Nguồn tin: Báo Vĩnh Long, 22/06/2023
Ngày cập nhật:
23/6/2023
Tận dụng ao cá bỏ không trong vườn nhà, chị Phạm Thị Thùy Dương (khóm Tân Bình, phường Tân Hội, TP Vĩnh Long) đã khởi nghiệp từ con ốc bươu đen. Đến nay đã mở rộng thành 2 ao nuôi ốc bươu đen, mỗi tháng cung cấp cho thị trường hơn 100kg ốc thương phẩm.
Tận dụng ao cá nuôi ốc bươu đen
Cha mất sớm, thấu hiểu nỗi vất vả của mẹ, chị Phạm Thị Thùy Dương (SN 1990) gác lại giấc mơ trở thành cử nhân Kế toán để quay về giúp mẹ trông coi mảnh vườn của gia đình.
Suốt 10 năm qua, trong vai trò là Bí thư Chi đoàn khóm Tân Bình, chị Dương không chỉ đóng góp tích cực trong công tác đoàn, hội tại địa phương, mà còn nỗ lực thực hiện giấc mơ lập nghiệp, phát triển kinh tế gia đình bằng nguồn lực sẵn có.
Cách đây 5 năm, trên diện tích gần 5 công đất vườn, gia đình chị Dương đào một ao nuôi cá nhưng không mang lại hiệu quả kinh tế.
Do đó, chị Dương nảy sinh ý tưởng tận dụng ao để nuôi ốc bươu đen với số vốn ban đầu hơn 10 triệu đồng. Vạn sự khởi đầu nan, lần thả nuôi đầu tiên thất bại do thiếu kinh nghiệm. “Ao bỏ không thì uổng, nghĩ cách thả nuôi con gì bán có tiền.
Thấy nuôi ốc bươu đen lúc nào cũng có đầu ra, nên tôi ra chợ mua 100kg ốc về thả đại xuống ao, tưởng đợi vài tháng nó đẻ rồi bắt con đem bán. Ai dè, con ốc bị sốc nước, sưng vòi chết gần hết, tôi gạn lên bán được chưa đầy 8kg, lỗ nặng luôn”- chị Dương kể lại ngày đầu khởi nghiệp.
Không nản chí, chị Dương tham khảo các bài viết hướng dẫn nuôi ốc bươu đen trên mạng, thường xuyên tìm đến những trang trại nuôi trứng ốc, ốc giống để học tập kinh nghiệm, kỹ thuật nuôi, tập tính của loài thủy sản này. Theo chị Dương, ốc bươu đen là loài ở sạch, sợ nắng, muốn dưỡng ốc thì phải nuôi bèo, bèo vừa là thức ăn cho ốc, có thể lọc nước, làm mát vừa bảo vệ ốc khỏi chim bìm bịp.
Chị Dương chia sẻ, ốc bươu sinh sản tốt nhất là vào mùa mưa, 1kg trứng ốc có thể nở ra 750-850 ốc con, sau 5-6 tháng thì ốc trưởng thành và đạt kích cỡ thu hoạch 18-22 con/kg. Đây được cho là loài dễ nuôi, ít tốn chi phí vì thức ăn đều có sẵn trong tự nhiên như cỏ dại, rau, củ, trái cây…
“Nuôi ốc rất nhàn, ngày cho ăn 1 lần, chỉ cần giữ cho dòng nước ra vô đều đều, sạch sẽ là ốc sẽ lớn nhanh. Hôm nào quên cho ốc ăn thì nó cũng tự kiếm ăn trong ao, không giống như gà vịt kêu la om sòm tối ngày”- chị Dương dí dỏm nói.
“Quan trọng nhất là khâu lựa chọn trứng ốc, con giống ngay từ đầu, những người nuôi ốc lâu năm thường không thả con giống một lượt xuống ao mà cho chúng nằm trên một lớp cỏ ngay mé ao, con nào mạnh thì sẽ tự bò xuống nước, nằm lại trên bờ là những con yếu, nếu có thả cũng sống không được lâu.
Trứng ốc thì tôi vẫn đặt mua tại các huyện ở Đồng Tháp, nếu nắm vững kỹ thuật thì tỷ lệ nở thành công hơn 95%”- chị Dương cho biết.
Dự án tham gia cuộc thi khởi nghiệp
Ốc bươu đen thường được đánh bắt chủ yếu ngoài tự nhiên và được chế biến thành nhiều món ngon được lòng thực khách, vậy nên nhu cầu tiêu thụ cũng khá lớn. Từ một ao nuôi ốc bươu ban đầu, đến nay chị Dương mở rộng lên 2 ao với tổng diện tích gần 1.200m2. Mặc dù chị đã linh hoạt vận dụng hình thức nuôi gối vụ, quanh năm đều có ốc thương phẩm để bán ra thị trường.
Song, mô hình của chị Dương vẫn chưa đủ khả năng đáp ứng được yêu cầu cung cấp liên tục với số lượng lớn tại các nhà hàng, quán ăn… “Khách hàng của tôi đa phần là người quen trong tỉnh. Những đơn hàng từ 20-30kg trở lên đều phải dặn trước vài bữa, có khi phải từ chối vì không đủ số lượng”- chị Dương chia sẻ.
Hiện nay mô hình nuôi ốc bươu đen của chị Dương cho thu hoạch ốc thương phẩm hơn 100 kg/tháng, với giá bán dao động từ 45.000-60.000 đ/kg, mang về nguồn thu nhập hơn 5 triệu đồng/tháng. Không chỉ bán ốc thương phẩm, chị Dương còn chủ động nuôi ốc bố mẹ để có nguồn trứng ốc, ốc giống bán ra thị trường, giá bán mỗi ký dao động trên dưới 1 triệu đồng đối với trứng ốc, 350 đ/con đối với ốc giống.
Bên cạnh việc giới thiệu, kinh doanh trực tuyến qua các kênh Facebook, Zalo, TikTok… chị Dương còn liên kết với các tổ chức đoàn, hội tại địa phương để tổ chức những buổi chia sẻ kinh nghiệm, hiệu quả của mô hình nuôi ốc bươu đen.
Trong thời gian tới, chị sẽ mở rộng diện tích ao nuôi, khuyến khích đoàn viên, thanh niên tại khóm cùng tham gia, nhân rộng mô hình, vừa góp phần giải quyết bài toán sản lượng ốc thương phẩm vừa tạo thu nhập ổn định cho nhiều người.
Ốc bươu đen được đánh giá là loài thủy sản nhàn công nuôi, ít tốn chi phí, mang đến nguồn thu nhập ổn định.
Bà Lê Thị Mỹ An - Bí thư Đoàn phường Tân Hội, nhận định: Mô hình nuôi ốc bươu đen của chị Phạm Thị Thùy Dương mang đến thu nhập ổn định, có triển vọng phát triển kinh tế gia đình, nhất là người không có nhiều vốn.
Đây là mô hình được chính quyền địa phương quan tâm, tạo điều kiện tham gia Cuộc thi Dự án khởi nghiệp năm 2023. Mong muốn sắp tới sẽ có nhiều đoàn viên, thanh niên cùng thực hiện, lan tỏa tinh thần khởi nghiệp, góp phần phát triển kinh tế địa phương.
Bài, ảnh: THẢO TIÊN
- Kỹ thuật nuôi tôm, nuôi cá, phòng trị bệnh tôm, cá và các loại thủy sản khác
Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.