Nguồn tin: Báo Sóc Trăng, 28/06/2023
Ngày cập nhật:
29/6/2023
Bệnh vi bào tử trùng trên tôm (EHP) xuất hiện khoảng 7, 8 năm qua trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng, bệnh tập trung chủ yếu trên con tôm giống, tỷ lệ 0,2 - 2%. Tuy nhiên, trong 3 năm trở lại đây tỷ lệ tôm giống bệnh vi bào tử trùng tăng lên 17%. Đây là trở ngại lớn nếu hộ nuôi mua phải con giống nhiễm bệnh, tôm sẽ không lớn và làm dịch bệnh lây lan, ảnh hưởng đến lợi nhuận sau vụ nuôi.
Bệnh vi bào tử trùng trên tôm không có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, là do một loại ký sinh trùng có tên là Enterocytozoon hepatopenaei (EHP) gây ra. Bệnh vi bào tử trùng không gây chết tôm nhưng lại làm tổn thương trên các ống gan tụy của tôm, làm tôm không hấp thụ chất dinh dưỡng, chậm lớn, giảm sức đề kháng, dẫn đến nguy cơ tôm bị nhiễm thứ phát các bệnh khác và làm tôm chết. Bệnh có tốc độ lây lan nhanh theo đường truyền ngang và dọc như: tôm mẹ truyền qua cho con trong quá trình sinh sản, bệnh bám vào vỏ tôm trong quá trình lột xác sẽ xâm nhập vào cơ thể, qua thức ăn. Khi tôm mắc bệnh vi bào tử trùng không có triệu chứng bệnh tích điển hình. Tuy nhiên, với các ao bị nhiễm bệnh, tôm thường có kích cỡ không đồng đều sau 20 - 30 ngày thả nuôi, tăng trưởng chậm, chỉ đạt 10 - 40% so với các ao không nhiễm bệnh. Để chẩn đoán bệnh trên tôm chỉ có thể thực hiện bằng phương pháp Realtime PCR hoặc nhuộm Giemsa để soi kính hiển vi.
Thường xuyên kiểm tra sự phát triển của tôm nuôi trong ao để kịp thời phát hiện, phòng trừ các dịch bệnh trên tôm nuôi. Ảnh: THÚY LIỄU
Theo đồng chí Đào Văn Bảy - Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Sóc Trăng, tôm nhiễm vi bào tử trùng ở tất cả các giai đoạn từ tôm giống đến tôm trưởng thành, nhưng ở giai đoạn sau, tỷ lệ nhiễm bệnh thấp dần. Bệnh vi bào tử trùng trên tôm là bệnh ký sinh trùng nội bào, đến nay chưa có thuốc điều trị nên việc sử dụng kháng sinh để phòng trị là không hiệu quả và việc lạm dụng kháng sinh làm cho tôm chậm lớn, gây hiện tượng kháng kháng sinh. Vì vậy, việc triển khai phòng bệnh được xem là biện pháp tốt nhất bảo vệ tôm nuôi, đặc biệt là tại hộ nuôi, cơ sở nuôi tôm thương phẩm. Để phòng tránh bệnh vi bào tử trùng trên tôm nuôi, trước khi thả nuôi phải cải tạo ao thật tốt, bằng cách phơi ao thật khô và loại bỏ hết chất hữu cơ tích lũy trong ao, vì chất hữu cơ trong ao nuôi cao thường gắn liền với số lượng bào tử trùng cao, do đó, loại bỏ bùn đáy ao để làm giảm nguy cơ mắc bệnh vi bào tử trùng trên tôm. Sử dụng vôi CaO để nâng pH lên 12 để tiêu diệt mầm bệnh còn sót lại trong ao. Nước lấy vào ao nuôi phải qua hệ thống ao lắng và có gắn túi lọc để loại bỏ mùn bã hữu cơ, loại bỏ một số loài trung gian truyền bệnh… sử dụng Chlorine 35ppm hoặc hóa chất khác để diệt mầm bệnh ngay trong ao lắng.
"Trong khâu chọn giống phải loại bỏ những lô tôm giống cho kết quả dương tính với bệnh vi bào tử trùng, nên chọn tôm giống ở những cơ sở có uy tín và xét nghiệm bằng phương pháp Realtime PCR đảm bảo âm tính với bệnh EHP thì mới thả nuôi. Trong quá trình nuôi không sử dụng thức ăn tươi sống, áp dụng các biện pháp an toàn sinh học trong nuôi tôm như: hạn chế người ra vào ao nuôi, sử dụng dụng cụ (vợt, chài, xô, thau, chậu…) riêng cho từng ao, nước đưa vào ao nuôi phải được khử trùng loại bỏ giáp xác, động vật hai mảnh vỏ, động vật thân mềm… trước khi lấy nước vào ao nuôi, treo cờ, chắn lưới để xua đuổi chim, cò… sử dụng các chế phẩm sinh học trong suốt quá trình nuôi để ngăn chặn sự tích tụ của mùn bã hữu cơ dưới đáy ao, từ đó làm giảm sự phát triển của các bào tử trùng" - đồng chí Đào Văn Bảy khuyến cáo thêm.
Chia sẻ cùng chúng tôi, đồng chí Huỳnh Ngọc Nhã - Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Sóc Trăng cho biết: “Tính đến thời điểm hiện tại, diện tích thả nuôi tôm nước lợ trên địa bàn tỉnh hơn 25.000ha, trong đó tôm thẻ chân trắng hơn 19.000ha, tôm sú hơn 5.900ha, đạt 49% so kế hoạch và bằng 74% so cùng kỳ. Diện tích tôm nuôi bị thiệt hại 568ha, thấp hơn cùng kỳ 778ha, tôm bị thiệt hại do các dịch bệnh vi bào tử trùng, gan tụy, phân trắng… Bệnh vi bào tử trùng là bệnh ký sinh trùng nội bào, chưa có thuốc điều trị. Do đó, để tầm soát bệnh vi bào tử trùng trên tôm, chúng tôi đã chỉ đạo các đơn vị liên quan trực thuộc ngành Nông nghiệp tỉnh, định kỳ hàng tuần thực hiện liên ngành lấy mẫu tôm giống trên xe vận chuyển tôm để kiểm tra, giám sát bệnh; tổ chức 1 lần/tuần lấy mẫu tôm tại các cơ sở sản xuất, ương dưỡng tôm giống để kiểm tra bệnh. Qua kết quả giám sát cho thấy tỷ lệ dương tính bệnh vi bào tử trùng trên tôm giống nhập vào tỉnh đến ngày 1/6 là 17% (tỷ lệ này rất cao). Do đó, khuyến cáo hộ nuôi tôm khi thả giống nên chọn tôm giống ở những cơ sở có uy tín và xét nghiệm bằng phương pháp Realtime PCR, đảm bảo âm tính với bệnh vi bào tử trùng thì mới thả nuôi".
THÚY LIỄU
- Kỹ thuật nuôi tôm, nuôi cá, phòng trị bệnh tôm, cá và các loại thủy sản khác
Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.