Nguồn tin: Báo Sóc Trăng, 21/01/2023
Ngày cập nhật:
22/1/2023
Người Sóc Trăng nổi tiếng cần cù nhưng khá nhạy bén, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp. Không có lợi thế đất, nước bãi bồi mênh mông như Cà Mau, người Sóc Trăng nâng sản lượng tôm nuôi qua các quy trình thâm canh, quy mô tập trung lớn nhất vùng. Hơn nữa, mô hình tôm - lúa đang phát triển cả khu vực cũng là sản phẩm từ sự năng động của người Sóc Trăng. Từ kim ngạch xuất khẩu tôm chỉ bằng 1/2 của Cà Mau ở thập kỷ trước, năm 2020, Sóc Trăng dẫn đầu cả nước. Năm 2021, kim ngạch đã trên 1 tỷ USD, nhưng có thua sút chút ít so Cà Mau. Năm 2022, chắc chắn kim ngạch xuất khẩu tôm Sóc Trăng tăng và giữ vững vị thế của mình. Tuy nhiên, điều cần quan tâm hơn không phải là quy mô tăng trưởng, mà là các bên tham gia chuỗi con tôm và kinh tế, xã hội, nông thôn Sóc Trăng đã và sẽ được gì?
Các mắt xích chuỗi giá trị con tôm gồm nhiều khâu từ con giống, thức ăn, chế phẩm nuôi tôm, vật tư làm ao nuôi, người nuôi, thương lái, nhà chế biến… Ở đây, chỉ nói về hai mắt xích quan trọng nhất là người nuôi và nhà chế biến. Năm 2022, theo thống kê cho biết, tổng cung tôm giống và thức ăn cả nước đều tăng trưởng, nhưng không đồng bộ. Thức ăn tăng thấp hơn. Nguyên nhân là tôm nuôi khoảng 60 ngày tuổi trở lại phải thu sớm vì tôm bị bệnh vi bào tử trùng (EHP), phân trắng… Bệnh này khá trầm trọng và chưa có phác đồ điều trị rõ ràng, người nuôi chỉ ứng phó bằng kinh nghiệm và học hỏi nhau. Tôm chậm lớn khiến thiếu về sản lượng lẫn tôm cỡ lớn, dẫn tới giá tôm thương phẩm duy trì mức cao suốt cả năm. Đây là điểm sáng nhưng người nuôi không thụ hưởng trọn vẹn.
Mô hình tôm - lúa đang phát triển cả khu vực cũng là sản phẩm từ sự năng động của người Sóc Trăng. Ảnh: THIỆN NHẬN
Nhà chế biến còn vất vả hơn. Ecuador ở Trung Mỹ hiển hiện ra như chuyện thần thoại đầy bất ngờ, qua việc cung ứng tôm tăng trưởng cao và liên tục. Ecuador có lượng tôm tăng trưởng cao 30%/năm và giá cả thấp nhất thế giới, có thể rẻ hơn tôm ta trên 20.000 đồng/kg. Tôm họ nhanh chóng chiếm lĩnh khúc thị phần tôm chế biến trung bình và khá. Khó khăn trước đó là áp lực tôm giá rẻ từ Ấn Độ. Song song, thế giới bị bão lạm phát khá nặng, người tiêu dùng dè sẻn chi tiêu, tôm giá rẻ của họ trở thành đối tượng được quan tâm hơn dù tiện ích không bằng tôm ta, do chế biến sâu rút ngắn thời gian từ siêu thị tới bàn ăn. 4 tháng cuối năm 2022, các nhà chế biến tôm Việt nói chung, tôm Sóc Trăng nói riêng vất vả cho từng đơn hàng, khách hàng. Bởi họ yêu cầu hủy hoặc kéo dài thời gian giao hàng. Chuyện này không chỉ gây thiệt hại mà còn tác động lớn vòng quay vốn và khả năng thanh toán nợ vay ngân hàng. Cũng may, trước đó có tăng trưởng tốt nên bù qua sớt lại, năm 2022 cũng là năm khá thành công của con tôm tỉnh nhà.
Không có gì là bất biến, 5 - 6 năm trước khi đại dịch tôm hoại tử gan tụy chết sớm vừa đi qua, tỉnh ta có những vụ tôm bội thu. Niềm vui chưa trọn thì bệnh tôm mới xuất hiện như nói trên. Từ đó, những quy trình nuôi tôm nhất thiết phải có sự thay đổi kịp thời, phù hợp, nhất là để đối phó dịch bệnh. Nuôi tôm có oxy đáy, cứ nghĩ mức oxy hòa tan sẽ tốt hơn, nhưng giải pháp này sẽ đánh tan thức ăn thừa và phân tôm, chất rắn lơ lửng trong nước nhỏ hơn khó thu gom loại bỏ và chính hàm lượng chất rắn lơ lửng cao sẽ hạn chế mức độ hòa tan của oxy đồng thời tồn tại lâu hơn của nó là mầm mống sinh khí độc cho ao tôm. Có nghĩa là giải pháp này thiếu tính khoa học về mặt lý hóa lẫn sinh. Thả tôm nuôi thẳng từng ao, ao nào tôm bị nhiễm bệnh EHP ao đó chịu, nếu nuôi qua ao ươm, rủi ro này cao hơn, một ao ươm bị nhiễm bệnh sẽ thiệt hại nhiều hơn. Thậm chí ao che lưới, tuy có mặt tích cực nhưng cũng có nhược điểm là làm giảm nhiệt độ ao, mà tôm chỉ ăn mạnh khi nước ao từ 28 độ. Nêu chuyện trên đây không phải là lời khuyên hay hướng dẫn, chỉ muốn nêu vấn đề người nuôi phải luôn luôn tỉnh táo và có nhận xét, phân tích để có giải pháp nuôi phù hợp sự thay đổi của tình hình nhằm tăng tỷ lệ nuôi thành công.
Ứng dụng công nghệ cao vào nuôi tôm giúp tôm nuôi thâm canh tăng vụ, mùa vụ tôm nuôi thành công cao. Ảnh: THÚY LIỄU
Nhà chế biến cũng trong hoàn cảnh này. Như bán hàng qua Mỹ (thị trường xa), chi phí vận chuyển tăng thêm 1 USD/kg so với chi phí tôm từ Ecuador chở tới Mỹ. Chỉ chuyện vận chuyển khiến tôm ta thất thế, nói chi giá tôm họ còn rẻ hơn đô la mỗi ký khiến sức cạnh tranh tôm ta giảm quá nhiều. Nhà chế biến cũng như người nuôi tôm phải tỉnh táo, phân tích để có sách lược phù hợp. Bán xa thất thế, ta bán gần chi phí nhẹ như Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc… chẳng hạn. Đối thủ (tôm Ecuador, Ấn Độ) chiếm khúc thị phần tôm chế biến khá - trung bình, ta phát huy thế mạnh là tập trung bán hàng vào khúc thị phần chế biến cao. Không có gì bất biến, đối thủ đang nỗ lực cải thiện trình độ chế biến, nhận thức vậy, nhà chế biến ta phải nhanh chân chạy nhanh hơn và song song tầm vĩ mô phải có giải pháp hỗ trợ người nuôi tôm tăng tỷ lệ nuôi thành công, giảm giá thành… Có như vậy, con tôm mới tiếp tục bơi mạnh sắp tới.
Nói gì nói, với gần 200.000 tấn tôm thương phẩm năm 2022, ngành tôm tỉnh nhà đã tạo ra rất nhiều mối quan hệ dịch vụ, thương mại cũng như tạo ra việc làm trực tiếp chí ít cho hơn 40.000 hộ nuôi và hàng chục ngàn công nhân các nhà máy chế biến. Con tôm có tác động tích cực kinh tế - xã hội tỉnh nhà. Chỉ có điều năm 2022 đi qua, tuy có điểm sáng nhưng nỗi ưu tư của người nuôi tôm lẫn nhà chế biến là không nhỏ. Họ đang đối đầu với cạnh tranh toàn cầu, từ người nuôi và nhà chế biến khắp thế giới. Họ cần sự đồng hành từ cơ quan chức năng, cơ quan công quyền các cấp. Trước mắt là cần có sự kiểm soát chặt chẽ hơn tôm giống, không để tôm giống chất lượng kém lưu hành, tiêu thụ và có quy hoạch rõ vùng nuôi trọng điểm để sớm có đầu tư cơ sở hạ tầng, quan trọng hàng đầu là thủy lợi. Chút chuyện ngẫm nghĩ đầu Xuân không phải để lo mà để có tâm thế nỗ lực chung tay vượt qua một khó khăn được đánh giá là không nhỏ.
HỒ QUỐC LỰC
- Kỹ thuật nuôi tôm, nuôi cá, phòng trị bệnh tôm, cá và các loại thủy sản khác
Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.