Nguồn tin: Báo Sóc Trăng, 20/01/2023
Ngày cập nhật:
21/1/2023
Trong khi những nông dân nuôi thủy sản, trồng lúa, cây ăn trái đã và đang tận hưởng niềm vui tăng giá, chuẩn bị đón cái Tết sung túc, thì những hộ nuôi heo mỗi lúc một thêm lo lắng vì đã cận ngày Tết mà giá heo chẳng những không tăng, còn có xu hướng giảm. Nhưng nói gì thì nói, cả 2 sắc thái buồn vui ấy cũng chỉ tồn tại trong thời gian ngắn nữa thôi, bởi tất cả đang cùng hướng về một năm mới với những tính toán và kỳ vọng mới.
Bước vào tháng 11, ngoại trừ giá cá tra có phần chững lại, tôm thẻ và tôm sú có sự biến động đôi chút giữa các tỉnh, còn lại hầu hết các sản phẩm thủy sản nuôi trồng đều bắt đầu tăng giá và càng về cuối năm, giá càng có xu hướng tăng khá mạnh, niềm vui và sự tự tin vào một cái Tết sung túc ngày một gần hơn với người nuôi thủy sản. Giá tôm thẻ do các nhà máy ở Sóc Trăng công bố tuy có giảm nhẹ 2.000 - 4.000 đồng/kg đối với tôm cỡ lớn, nhưng bù lại, sức tiêu thụ tôm tươi sống (tôm oxy) ở thị trường nội địa lại tăng mạnh, nên giá tôm thực tế vẫn duy trì được ở mức cao, giúp người nuôi tôm có được lợi nhuận khá để đón cái tết Nguyên đán thêm sung túc.
Con tôm, cá chẽm là 2 trong số thủy sản nuôi có được niềm vui giá cao trong suốt năm 2022.
Bên cạnh con tôm, con cá chẽm cũng duy trì được mức giá cao ngay từ đầu năm đến tận những ngày giáp Tết này. Hiện tại, giá cá chẽm được thu mua tại ao với mức 84.000 - 85.000 đồng/kg, trong khi giá thành mỗi ký cá bình quân nếu nuôi đạt năng suất khoảng 70.000 đồng/kg, nên dù cái Tết vẫn chưa đến nhưng người nuôi cá chẽm đã vui như Tết. Anh Ngô Thanh Tuấn, một hộ nuôi cá chẽm ở xã Hòa Đông, thị xã Vĩnh Châu (Sóc Trăng), chia sẻ: “Suốt năm, giá cá chẽm luôn ở mức cao, có lúc lên hơn 100.000 đồng/kg, nhưng chỉ duy trì được vài ba ngày. Năm nay, hết dịch Covid, kinh tế phục hồi, nên nhu cầu cá chẽm dịp cuối năm tăng mạnh để phục vụ cho lễ, Tết, liên hoan”. Còn theo anh Võ Điền Trung Dũng - Giám đốc Công ty TNHH Đại Ngư Nghiệp ở huyện Trần Đề, sau 3 năm giảm mạnh vì dư thừa nguồn cung và ảnh hưởng dịch Covid, nhiều người đã bỏ ao, sản lượng cá giảm mạnh trong khi nhu cầu lại tăng lên, giúp giá cá chẽm tăng mạnh trở lại trong suốt năm 2022.
Không chỉ có con tôm và cá chẽm tăng giá mạnh, một số loại thủy sản nuôi khác cũng ghi nhận có sự tăng giá dịp cuối năm với các mức độ khác nhau. Giá cá lóc sau thời gian dài quanh quẩn ở mức 30.000 - 32.000 đồng/kg, gần đây đã tăng mạnh lên mức 42.000 - 45.000 đồng/kg đối với loại 500gr/con, còn lại 1 - 1,2kg/con có giá lên đến 52.000 đồng/kg. Với mức giá trên, theo ước tính của hộ nuôi, lợi nhuận bình quân mỗi ký cá khi thu hoạch từ 10.000 - 15.000 đồng. Theo một doanh nghiệp thu mua cá lóc có trụ sở tại Vũng Tàu cho biết, gần cuối năm, ngoài nhu cầu tiêu thụ nội địa thì nhu cầu xuất khẩu cá lóc phi lê sang một số nước Đông Nam Á cũng tăng lên đáng kể, trong khi nguồn cung giảm mạnh do có khoảng 50% hộ nuôi đã bỏ ao nên giá cả vì thế cũng tăng theo.
Cũng có được niềm vui tăng giá là những hộ nuôi lươn và nuôi ếch thịt. Giá lươn hiện tại tuy chỉ tăng nhẹ thêm 5.000 đồng lên mức 125.000 đồng/kg đối với lươn loại I, nhưng với những hộ nuôi mô hình nuôi không bùn thì mức tăng trên là rất có ý nghĩa vì năng suất nuôi theo mô hình này là rất cao, nhờ lợi thế có thể nuôi với mật độ 300 - 500 con/m2. Tương tự giá lươn, giá ếch gần đây đã đạt mức 40.000 đồng/kg đối với ếch loại I và với mức giá này, theo các hộ nuôi, nếu nuôi tốt, tỷ lệ đạt đầu con cao, người nuôi sẽ có lợi nhuận khoảng 10.000 đồng/kg.
Không hề kém cạnh thủy sản, giá lúa cũng tăng mạnh trong suốt cả năm và càng về cuối năm, thị trường lúa gạo càng sôi động do nhu cầu xuất khẩu và tiêu thụ nội địa tăng, nhất là những giống lúa chất lượng cao, lúa đặc sản. Hiện tại, hầu hết các tỉnh trong khu vực đều đã mở đồng thu hoạch vụ lúa Đông - Xuân sớm trong niềm vui giá lúa cao của người trồng lúa. Phần lớn các giống lúa hiện đang được thu mua tại ruộng ở mức bình quân 7.000 đồng/kg, riêng các giống lúa ST24, ST25 giá từ 7.800 đồng/kg trở lên vẫn hút hàng. Giá lúa tăng cao là tín hiệu vui đối với người trồng lúa trước thềm năm mới, nhưng theo chia sẻ của những nông dân trồng lúa lâu năm thì lợi nhuận cũng không quá cao, ngoại trừ hộ trồng giống lúa ST24, ST25. Nguyên nhân là do chi phí vật tư đầu vào, nhất là phân bón tăng quá mạnh, chi phí nhân công chăm sóc, thu hoạch… hầu hết cũng tăng theo, trong khi năng suất lúa không đạt như ý do ảnh hưởng thời tiết thất thường dịp cuối năm.
Theo quy luật, từ tháng 11 âm lịch là giá heo hơi bắt đầu tăng dần lên cho đến tận những ngày giáp Tết. Tuy nhiên, điều đó chẳng những không xuất hiện trong năm nay mà còn có xu hướng ngược lại, khi những ngày gần đây, giá heo hơi giảm xuống chỉ còn khoảng 5 - 5,2 triệu đồng/tạ (100kg). Dù chỉ còn khoảng 15 ngày nữa là đến tết Nguyên đán nhưng thị trường heo hơi vẫn chưa có tín hiệu nào cho thấy sẽ khởi sắc trở lại. Nguyên nhân theo các doanh nghiệp chăn nuôi là do năm nay có nhiều doanh nghiệp tham gia vào ngành chăn nuôi, nên tổng nguồn cung heo hơi ra thị trường ước tính tăng khoảng 11% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi nhu cầu tiêu dùng giảm do người dân thắt chặt chi tiêu vì nguồn thu nhập giảm. Do chi phí thức ăn đã tăng 38% so với cùng kỳ và gấp đôi so với năm 2020, nên với mức giá heo hơi hiện tại, các trang trại nuôi heo hộ gia đình khéo lắm cũng chỉ bảo toàn được vốn, còn thường phải chấp nhận thua lỗ. Riêng các trang trại nuôi heo thương mại (chủ yếu là của doanh nghiệp), giá thành trung bình mỗi tạ heo cũng vào khoảng 5 triệu đồng, nên tỷ suất lợi nhuận cũng là rất thấp.
Nông nghiệp vốn dĩ là vậy. Đôi khi niềm vui của người này lại là nỗi buồn của người khác và người nông dân cũng không mấy xa lạ với nghịch cảnh này. Tuy nhiên, nếu nhìn vào bức tranh tổng thể của ngành nông nghiệp năm 2022 thì niềm vui vẫn chiếm ưu thế, khi phần lớn các ngành hàng chủ lực đều có sự tăng trưởng ấn tượng cả về năng suất, sản lượng lẫn giá trị. Một năm mới đang cận kề và dù là vui hay buồn, mọi thứ rồi sẽ được gác lại, để nhường chỗ cho không khí đón xuân nồng ấm cùng những toan tính làm ăn cho một năm mới với những kỳ vọng mới.
TÍCH CHU
- Kỹ thuật nuôi tôm, nuôi cá, phòng trị bệnh tôm, cá và các loại thủy sản khác
Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.