thổ nhưỡng của địa phương nên anh quyết định đầu tư vào hai loại cây chủ lực này. Năm 2016, anh thuê 4 ha đất nông nghiệp của bà con trong thôn, đầu tư trồng cam canh, quất cảnh chủ yếu phục vụ thị trường dịp Tết. Để tích lũy thêm kinh nghiệm, anh tìm về nhiều nơi có truyền thống trồng cam, quất cảnh như Tứ Liên (Hà Nội), Bắc Giang, Hưng Yên... học hỏi kỹ thuật của các nhà vườn. Nhờ sự nhạy bén, cần cù cũng như tuân thủ các biện pháp chăm sóc, các lứa cây trồng đều phát triển tốt, nhiều cây có thế đẹp, được khách hàng ưa chuộng. Đến nay vườn nhà anh trồng 1.000 cây quất phục vụ tết với giá trung bình 400.000 đến 800.000 đồng/cây; vườn cam canh cho thu từ 25-40kg/ gốc, giá bán từ 12 -15 nghìn đồng/kg.

Anh Nguyễn Duy Thanh hoàn thành công đoạn cuối cùng để chuẩn bị đưa quất cảnh lên chậu phục vụ thị trường Tết

Chia sẻ về kinh nghiệm phát triển vườn cam canh và trồng quất cảnh, anh Thanh cho biết: Nghề trồng cây quất cảnh đòi hỏi công chăm sóc tỉ mỉ, kéo dài suốt từ đầu năm đến cuối năm mới cho thu hoạch. Qua mỗi lần làm là một lần rút ra kinh nghiệm. Khi cây bị sâu bệnh, phát triển kém thì phải chăm riêng, rồi cách bón phân, phun thuốc, tưới nước cũng phải khoa học. Ngoài ra trong quá trình trồng quất tết, nên chú ý khi quất bắt đầu cho quả cỡ bằng đầu ngón tay thì phun thuốc phòng ngừa nấm để hạn chế quất bị nhiễm nấm gây bệnh, rụng trái. Khi trồng phải uốn nắn các cành cây từ khi còn non để làm sao tạo ra được những cây có thế lạ, dáng đẹp, phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng.

Việc chăm sóc cam đường canh cũng đòi hỏi kỹ thuật riêng. Để cam đạt hiệu quả cao, người, trồng cần chủ động nguồn nước tưới cho cam cũng như tiêu úng vào mùa mưa. Vườn cam phải được làm luống, đào rãnh chống úng, khoảng cách giữa các luống cần đảm bảo 2x2m. Nên sử dụng các loại phân hữu cơ (phân chuồng, phân gà) hoặc phân vi sinh để bón cho cây. Chu kỳ bón thường là 25-30 ngày bón một lần. Thời kỳ ra hoa và thời điểm sau đậu trái của cam cần phải được chăm sóc và bón phân nhiều hơn. Đặc biệt, vào mùa mưa, sâu bệnh xuất hiện nhiều nên phải biết cách phòng tránh, việc dọn cỏ cũng được làm thủ công chứ không phun hóa chất.

Hai năm gần đây, nhận thấy nhu cầu của thị trường về các loại cây cảnh, cây ăn quả dịp tết Nguyên Đán, anh Thanh tiếp tục trồng thêm một số loại cây, hoa như bưởi diễn, ổi, hoa cúc và mộc hương. Nhờ chịu khó học hỏi, áp dụng khoa học kỹ thuật vào chăm sóc, gia đình anh đã chủ động chăm bón, tìm cách để hoa quả cho thu hoạch bán đúng vào dịp Tết Nguyên đán sẽ được giá hơn. Hiện nay, thu nhập bình quân từ cam canh, quất cảnh và các loại hoa quả khác, gia đình anh thu lãi từ 200- 300 triệu đồng/ năm.

Hàng năm vào dịp giáp Tết âm lịch, nhiều gia đình và thương lái ở nhiều nơi như Hà Nội, Lạng Sơn đến tận vườn thu mua. Vì thế mà sản phẩm của gia đình anh Nguyễn Huy Thanh không khó khăn trong việc tìm đầu ra. Để duy trì và mở rộng diện tích, anh Thanh mong muốn nhận được sự hỗ trợ của địa phương và các cấp, ngành trong sản xuất, tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm. Đồng thời có đẩy mạnh liên kết với nhiều hộ gia đình trong thôn, xã thành lập các hợp tác xã trồng cây ăn quả, hình thành các vùng sản xuất tập trung theo tiêu chuẩn VietGap, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường.

N. Hải

Các tin mới:

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang