Nguồn tin: VOV, 25/05/2023
Ngày cập nhật:
27/5/2023
Đa dạng hóa thủy sản, ưu tiên phát triển các loại hải sản có lợi thế cạnh tranh là hướng đi mới trong nuôi trồng, chế biến thủy, hải sản ở tỉnh Quảng Ngãi.
Định hướng này nhằm đưa ngành nuôi trồng thủy sản trở thành ngành sản xuất hàng hóa quy mô lớn, thích ứng với biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường. Cách làm này đã mang lại hiệu quả kinh tế cho nhiều hộ nông dân.
Huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi đã quy hoạch 3 điểm nuôi trồng thủy sản với diện tích 50 ha. Toàn huyện có 51 hộ thả nuôi cá bớp, cá chim, cá tầm ma, tôm hùm. Gần đây, một số hộ dân nuôi thêm nhum biển, một loại hải sản có giá trị kinh tế cao.
Ông Nguyễn Bền, ở xã An Vĩnh, huyện Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi quả quyết, mô hình này mang lại hiệu quả cao.
"Mô hình mình nuôi thử nghiệm, nếu nuôi được có hiệu quả thì qua năm tôi nuôi thêm mấy ô nữa. Nuôi lớn lớn tôi bán 15.000 - 20.000 đông/một con" - ông Bền chia sẻ.
Điều kiện tự nhiên, môi trường sinh thái vùng biển ở Lý Sơn rất thuận lợi cho phát triển nuôi trồng thủy sản. Trung bình, mỗi hộ nuôi đầu tư khoảng 200 triệu đồng để làm lồng bè, mỗi năm thả từ 2-3 vụ cá giống. Nhiều hộ đã có nguồn thu nhập cao.
Ông Đặng Tấn Thành, Phó Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi khẳng định: "Việc nuôi trồng thủy hải sản của bà con rất phát triển, đem lại giá trị kinh tế cao, thu hút nhiều ngư dân tham gia. Trong những năm qua có những hộ gia đình thu lại giá trị kinh tế 500 - 700 triệu đồng trong một năm. Trong thời gian tới, huyện khuyến cáo bà con chuyển sang nuôi trồng bền vững hơn là khai thác, đánh bắt ở vùng tự nhiên".
Nuôi cá ở ao hồ vùng miền núi
Tại xã Tịnh Kỳ, thành phố Quảng Ngãi, cùng với thế mạnh về nuôi tôm, chính quyền địa phương đã quy hoạch 50 ha diện tích mặt nước nuôi trồng thủy, hải sản các loại. Hiện đã có 10 hộ dân nuôi cá lồng bè, chủ yếu là nuôi cá dìa, cá bè vẩu, cá chẽm, cá hồng. Không chỉ hỗ trợ việc xuất bán tôm, cá thương phẩm, chính quyền địa phương còn hướng người dân, thu hút doanh nghiệp tham gia chế biến thủy, hải sản xuất khẩu.
Ông Nguyễn Hoài Thanh, Chủ tịch UBND xã Tịnh Kỳ, thành phố Quảng Ngãi cho biết: "Cơ cấu kinh tế cũng tập trung cho vấn đề phát triển thủy sản. Tỷ trọng này vẫn chiếm đa phần trong cơ cấu kinh tế của xã. Một số doanh nghiệp cũng đã tham gia, chế biến các ngành nghề hải sản tươi, khô, cấp đông để xuất khẩu".
Ở huyện Mộ Đức, nuôi tôm trên cát đang là thế mạnh trong nuôi trồng thủy sản. Cùng với quy hoạch lại vùng nuôi tôm tại các xã Đức Phong, Đức Minh, Đức Thắng, chính quyền địa phương cũng chú trọng đầu tư hệ thống xử lý nước thải cho các hồ nuôi, giảm tỷ lệ tôm bị dịch bệnh, nâng cao sản lượng và chất lượng tôm khai thác.
Ông Phạm Ngọc Lân, Chủ tịch UBND huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi cho biết: "Định hướng của huyện cũng quy hoạch lại nuôi tôm trên cát để làm sao đi vào chiều sâu, tạo ra giá trị kinh tế cao hơn, theo hướng thâm canh tăng năng suất để vừa phát triển thủy sản vừa phát triển thương mại dịch vụ".
Cùng với việc quy hoạch các vùng nuôi trồng thủy sản tại các huyện Lý Sơn, Mộ Đức, Bình Sơn, Tư Nghĩa, thị xã Đức Phổ và thành phố Quảng Ngãi, ngành Nông nghiệp ưu tiên phát triển các loại hải sản có thị trường tiêu thụ và lợi thế cạnh tranh như cá mú, cá chẽm, cá chim vây vàng, cá giò, cá bè vẩu, tôm hùm, cua biển, hàu.
Tỉnh Quảng Ngãi khuyến khích các địa phương miền núi tận dụng ao, hồ để phát triển các loại thủy sản nước ngọt có giá trị kinh tế cao như cá chình, cá trắm, cá mè, cá chim.
Ông Hồ Trọng Phương, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Ngãi cho biết, tỉnh này phấn đấu đến năm 2030 sẽ có khoảng 2.500 lồng bè nuôi trồng thủy hải sản, sản lượng nuôi tăng khoảng 7%/năm.
Theo ông Hồ Trọng Phương: "Người dân nuôi trồng thủy sản đã đem lại thu nhập rất tốt. Tôi đánh giá rất cao các mô hình này. Người dân cũng đã nắm hết các quy trình kỹ thuật để đem lại thu nhập. Định hướng trong thời gian tới để sản xuất ổn định thì đề nghị các cơ sở nuôi phải đăng ký mã vùng nuôi để xuất đi theo đường chính ngạch đảm bảo thu nhập ổn định cho người dân".
Hiện, tỉnh Quảng Ngãi cần khoảng 250 tỷ đồng từ nguồn vốn Trung ương và địa phương để đầu tư, phát triển nuôi trồng thủy sản trở thành ngành sản xuất hàng hóa quy mô lớn, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng giá trị nuôi trồng và chế biến, đa dạng các loại thủy, hải sản thương phẩm, phục vụ thị trường trong tỉnh, trong nước và đẩy mạnh xuất khẩu./.
CTV Trà Giang/VOV-Miền Trung
- Kỹ thuật nuôi tôm, nuôi cá, phòng trị bệnh tôm, cá và các loại thủy sản khác
Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.