Nguồn tin: Báo Đồng Khởi, 26/01/2023
Ngày cập nhật:
30/1/2023
Qua kết quả khảo sát thực tế tình hình nuôi nhuyễn thể trên địa bàn tỉnh Bến Tre từ ngày 6 đến ngày 12-1-2023, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) nhận thấy các yếu tố môi trường nước như: Độ mặn, nhiệt độ tại các bãi nuôi của các hợp tác xã (HTX) thủy sản đều trong ngưỡng thích hợp cho sự sinh trưởng và phát triển của nghêu. Hiện nay, nghêu nuôi ở các HTX thủy sản trên địa bàn tỉnh đang phát triển tốt, đa số là cở nghêu trung (150-80con/kg), tổng sản lượng nghêu tại thời điểm khảo sát ước tính hơn 10.000 tấn.
Thu hoạch nghêu ở HTX Thới Thuận, Bình Đại.
Theo Phó giám đốc Sở NN&PTNT Nguyễn Văn Buội, để hạn chế thấp nhất nguy cơ thiệt hại trên nhuyễn thể có thể xảy ra, Sở NN&PTNT khuyến cáo các HTX thủy sản và các hộ nuôi sò huyết, hàu khẩn trương thực hiện một số nội dung cụ thể sau:
Đối với các HTX có mật độ nghêu > 200 con/m2 sau Tết Nguyên đán cần khẩn trương thực hiện một số giải pháp sau: Nhanh tìm nơi tiêu thụ, tuyệt đối không chờ giá hoặc tiến hành sang thưa ra các khu vực của HTX nơi có điều kiện môi trường ổn định trong thời gian xảy ra nắng nóng, độ mặn có khả năng tăng cao. Mật độ nuôi nghêu thịt từ 150-200 con/m2. Khai thông các khu vực đọng nước cục bộ làm nhiệt độ nước những ngày nắng nóng tăng cao kích thích nghêu sinh sản và gây ra hiện tượng nghêu yếu và chết. Các khu vực bãi cao, thời gian phơi bãi dài (hơn 4 giờ/ngày) của các HTX nuôi nghêu cần khẩn trương di chuyển nghêu đến nơi có điều kiện môi trường ổn định trong thời gian xảy ra nắng nóng, độ mặn tăng cao. Tăng cường công tác quản lý sân bãi, thường xuyên theo dõi sự phát triển của nghêu nuôi; theo dõi chặt chẽ biến động của thời tiết và môi trường nước như: Nhiệt độ, độ mặn, pH…. Nhằm sớm phát hiện các biến động bất thường của môi trường vùng nuôi nghêu để có biện pháp xử lý kịp thời.
Đối với các HTX thủy sản có mật độ nghêu thưa (< 200con/m2) thực hiện một số giải pháp: Tìm nơi tiêu thụ, tuyệt đối không chờ giá tránh rủi ro có thể xảy ra do nắng nóng, độ mặn đột ngột có khả năng tăng cao trong các tháng 3, 4, 5-2023. Tăng cường công tác quản lý sân bãi, thường xuyên theo dõi sự phát triển của nghêu nuôi; theo dõi chặt chẽ biến động của thời tiết và môi trường nước như: Nhiệt độ, độ mặn, pH…. Nhằm sớm phát hiện các biến động bất thường của môi trường vùng nuôi nghêu để có biện pháp xử lý kịp thời.
Đối với hàu: Thường xuyên kiểm tra hàu tại các bè nuôi, theo dõi chặt chẽ sự biến động của môi trường nước hàng ngày nhằm phát hiện sớm các bất lợi như: Nhiệt độ, độ mặn... để có giải pháp quản lý phù hợp. Đối với hàu lớn đạt kích cỡ thương phẩm thì thu hoạch cần tập trung khai thác, tuyệt đối không chờ giá nhằm tránh thiệt hại có thể xảy ra. Đối với hàu chưa đạt kích cỡ thu hoạch và hàu còn nhỏ cần san thưa các giá thể hoặc di dời đến vùng nuôi khác có độ mặn thấp hơn (từ 15 - 25‰), nếu có điều kiện; nên thiết kế lại giàn nuôi có phao nổi, khi xuất hiện đợt nắng nóng và độ mặn tăng cao dễ dàng di chuyển đến nơi có môi trường phù hợp cho hàu sinh trưởng và phát triển.
Đối với sò: Theo dõi chặt chẽ sự biến động của môi trường nước như: Nhiệt độ, độ mặn, pH...(đặc biệt là độ mặn) nhằm sớm phát hiện các biến động của môi trường làm ảnh hưởng đến sò huyết nuôi để có giải pháp xử lý kịp thời. Thường xuyên theo dõi tình hình phát triển của sò nuôi, kiểm tra tình trạng sức khỏe, mật độ phân bố và lượng sò tập trung ở vùng lưới chắn. Khu vực sò nuôi có mật độ cao và khu vực sò có nguy cơ bị thiệt hại, cần tiến hành san thưa hoặc di dời đến khu vực nuôi an toàn. Để hạn chế sò tập trung nhiều tại vùng lưới chắn, người nuôi có thể dùng lưới chia thành nhiều lô nhỏ để lượng sò tập trung không nhiều.
Đối với các hộ ương sò giống cần xác định rõ nguồn gốc sò giống để chọn vùng ương nuôi thích hợp. Nếu loài sò tròn (Andara granosa) thì vùng ương nuôi có độ mặn thấp từ 5 ‰ đến dưới 15‰, ngược lại loài sò dài (Andara nodifera) thì vùng ương nuôi có độ mặn trên 20‰. Riêng đối với loài sò dài (Andara nodifera) trọng lượng tăng trưởng tối đa chỉ đạt đến kích cỡ từ 150-200 con/kg, khi sò đạt đến kích cỡ này cần tiến hành thu hoạch và đặc biệt không nên tiếp tục thả nuôi vỗ béo. Đối với sò thịt đạt kích cỡ thương phẩm cần tiến hành thu hoạch ngay không chờ giá nhằm tránh thiệt hại có thể xảy ra, khi điều kiện thời tiết bất lợi xảy ra.
Khi nhuyễn thể nuôi có dấu hiệu bất thường hoặc bị thiệt hại đề nghị các HTX thủy sản và các hộ nuôi hàu, sò báo ngay về Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện, cán bộ Thú y các xã, Phòng NN&PTNT huyện Bình Đại, Ba Tri, Thạnh Phú để được hướng dẫn xử lý. Đồng thời, nên khẩn trương thu gom toàn bộ vỏ nhuyễn thể bị chết lên bãi cao tránh ô nhiễm môi trường vùng nuôi.
Để quản lý tốt tình hình nuôi nhuyễn thể các tháng đầu năm 2023 trên địa bàn tỉnh, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại có thể xảy ra trong thời gian nắng nóng, độ mặn tăng cao kéo dài, Sở NN&PTNT đề nghị các HTX thủy sản, UBND các xã có nuôi nhuyễn thể trên địa tỉnh cần tập trung thực hiện tốt các nội dung nêu trên.
Tin, ảnh: Thu Huyền
- Kỹ thuật nuôi tôm, nuôi cá, phòng trị bệnh tôm, cá và các loại thủy sản khác
Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.