Nguồn tin: Báo Nam Định, 21/02/2023
Ngày cập nhật:
24/2/2023
Nhiều năm nay, mô hình nuôi cá lồng của gia đình chị Nguyễn Thị Thu ở xã Xuân Châu (Xuân Trường, tỉnh Nam Định) đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần cải thiện nguồn thu nhập và tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động địa phương.
Chị Nguyễn Thị Thu (bên trái) chia sẻ kinh nghiệm nuôi cá lồng trên sông.
Với lợi thế nằm ven sông Hồng có nhiều tiềm năng nuôi trồng thủy sản, gia đình chị Nguyễn Thị Thu đã mạnh dạn phát triển kinh tế trên dòng sông quê mình. Năm 2015, sau khi tìm hiểu, học hỏi kinh nghiệm nuôi cá nước ngọt ở nhiều địa phương trong và ngoài tỉnh, gia đình chị Thu quyết định đầu tư nuôi cá lồng trên sông. Tuy khá quen với nuôi cá truyền thống trong ao, nhưng trước khi bắt tay vào nuôi cá lồng, chị Thu đã mất rất nhiều thời gian tìm hiểu cách làm lồng, nguồn giống cá, đặc biệt việc nghiên cứu độ sâu, chất lượng nước thuận lợi cho việc nuôi trồng thủy sản, quanh khu vực gia đình sinh sống. Ban đầu gia đình chị lắp đặt 24 lồng làm bằng sắt, liên kết bằng các loại thùng phuy nhựa làm phao nổi, mỗi lồng có kích thước 36m2. Các lồng cá được neo cẩn thận với cọc cố định trên bờ đảm bảo khi có diễn biến xấu về thời tiết có thể di chuyển về vị trí gần bờ, tránh bị trôi khi nước chảy xiết. Chị thử nghiệm thả các loại cá diêu hồng, cá lăng, cá chép để dễ nắm bắt đặc tính sinh trưởng và nuôi theo hình thức gối sóng. Nhờ có dòng nước lưu thông liên tục trên sông nên việc nuôi cá lồng không phải lo lượng thức ăn thừa, phân cá lưu cữu trong lồng gây ô nhiễm, ảnh hưởng đến sức khỏe của cá, không những thế cá còn được cung cấp đủ lượng ô-xy cả khi nuôi với mật độ cao. Bên cạnh đó, ngoài việc chú trọng quan trắc độ sâu, phân tích nguồn nước, đầu tư máy sục oxy, để cá không nhiễm bệnh từ môi trường, cứ 2 tháng 1 lần gia đình chị lại thực hiện tẩy giun, sán cho cá. Những khi thời tiết thay đổi cá ăn kém, mưa nhiều hoặc nước mặn xâm nhập, chất lượng nước không đảm bảo, gia đình chị thực hiện cho cá nhịn ăn, khi chất lượng nước ổn định thì cho cá ăn từ từ trở lại kết hợp bổ sung vitamin, tăng đề kháng cho cá. Đặc biệt, khi chọn con giống phải chọn cá giống khỏe mạnh. Trường hợp phát hiện cá bệnh lập tức phải cách ly để tránh lây sang những con khác. Nhờ đó việc nuôi cá của gia đình chị đạt hiệu quả khá. Năm 2018, sau nghiên cứu nhận thấy cá chép giòn có thị trường tiêu thụ tiềm năng, giá thành cao hơn cá chép thường từ 2-3 lần, chị Thu nghiên cứu đưa giống cá chép giòn này vào nuôi. Chị Thu cho biết mỗi loại cá có đặc tính và thời gian sinh trưởng khác nhau. Cá diêu hồng từ lúc nuôi đến lúc thu hoạch mất khoảng 1 năm, cá lăng 2 năm nhưng cá chép giòn phải nuôi trong 3 năm, đạt trọng lượng từ 5kg trở lên mới được xuất bán. Với cá chép giòn, trong 2 năm đầu chị cho ăn cám bình thường, bắt đầu từ năm thứ 3 để tạo độ giòn cho cá gia đình chị chỉ cho ăn bằng hạt đậu tằm. Đây là thức ăn dinh dưỡng giàu đạm cho cá, kích thích cá tăng trưởng nhanh, thịt cá giòn, chắc, thơm ngon. Theo đó, với 8 lồng chép giòn, mỗi lần chị cho ăn từ 1-1,2 tạ đỗ ngâm, cho ăn 1 lần/ngày. Sau khi cá ăn xong, gia đình làm vệ sinh lồng nuôi sạch sẽ, vớt, hút bỏ vỏ đỗ. Đối với giống cá chép giòn, chị đặc biệt chú ý đến khâu thu hoạch. Đây là loại cá hay bị vỡ cơ nên khi thu hoạch phải nhẹ nhàng. Trong quá trình nuôi cá, chị Thu không ngừng học hỏi thêm kinh nghiệm, tham gia vào các lớp tập huấn kiến thức, kỹ thuật nuôi cá, tham quan các mô hình nuôi cá trên sông cho hiệu quả cao ở trong và ngoài tỉnh. Hiện tại, gia đình chị đang nuôi 30 lồng cá, trong đó có 8 lồng cá chép giòn, 4 lồng cá diêu hồng, còn lại là cá lăng. Trung bình mỗi lồng cho thu hoạch từ 5-7 tấn cá. Với độ dinh dưỡng cao, chất lượng thịt cá ngon, sản phẩm của chị được thương lái từ Hà Nội và các tỉnh lân cận về tận nơi thu mua cá chép giòn với giá 150 nghìn đồng/kg. Trung bình mỗi năm sau trừ chi phí, gia đình chị thu lãi từ việc nuôi cá khoảng 1 tỷ đồng. Đồng thời, gia đình chị tạo việc làm thường xuyên cho 4 lao động với mức lương trung bình 4 triệu đồng/người/tháng.
Theo chị Thu, nuôi cá lồng tuy đầu tư lớn nhưng mang lại hiệu quả kinh tế cao, hiện các loại cá này được thị trường ưa chuộng. Tuy có thu nhập khá nhưng cũng hay gặp phải rủi ro vì nghề nuôi cá trên sông không giống như nuôi cá trong ao, chi phí đầu tư khá lớn và tiềm ẩn sự chi phối của thời tiết, nguồn nước, nhất là vào mùa mưa bão nếu không kiểm soát được môi trường, nguồn nước, cá rất dễ mắc bệnh. Nhưng đổi lại cá nuôi ở đây lại nhanh lớn và nuôi được mật độ dày.
Từ những thành công của mô hình nuôi cá lồng trên sông của chị Nguyễn Thị Thu đã mở ra hướng phát triển kinh tế mới cho người dân nuôi trồng thủy sản nơi đây, góp phần cùng với địa phương từng bước hướng tới sản xuất hàng hóa có giá trị cao và bền vững./.
Bài và ảnh: Hồng Minh
- Kỹ thuật nuôi tôm, nuôi cá, phòng trị bệnh tôm, cá và các loại thủy sản khác
Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.