Nguồn tin: Báo Bình Định, 27/05/2023
Ngày cập nhật:
28/5/2023
Với thâm niên nghề nuôi tôm thẻ chân trắng hơn 10 năm, ông Nguyễn Ngọc Châu, Giám đốc Công ty TNHH Ngọc Châu (Cát Minh, Phù Cát, tỉnh Bình Định) là một trong những người tiên phong áp dụng công nghệ Semi - Biofloc trong nuôi tôm ở tỉnh Bình Định. Ðiều đáng quý là ông sẵn sàng chia sẻ những kinh nghiệm mà bản thân đã học hỏi, đúc kết được với tất cả những ai quan tâm.
MẠNH DẠN ÁP DỤNG CÔNG NGHỆ MỚI
Sớm nắm bắt được thông tin về công nghệ mới trong nuôi tôm, ông Châu nhanh chóng tiếp cận và mạnh dạn đầu tư. Đến nay, ông đầu tư 3 ha ao nuôi áp dụng công nghệ Semi - Biofloc, gắn hệ thống đèn led trong các ao nuôi, thiết lập hệ thống máy móc hỗ trợ…
* Ông bắt đầu với nghề nuôi tôm như thế nào, thưa ông?
- Năm 2010, tôi bắt đầu chuyển hướng sang nuôi tôm thẻ chân trắng thâm canh với diện tích 8,2 ha. “Chân ướt, chân ráo” vào nghề, tôi cũng như nhiều người nuôi tôm theo thói quen, phần lớn phụ thuộc vào trời đất. Qua vài vụ nuôi, các ao tôm đối mặt với dịch bệnh và ô nhiễm môi trường nước. Chính vì muốn thay đổi điều này tôi tìm kiếm thông tin, kỹ thuật, chịu khó tiếp cận, học hỏi và thay đổi dần. Ban đầu là công nghệ xử lý và lắng đọng nước trước khi nuôi, kế đó xử lý an toàn khi đưa ra ngoài để đảm bảo môi trường. Nhưng phải nói công nghệ Semi - Biofloc là mới hoàn toàn, nó giúp cải thiện chế độ dinh dưỡng, lọc nước… trong ao nuôi, đảm bảo an toàn với mức độ cao. Hiện tôi có 3 ha ao nuôi áp dụng công nghệ Semi - Biofloc, 5 ha nuôi bán thâm canh.
* Có phải công nghệ là yếu tố quyết định thành công của vụ nuôi tôm không, thưa ông?
- Chính xác thì công nghệ giúp người nuôi điều chỉnh được các vấn đề trong quá trình nuôi để giảm thiểu dịch bệnh và ô nhiễm, giúp tôm phát triển và khả năng thành công cao hơn. Không phải cứ có công nghệ là thành công hết. Người nuôi phải am hiểu kỹ thuật, kết hợp kinh nghiệm với nhiều yếu tố khác. Bản thân tôi, với quy mô diện tích lớn như thế này, tôi thuê nhiều kỹ sư có chuyên môn cao trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản “đứng chân” ở các hồ, họ có kỹ thuật, am hiểu công nghệ để triển khai, nhưng vẫn không thể thay thế hoàn toàn kinh nghiệm của tôi. Mình kết hợp nhiều yếu tố để đảm bảo mức độ thành công cao nhất.
Ông Nguyễn Ngọc Châu kiểm tra tình hình tôm nuôi. Ảnh: T.D
* Vừa ứng dụng công nghệ, vừa có kinh nghiệm, có vẻ như việc nuôi tôm của ông luôn thuận lợi…
- Đúng là thuận lợi nhưng không hẳn là hoàn toàn (cười). Tính từ lúc bắt đầu, tới nay tôi đã gắn bó 13 năm với nghề nuôi tôm. Năm 2016 tôi bắt đầu chuyển đổi dần các ao nuôi sang áp dụng công nghệ Semi - Biofloc. Sự chuyển đổi này bắt đầu do ô nhiễm nguồn nước nuôi và dịch bệnh trong giai đoạn 2015 - 2016. Từ năm 2016 đến nay, với Semi - Biofloc về cơ bản chúng tôi đều nuôi ổn định.
Riêng năm 2022 là một năm tôi… thua to khi các ao tôm -nuôi bằng công nghệ Semi - Biofloc và cả ao nuôi bán thâm canh - đều bị nhiễm bệnh EHP - tôm bỏ ăn và trong vòng 1 tuần chết đồng loạt; thua lỗ gần 5 tỷ đồng. Đấy, nói không hoàn toàn là vì thế đấy.
Nguyên nhân xuất hiện bệnh EHP sau đó được xác định là mầm bệnh từ bên ngoài xâm nhập vào qua hoạt động vận chuyển một số thứ từ bên ngoài vào khu nuôi. Do vậy, khi nuôi tôm người ta hạn chế gần như tuyệt đối không cho người ngoài vào là như thế; bây giờ toàn bộ các ao đều lắp đặt hệ thống camera giám sát, khử khuẩn, hạn chế tối đa các tác nhân bên ngoài.
CÙNG CHIA SẺ, CÙNG PHÁT TRIỂN ĐỂ ĐƯỢC HẠNH PHÚC
Ông Nguyễn Ngọc Châu, sinh năm 1956, Giám đốc Công ty TNHH Ngọc Châu. Năm 2018, ông được Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định tặng bằng khen về thành tích xuất sắc trong phong trào Người cao tuổi làm kinh tế giỏi giai đoạn 2012 - 2017, góp phần phát triển KT-XH của tỉnh.
Ngoài việc tiên phong trong áp dụng công nghệ vào nuôi tôm, chia sẻ kinh nghiệm với mọi người, ông Châu đã rất sáng tạo khi vận hành mô hình nuôi tôm của gia đình mình theo hướng chia sẻ lợi nhuận với nhân viên.
* Thuê nhân công thì trả đủ lương, đảm bảo chế độ như hợp đồng là tốt rồi, nghe nói ông còn chia sẻ lợi nhuận với nhân viên, có thật không thưa ông?
- Thông tin mà cô nghe được là chính xác. Nó là sự thật! Công ty tôi có 35 lao động, chủ yếu là người dân ở xung quanh đây. Các lao động được trả lương cứng khoảng 6 triệu đồng/tháng, ngoài ra được cung cấp chế độ ăn ở, sinh hoạt và một số phụ cấp khác ghi rõ trong hợp đồng của mỗi người.
Nhưng tôi còn chia sẻ lợi nhuận với nhân viên trên từng ao nuôi. Cụ thể, mỗi ao tôm có 5 - 7 lao động cùng phụ trách, sau mỗi vụ nuôi tôi trích 5% lợi nhuận chia lại cho các nhân viên đó. Tôi làm điều này để khích lệ nhân viên, để họ cùng suy nghĩ, lo lắng và chăm sóc cho con tôm với tôi. Nếu tỷ lệ tôm đạt yêu cầu cao (size từ 18 - 25 con/kg) lợi nhuận thu về tốt hơn, người phụ trách các ao tôm này sẽ được nhận nhiều hơn. Mọi thông tin đầu tư, lời lỗ của Công ty mọi người biết cả, vì thế người lao động của tôi coi ao tôm thiết thân không kém tôi đâu, nên tôi rất yên tâm khi giao hồ tôm cho các nhân viên của tôi quản lý. Ở góc độ tình cảm thì anh em họ rất thương quý tôi. Mình đảm bảo cả lợi ích vật chất, sống với anh em chân thành thì chỉ từ được trở lên!
Nuôi tôm bằng công nghệ cao, gia đình ông Châu đầu tư từ 2,5 - 5 tỷ đồng/1 ha ao nuôi. Ảnh: T.D
* Nghe nói ông còn động viên một số người làm việc cho mình mạnh dạn... “ra riêng”?
- Điều này cũng đúng. Và tôi rất vui! Tôi vốn làm nghề đóng tàu biển, cơ sở đóng tàu biển và kinh doanh xăng dầu Ngọc Châu từng có giai đoạn cực thịnh. Nhưng vì nhiều lý do gia đình tôi vướng vào cảnh thua lỗ, mất hết tài sản, khi đó tôi đã gần 50 tuổi. Ở tuổi đó, từng thành công như thế mà lâm vào tình huống như vậy rất khó để gượng dậy. Nhưng trời thương và người thương, gia đình ủng hộ nên tôi gượng được.
Càng lớn tuổi, càng hiểu và tiếp xúc nhiều, tôi tâm đắc rằng phải cộng đồng trách nhiệm, phải chủ động chia sẻ lợi ích với nhau thì phát triển mới bền vững. Khi chuyển hướng nuôi tôm tôi học hỏi kinh nghiệm từ nhiều người nên khi thành công, không có lý gì tôi lại giữ riêng cho mình; ai có nhu cầu học hỏi tôi chỉ hết, cặn kẽ từng ly từng tý.
Nhiều nhân viên khi làm việc đủ lâu, nhận thấy năng lực của họ, tôi đều khuyến khích họ mạnh dạn ra làm riêng, cần hỗ trợ gì thì tôi giúp. Như là trả nghĩa với đời và tôi thấy mình rất hạnh phúc. Có lẽ vì mình sống chân thành với bà con như thế gia đình tôi được bà con ở đây quý mến, con cái đều chịu khó, ăn học và trưởng thành. Tôi xem đó là thành công còn lớn hơn cả chuyện nuôi tôm lãi lớn đó.
Xin cảm ơn ông! Chúc ông vui khỏe và hạnh phúc!
THU DỊU (Thực hiện)
- Kỹ thuật nuôi tôm, nuôi cá, phòng trị bệnh tôm, cá và các loại thủy sản khác
Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.