Nguồn tin: Báo Cà Mau, 18/07/2023
Ngày cập nhật:
19/7/2023
Người nuôi tôm đang áp dụng công nghệ cao, tiến bộ kỹ thuật để hạn chế nhiễm dư lượng kháng sinh, dùng chế phẩm sinh học giúp nuôi tôm đạt chuẩn để dễ bán, giá cao. Cùng với đó, có sự phối hợp chặt chẽ với doanh nghiệp và chính quyền địa phương đưa nghề nuôi tôm đi theo hướng phát triển bền vững, lâu dài.
Sử dụng chế phẩm sinh học
Sử dụng chế phẩm sinh học an toàn, giảm dùng thuốc kháng sinh, anh Lê Duy Châu (ấp Mường Ðiều A, xã Tạ An Khương, huyện Ðầm Dơi) trúng nhiều vụ nuôi. Anh cho biết, mô hình nuôi tôm với diện tích 2.000 m2/ao nếu đạt năng suất bình quân 5-7 tấn sẽ lãi trên 500 triệu đồng/vụ. Chẳng những anh thu hồi được vốn ban đầu mà còn có lãi. “Từ khi sử dụng chế phẩm sinh học, mỗi vụ đều cho lợi nhuận cao. Trung bình 2 ao tôm của tôi đạt năng suất 10 tấn/vụ, trừ hết chi phí tôi còn lợi nhuận trên 1 tỷ đồng. Rủi ro ít nên trong quá trình nuôi tôi mạnh dạn đầu tư và hạn chế dùng kháng sinh giúp tôm đạt chuẩn, được giá cao”, anh Châu phấn khởi.
Trong thành phần của chế phẩm sinh học có chứa các enzyme (men vi sinh), vitamin, vi chất, khoáng chất... có tác dụng hỗ trợ tiêu hoá và hấp thụ tốt thức ăn, bổ sung đầy đủ các dinh dưỡng thiết yếu cho môi trường ao nuôi...
“Chế phẩm sinh học giúp tôm có tỷ lệ sống cao, tăng trưởng nhanh hơn so với sử dụng kháng sinh hay hoá chất. Việc sử dụng các chế phẩm sinh học đang là giải pháp hợp lý, giúp môi trường ao nuôi luôn ổn định, kiểm soát được dịch bệnh, tăng sức đề kháng cho tôm nuôi. Mặt khác, sử dụng chế phẩm sinh học giúp phân huỷ tốt các chất hữu cơ, giảm mùi hôi của nước và giảm chất dơ trong ao”, ông Võ Văn Biết (ấp Kiến Vàng A, xã Việt Thắng, huyện Phú Tân), chia sẻ.
Ông Ngô Líc Kiêl, Phó chủ tịch xã Tân Hưng Tây, huyện Phú Tân, thừa nhận: "Hiện tại, trên địa bàn xã có đến 90% nông dân mua giống từ Công ty C.P nhưng chỉ có khoảng 20% tôm thịt bán được cho Công ty C.P; số còn lại chủ yếu được các công ty khác thu mua với giá thấp hơn từ 5-7 ngàn đồng/kg so với chuẩn của Công ty C.P".
“Bán cho các công ty lớn như Công ty C.P phải đảm bảo nhiều yếu tố, như về dư lượng chất cấm, size tôm, quy trình nuôi nghiêm ngặt nên người nuôi tôm thường chọn thương lái trên địa bàn”, ông Ngô Líc Kiêl cho hay.
Do đó, Chi cục Thuỷ sản tỉnh khuyến khích các hộ nuôi ứng dụng chế phẩm sinh học trong nuôi tôm, giúp nghề nuôi ổn định và phát triển. Tuy nhiên, người nuôi lưu ý, khi sử dụng các loại chế phẩm sinh học cần chú ý đến xuất xứ và sản phẩm, phải có tên trong danh mục được phép lưu hành, hướng dẫn của nhà sản xuất.
Ông Trần Văn Trung, Phó chi cục trưởng Chi cục Thuỷ sản tỉnh Cà Mau, trăn trở: “Trên địa bàn tỉnh hiện nay, giữa người nuôi tôm nhỏ lẻ, hợp tác xã và doanh nghiệp chưa có sự liên kết chặt chẽ. Vì vậy, đầu vào con giống không đảm bảo; chưa có sự trao đổi kỹ thuật chuyển giao công nghệ nuôi; bao tiêu sản phẩm gặp khó khi chưa tuân thủ quy trình nuôi. Trước những khó khăn trên, ngoài nỗ lực của người dân, chính quyền địa phương, các ngành chuyên môn cần hỗ trợ người nuôi bằng cách mở các lớp tập huấn kỹ thuật nuôi tôm; kiểm soát giá, chất lượng thức ăn, thuốc và dụng cụ thuỷ sản... nhằm giúp nông dân vượt qua khó khăn trước mắt, ổn định sản xuất”.
Giải pháp dài hơi
Nếu vẫn theo đuổi mô hình nuôi nhỏ lẻ, manh mún thì vòng luẩn quẩn “nợ - trả” không có đường ra. Hiện nay, nguồn vốn vay sản xuất là yêu cầu cấp thiết đối với người dân. “Năng lực tài chính của phần lớn hộ nuôi rất hạn chế, nên chỉ cần thua lỗ vài vụ tôm là không có khả năng tái đầu tư. Sự hỗ trợ về kỹ thuật sản xuất, bao tiêu sản phẩm của các công ty, cụ thể là Công ty C.P, là cơ hội lớn đầu tư nuôi tôm an toàn sinh học. Song, để sản phẩm của người nuôi tôm được đơn vị này thu mua thì cần thêm chi phí đầu tư cao theo mô hình Công ty C.P. Ðây là nguyên nhân chính khiến khó xây dựng chuỗi giá trị tôm”, ông Phạm Thanh Sang, Phó chủ tịch UBND xã Tạ An Khương, huyện Ðầm Dơi, cho hay.
Theo đó, giải pháp nuôi hiệu quả giúp kiểm soát rủi ro, giảm chi phí và nâng cao năng suất, tôm nuôi đạt kích cỡ lớn là điều cấp bách. Ông Trần Văn Trung cho biết, hiện nay, Chi cục Thuỷ sản tỉnh Cà Mau kết hợp với Công ty C.P triển khai mô hình nuôi tôm CPF Combine 3 giai đoạn. Quy trình nuôi tuần hoàn khép kín, không sử dụng kháng sinh, lượng hoá chất sử dụng giảm. Ðồng thời, hạn chế chất thải, áp lực ô nhiễm môi trường vùng nuôi so với phương pháp nuôi thâm canh thông thường, tăng năng suất và tỷ lệ thành công với mật độ cao. Ngoài ra, nuôi 3 giai đoạn còn sử dụng ưu thế tăng trưởng bù, do việc sang thưa, giảm dần mật độ, công tác quản lý, chăm sóc được thuận lợi hơn, hạn chế dịch bệnh, tôm thu hoạch đạt kích cỡ lớn cho năng suất cao, giảm giá thành sản xuất và nâng cao hiệu quả kinh tế cho người nuôi tôm.
Năng suất tôm trong mô hình CPF Combine 3 giai đoạn đạt trung bình khoảng 50-70 tấn/ha/vụ (có thể nuôi 3-4 vụ/năm), size tôm trung bình khoảng 20-30 con/kg sau 3 tháng nuôi, và có thể đạt size 15 con/kg sau 4-5 tháng nuôi, tỷ suất lợi nhuận khá cao, khoảng trên 80% nếu giá tôm ổn định.
Anh Phạm Thanh Sơn, ấp Cái Bát, xã Tân Hưng Tây, huyện Phú Tân, áp dụng chế phẩm sinh học trong nuôi tôm đạt hiệu quả cao.
Ông Nguyễn Vĩnh Phú, Phó tổng giám đốc Công ty Cổ phần Chăn nuôi CP Việt Nam, cho biết, Công ty sẵn sàng cung cấp nguồn giống có chất lượng, hỗ trợ về kỹ thuật và thu mua sản phẩm của người nuôi tôm nếu họ đảm bảo các yêu cầu về kích cỡ tôm, tôm không có chất tồn dư kháng sinh, thức ăn không có chất bảo quản hoặc tôm phải được nuôi theo công nghệ cao... “Mô hình nuôi tôm CPF Combine 3 giai đoạn giúp người nuôi chăm sóc tôm cho năng suất cao, kích cỡ lớn để dễ tạo lợi thế cạnh tranh... Hiện nay, nói về xuất khẩu tôm kích cỡ lớn thì Việt Nam đang là một trong những nước dẫn đầu”, ông Phú chia sẻ.
Nguồn vốn cho lĩnh vực nuôi tôm hiện nay rất khó khăn, nhiều người phải tìm tới phương thức hợp tác với các đại lý vật tư để làm hạ tầng nuôi tôm theo kiểu mua trước trả sau, chịu nhiều lãi suất. Thấu hiểu được những bất cập trên, thời gian qua, Kienlongbank Cà Mau chủ động cung cấp nhiều gói vay ưu đãi cho các hợp tác xã chuyên phân phối thức ăn, con giống, dụng cụ nuôi tôm...
Cái khó hiện nay khiến người dân không tiếp cận được vốn của ngân hàng là do còn thiếu nợ cũ chưa thanh toán, không còn tài sản thế chấp để mở rộng vốn. Ông Trần Thiện Thanh Tuấn khẳng định: “Quan điểm của ngân hàng chúng tôi là hợp tác với đại lý, hợp tác xã, tổ hợp tác, xã viên sản xuất, kinh doanh tốt và ngân hàng sẵn sàng gia tăng vốn sau khi đã đánh giá được hiệu quả kinh doanh, không phát sinh nợ quá hạn”./.
Phương Thảo - Việt Mỹ
- Kỹ thuật nuôi tôm, nuôi cá, phòng trị bệnh tôm, cá và các loại thủy sản khác
Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.