Nguồn tin: Báo Đắk Nông, 15/02/2023
Ngày cập nhật:
18/2/2023
Vườn cam Cao Phong của ông Vũ Văn Lợi, thôn 8, xã Đắk Ha (Đắk Glong, Đắk Nông) trồng được 5 năm và tạo nguồn thu nhập khá cao. Cam Cao Phong trồng ở Đắk Ha phát triển tốt, chất lượng quả ngon, đang mở ra cơ hội cho người dân trên địa bàn trong việc chuyển đổi cây trồng hiệu quả.
Ông Vũ Văn Lợi, ở thôn 8, xã Đắk Ha (Đắk Glong) đã từng có khoảng thời gian sống ở Hòa Bình và được thưởng thức cam Cao Phong.
Chính sự đặc trưng của loại cam này khiến ông ấn tượng và nhớ mãi. Đến khi vào Đắk Nông lập nghiệp, ông đã tìm hiểu về tính chất đất của vùng và thấy phù hợp để trồng cam.
Ông Lợi đang chăm sóc vườn cam theo quy trình hữu cơ
Năm 2018, ông lặn lội vào tận các vườn cam Cao Phong mua giống về trồng. Trong khu đất rộng hơn 2,5 ha, ông dành 4 sào trồng khoảng 400 cây cam theo hình thức tập trung. Đến nay, cam đã cho thu hoạch.
Trong quá trình trồng, chăm sóc, ông Lợi gặp không ít khó khăn, vì chưa am hiểu kỹ thuật, đặc tính sinh trưởng, phát triển của cam Cao Phong. Ông cũng chưa biết loại cam này liệu có thích ứng với đất đai, khí hậu địa phương hay không.
Tuy nhiên, ông đã từng bước khắc phục khó khăn. Ông vừa làm vừa rút kinh nghiệm, học hỏi qua những người đi trước, qua Internet. Đến nay, ông Lợi đã thành công với cây cam Cao Phong.
Ông Lợi chia sẻ kinh nghiệm, cam Cao Phong tuy là giống mới tại vùng đất Đắk Ha, nhưng sự thích nghi với khí hậu, thổ nhưỡng địa phương khá tốt. Loại cam này ít xảy ra sâu bệnh, năng suất đạt khá, hương vị thơm, ngon.
Muốn cam ra quả thời điểm nào chỉ cần gây ức chế sinh trưởng bằng việc cắt nước, bón phân hợp lý. Cùng với đó, cắt tỉa cành để cây đâm chồi. Chồi ra tới đâu bung hoa, đậu quả tới đó.
Còn về độ ngọt của quả, ông Lợi chia sẻ, phải cung cấp đủ Kali cho cây cam ở thời kỳ quả bắt đầu già. Để quả cam xuống bớt lượng đường, người tiêu dùng nên ăn cam sau ít nhất 1 ngày thu hoạch.
Quá trình chăm sóc vườn cam, ông không sử dung thuốc hóa học mà chủ yếu sử dụng nước vôi trong để thường xuyên phun rửa vườn, gốc cây và toàn thân cây.
"Mỗi loại cây có cách chăm sóc khác nhau, nhất là cây có múi như cam đòi hỏi người trồng phải cung cấp đủ chất, để quả chất lượng tốt, mẫu mã đẹp", ông Lợi cho biết.
Hiện nay, mỗi năm ông Lợi thu được khoảng 4 tấn cam, bán với giá 30.000 đồng/kg. Ông Lợi đang sản xuất cam theo hướng hữu cơ, sử dụng phân chuồng ủ hoai mục, cắt cỏ định kỳ, rửa cây bằng nước vôi trong... nên chi phí sản xuất thấp.
Cam Cao Phong sau nhiều năm trồng đã dần được người tiêu dùng biết đến, các tiểu thương đã đến tận vườn thu mua.
Việc vườn cam Cao Phong phát triển tốt, trĩu quả và chất lượng quả ngon ở Đắk Ha đang mở ra hướng phát triển kinh tế mới cho người dân nơi đây. Người dân có thêm sự lựa chọn trong việc chuyển đổi cây trồng, phát triển kinh tế hộ gia đình.
Cam Cao Phong được nhiều người tiêu dùng biết đến là một đặc sản của tỉnh Hòa Bình. Loại cam này có những đặc trưng như: quả đẹp tròn đều, vỏ mỏng, thơm, vị ngọt đậm, nhiều nước, chua nhẹ…
Nhìn bề ngoài, cam Cao Phong có màu vàng nhạt, quả to, mọng nước, không vàng óng. Cam Cao Phong cùi dày, khi bổ ra có màu vàng đậm tự nhiên đẹp mắt, có hạt, mùi thơm nồng đặc trưng, vị tinh dầu của vỏ cam.
Trong lòng quả cam có nhiều các gân trắng chia đều các múi. Khi ăn có vị ngọt thanh, mùi thơm dìu dịu. Những quả cam chưa chín có vị chua mát, thanh nhẹ.
Hưng Nguyên
- Kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm và các loại đặc sản
- Kỹ thuật trồng trọt cây ăn trái, rau màu và các loại cây lương thực, cây công nghiệp khác
Các tin mới:
Kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, nuôi trồng và chế biến thủy hải sản
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.