• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Phòng và xử lý bệnh cho cua

Nguồn tin: Báo Cà Mau, 18/04/2023
Ngày cập nhật: 19/4/2023

Từ đầu năm đến nay, tình hình cua chết vẫn tiếp tục diễn ra, tuy mức độ ít nghiêm trọng hơn so với những năm trước đây nhưng do chưa có kết luận chính thức về nguyên nhân cua chết, ngành chức năng đã đưa ra những khuyến cáo trước mắt để người dân có thể phòng tránh nhằm hạn chế thiệt hại.

Bắt đầu từ năm 2020, nghề nuôi cua tại Cà Mau gặp không ít khó khăn do tình trạng cua nuôi thương phẩm chết chưa rõ nguyên nhân, xảy ra tại các huyện: Năm Căn, Ngọc Hiển, Phú Tân, Cái Nước, Ðầm Dơi và Trần Văn Thời, gây thiệt hại lớn cho người nuôi.

Theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), khi cua bệnh và chết thường có những đặc điểm chung như: nổi lên mặt nước, bò vào mé bờ, cua ra theo nước xổ vuông, cua chạy vào lú, cua ốp, ít thịt, chết nhanh khi đưa lên khỏi mặt nước. Bệnh xảy ra mang tính lặp lại và thường tập trung trong khoảng thời gian từ tháng 11-12 năm trước đến tháng 3-4 năm sau.

Theo báo cáo từ phòng NN&PTNT các huyện, các trạm chăn nuôi và thú y, trạm khuyến nông và bà con nuôi cua, cua nuôi đã xuất hiện dấu hiệu bệnh và chết rải rác trong vuông từ đầu năm đến nay. Tuy nhiên, năm nay cua chết không nghiêm trọng như các năm qua.

Tình trạng cua chết tiếp tục diễn ra ở một số địa phương trên địa bàn huyện Năm Căn.

Từ đầu năm đến nay, cua chết rải rác tại huyện Năm Căn với diện tích 6.400 ha, mức độ thiệt hại từ 20-60%; huyện Ðầm Dơi với diện tích 4.824 ha, mức độ thiệt hại từ 20-40% và huyện Ngọc Hiển với diện tích 800 ha, mức độ thiệt hại từ 20¬-50%. Các huyện còn lại chưa phát hiện cua chết.

Theo ông Châu Công Bằng, Phó giám đốc Sở NN&PTNT, dấu hiệu cua bệnh cũng gần giống như các năm trước: cua ra theo nước xổ vuông, cua hoạt động chậm chạp, màu sắc nhợt nhạt (hồng); mai cua bị đóng rong, bám bẩn; bắt cua lên tách ra, trong mang, xoang thân có ký sinh trùng bám; cua có thể sống được 2-3 ngày nhưng chất lượng thịt cua giảm (ốp). Trọng lượng cua bệnh và chết nhiều từ 100-200 g/con. Số còn lại phát hiện cua bò lên mé kênh, nằm trên trảng chết trong vuông.

Năm 2022, Phân viện Nghiên cứu Thuỷ sản Nam Sông Hậu đã khảo sát thu mẫu và phân tích nguyên nhân gây chết cua nuôi trên địa bàn tỉnh Cà Mau. Kết quả cho thấy, ký sinh trùng giáp xác chân tơ ký sinh trong xoang thân cua chiếm tỷ lệ cao nhất (92,5%) và vi khuẩn Vibrio parahaemolyticus (45%) trong cơ, gan của cua.

Từ đầu năm 2023 đến nay, nhóm thực hiện đề tài nghiên cứu bệnh trên cua của phân viện tiếp tục nghiên cứu tình hình dịch bệnh xảy ra trên cua nuôi tại các huyện trên địa bàn tỉnh Cà Mau. Kết quả bước đầu tìm thấy tác nhân gây bệnh trên cua nổi bật nhất trong 3 loại tác nhân thu được vẫn là ký sinh trùng giáp xác chân tơ trong xoang thân cua.

Ông Châu Công Bằng cho biết, bệnh trên cua mới xuất hiện trong thời gian gần đây ở Cà Mau, chưa nhiều nghiên cứu về bệnh này, nên chưa có kết luận chính thức về tác nhân gây bệnh và đề xuất giải pháp phòng trị bệnh trên cua.

Trong thời gian chờ kết quả nghiên cứu của Phân viện Nghiên cứu Thuỷ sản Nam Sông Hậu, để hạn chế thiệt hại do dịch bệnh trên cua xảy ra, Sở NN&PTNT đề nghị UBND các huyện, TP Cà Mau chỉ đạo cơ quan chuyên môn tiếp tục tuyên truyền, hướng dẫn người dân nuôi cua một số biện pháp phòng, chống dịch bệnh trên cua. Cụ thể, chỉ đạo Phòng NN&PTNT, Phòng Kinh tế TP Cà Mau chủ trì, phối hợp trạm chăn nuôi và thú y, trạm khuyến nông và lực lượng thú y, khuyến nông cơ sở theo dõi chặt chẽ tình hình sản xuất, dịch bệnh trên cua, tôm để kịp thời hướng dẫn các biện pháp phòng, chống nhằm hạn chế thiệt hại do dịch bệnh gây ra.

Người nuôi cua khi phát hiện cua có dấu hiệu mắc bệnh hoặc chết, báo ngay cho lực lượng khuyến nông, thú y để kịp thời phối hợp xử lý. Thu hoạch cua đạt kích cỡ thương phẩm khi phát hiện cua mắc bệnh hoặc chết để hạn chế thiệt hại do dịch bệnh gây ra. Khi phát hiện vuông nuôi có cua chết nên thu gom lên bờ chôn, xử lý bằng vôi hoặc Chlorine, tránh để phát tán mầm bệnh ra khu vực xung quanh, đồng thời cắt vụ nuôi, không thả thêm con giống và tiến hành cải tạo vuông nuôi để tránh dịch bệnh lặp đi lặp lại kéo dài. Khi đủ điều kiện thả nuôi nên chọn con giống tốt, cỡ lớn, chất lượng, không mang mầm bệnh và áp dụng quy trình nuôi tiên tiến, ương, nuôi 2-3 giai đoạn nhằm hạn chế rủi ro.

Ðối với những vuông nuôi đang có tôm, cua bị bệnh, chết thì tiến hành thu hoạch dứt điểm và không bổ sung con giống vào thời điểm này. Sau đó, rút nước phơi 5-7 ngày, kết hợp bón vôi (CaCO3) liều lượng từ 500-700 kg/ha để diệt mầm bệnh, tạo lại độ màu mỡ cho đất trước khi lấy nước, xử lý nước và thả lại con giống. Những nơi nguồn nước cấp bị cạn kiệt, không đảm bảo cho vuông nuôi thì nên ngưng thả thêm giống để hạn chế thiệt hại.

Thường xuyên gia cố bờ bao, hạn chế nước rò rỉ, duy trì mực nước trên mặt trảng > 0,5 m. Trong điều kiện thời tiết nắng nóng, thường xuyên cấp thêm nước để duy trì và ổn định các yếu tố môi trường./.

Ðặng Duẩn

Các tin mới

 

Nhấn vào đây để xem các tin trước

Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang