• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Tồn hơn 1 ngàn tấn cá, người nuôi lo cá chết khi giao mùa

Nguồn tin: Báo Đồng Nai, 06/06/2023
Ngày cập nhật: 7/6/2023

Giao mùa, thời tiết nắng nóng gay gắt rồi xuất hiện nhiều đợt mưa to là một trong những nguyên nhân khiến nhiều hộ nuôi cá bè tại P.Hiệp Hòa (TP.Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai) đang xảy ra tình trạng cá chết.

Người dân nuôi cá bè tại P.Hiệp Hòa, TP.Biên Hòa vớt cá chết

Người nuôi cá bè tại P.Hiệp Hòa càng gặp khó khăn khi từ đầu năm đến nay, giá cá bán ra thấp vẫn khó tiêu thụ, hiện làng nuôi cá bè Hiệp Hòa còn tồn hơn 1 ngàn tấn cá chờ thu hoạch khiến nguy cơ cá chết hàng loạt tăng cao.

Hơn 1 ngàn tấn cá chờ thu hoạch

Trước giai đoạn giao mùa, người nuôi cá bè thường chủ động thu hoạch các lứa cá trưởng thành để hạn chế rủi ro cá chết. Nhưng từ sau Tết Nguyên đán 2023 đến nay, thị trường tiêu thụ chậm nên đa số các bè nuôi ở P.Hiệp Hòa đều rơi vào tình trạng cá quá lứa vẫn không thể thu hoạch dù đang bán dưới giá thành sản xuất.

Ông Nguyễn Hồng Văn, hộ nuôi cá bè tại P.Hiệp Hòa hiện còn tồn khoảng 30 tấn cá trắm, cá chép quá lứa thu hoạch lo lắng: “Khi thị trường tiêu thụ tốt, tôi gọi là thương lái đến mua ngay nhưng giờ phải chờ cả tháng mới đến lượt. Mỗi đợt bắt cá thương lái cũng mua nhỏ giọt chứ không thu hết như trước. Chúng tôi như đang ngồi trên lửa vì cá quá lứa càng nuôi càng lỗ, nhất là trong tình trạng có nguy cơ mất trắng vì cá chết như hiện nay”.

Ông Nguyễn Hồng Vy, vừa là thương lái thu mua vừa là hộ nuôi cá bè tại P.Hiệp Hòa cho biết, gia đình đang nuôi 30 lồng cá với sản lượng thu hoạch từ 5-7 tấn/lồng. Hiện ông còn tồn khoảng 50 tấn cá chép, cá trắm trọng lượng lớn cần thu hoạch nhưng buộc tiếp tục trữ lại bè vì phải ưu tiên mua cá cho các hộ nuôi bán cá lâu năm cho mình. Trước dịch Covid-19, bình quân ông thu mua 4-5 tấn cá/ngày thì sau dịch chỉ còn hơn 1 tấn/ngày vì thị trường tiêu thụ chậm. Hiện nguồn cá nước ngọt từ miền Tây xuất ra thị trường rất nhiều càng khó khăn trong cạnh tranh về đầu ra.

Thông tin từ Chi cục Thủy sản tỉnh, hiện tổng sản lượng cá đạt kích cỡ thu hoạch trong lồng bè nuôi tại P.Hiệp Hòa còn hơn 1 ngàn tấn. Trong đó, cá có trọng lượng lớn bị tồn lại nhiều.

Cán bộ Chi cục Thủy sản tỉnh đo mẫu nước trong bè nuôi cá tại xã Hiệp Hòa, TP.Biên Hòa

Hồi hộp vì cá chết

Theo người nuôi cá bè, gần 1 tháng qua, các bè nuôi cá xảy ra hiện tượng cá bỏ ăn, nhiều thời điểm nước đứng hoặc nước cạn cá nổi đầu sau đó xuất hiện tình trạng cá chết rải rác. Vài ngày trở lại đây, một số bè nuôi có tỷ lệ cá chết nhiều khoảng vài tạ/ngày. Hiện tượng cá chết chủ yếu xảy ra ở cá có trọng lượng lớn và tập trung tại một số bè nuôi khu vực gần bờ, nước cạn hoặc đoạn giữa vùng nuôi.

Ông Nguyễn Hồng Vy cho biết thêm, hơn 20 ngày trở lại đây, bè cá của ông bắt đầu xuất hiện cá chết rải rác trong ngày và tỷ lệ cá chết mỗi ngày mỗi tăng. Vài ngày gần đây, bè của ông chết hơn 1 tạ cá/ngày.

Cùng nỗi lo, hộ nuôi cá bè của ông Hoàng Văn Hồng cũng còn tồn khoảng 30 tấn cá trắm, cá chép đến kỳ thu hoạch chia sẻ: “Mấy đêm gần đây, tôi hầu như phải thức trắng cho chạy máy oxy và canh cá. Vài ba ngày gần đây, bè của tôi chết 500-600 kg cá/ngày, chủ yếu đều là cá có trọng lượng lớn. Đến nay, bè cá của tôi đã thiệt hại hơn 1 tấn cá”.

Ông Hồng cho biết thêm, từ sau dịch Covid-19 đến nay, vùng nuôi cá bè mới xuất hiện lại tình trạng cá chết nhiều như hiện nay. Năm ngoái cũng thời kỳ giao mùa, lượng cá chết không đáng kể. Trong khi năm nay, tình trạng cá chết tăng hơn. Người nuôi rất lo vì trước đây cá chỉ nổi đầu khi nước đứng hoặc nước cạn nhưng hiện nay, ngay cả khi nước chảy cá cũng có hiện tượng nổi đầu vì thiếu oxy.

Ông Phạm Khắc Bình, người nuôi cá bè tại P.Hiệp Hòa vừa vớt con cá trắm nặng 4-5 kg vừa xót xa so sánh, con cá trắm này thương lái hiện đang trả khoảng 70 ngàn đồng/kg, ra chợ bán được cả 100 ngàn đồng/kg nhưng bị ngộp chết có bán cũng chỉ còn 20-30 ngàn đồng/kg. Nhờ bè của ông cho chạy máy sục oxy liên tục, lượng cá còn lại trong bè cũng không nhiều nên tỉ lệ cá chết không cao, đến nay, thiệt hại khoảng vài tạ cá.

Sau buổi khảo sát tình trạng cá chết tại vùng nuôi cá bè xã Hiệp Hòa, ông Châu Thanh An, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh nhận định, cá chết do hàm lượng oxy hòa tan trong nước thấp dưới ngưỡng giới hạn cho phép; thời tiết giao mùa môi trường thường có những biến động bất thường; giữa các bè, lồng, xổng bố trí sát nhau, gần như không có khoảng cách, điều này làm cản trở sự lưu thông dòng chảy, thể hiện qua kết quả đo vận tốc dòng chảy trong các bè gần như bằng 0 m/s. Chi cục Thủy sản đã lấy mẫu nước gửi phân tích một số các chỉ tiêu ô nhiễm hữu cơ, vi sinh, tảo, thuốc trừ sâu, kim loại nặng.

Ông An khuyến cáo thêm, để hạn chế tình trạng cá chết, người nuôi cá bè cần trang bị và tăng cường sục khí để tăng hàm lượng oxy hòa tan trong nước, nhất là vào thời điểm con nước đứng, chú ý bố trí đồng đều các vòi sục khí và cường độ sục khí. San bè cá để giảm mật độ nuôi cá trong bè. Đặc biệt hiện nay có tình trạng người nuôi cá bè tại xã Hiệp Hòa đang tận dụng cá chết để nấu lại làm thức ăn cho cá hoặc vứt trực tiếp ra môi trường làm tăng nguy cơ ô nhiễm cục bộ. Theo khuyến cáo của Chi cục Thủy sản tỉnh, người nuôi cần thu gom cá chết lên bờ, xử lý vôi bột đồng thời thu gom, xử lý, dọn vớt rác, vệ sinh lưới lồng thông thoáng để bảo vệ môi trường và hạn chế xảy ra dịch bệnh.

Theo Chi cục Thủy sản tỉnh, hiện tượng cá chết xảy ra rải rác khoảng từ ngày 10-5, chủ yếu là các hộ nuôi cá lồng bè gần bờ với loại cá chết chủ yếu là cá chép, trắm cỡ lớn, trung bình từ 5-7kg/con. Tổng số cá thiệt hại trong 20 ngày qua khoảng 40-50 tấn, tương đương khoảng 4%. Tình trạng cá chết diễn ra rải rác trong ngày chứ chưa có bè nuôi nào xảy ra hiện tượng cá chết đồng loạt. Người nuôi cá bè cũng chủ động theo dõi, những ô bè có hiện tượng cá nổi đầu, xuất hiện tình trang bị ngộp đa số đều được vớt lên. Tuy nhiên, giá cá ngộp bán ra hiện chỉ ở mức từ 20-30 ngàn đồng/kg, trong khi giá cá sống bán được từ 40-70 ngàn đồng/kg.

Phan Anh

Các tin mới

 

Nhấn vào đây để xem các tin trước

Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang