Nguồn tin: Báo Thái Nguyên, 14/08/2023
Ngày cập nhật:
16/8/2023
Bước vào mùa mưa bão, tình hình thời tiết diễn biến bất thường, môi trường ao nuôi dễ bị thay đổi đột ngột, xuất hiện mầm bệnh, ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động nuôi trồng thủy sản. Vì vậy, ngành Nông nghiệp và các hộ nuôi thủy sản trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đã triển khai các biện pháp nhằm sẵn sàng ứng phó khi có mưa bão xảy ra, đảm bảo an toàn vùng nuôi, giảm thiểu thiệt hại về kinh tế.
Nhân viên Xí nghiệp Thủy sản Núi Cốc (Công ty TNHH Một thành viên Khai thác thủy lợi Thái Nguyên) kiểm tra chất lượng cá giống trước khi thả.
Gia đình ông Lương Văn Mạnh ở xóm Quyên, xã Phú Xuyên (Đại Từ), có hơn 1 mẫu ao thả các loại cá như: Trắm, chép, rô phi… Từ nghề nuôi trồng thủy sản, mỗi năm gia đình ông có thu nhập khoảng100 triệu đồng. Vì vậy, trong mùa mưa bão, ông Mạnh rất chú trọng đến công tác bảo vệ đàn cá trước những tác động bất lợi của thời tiết, bổ sung vitamin và khoáng chất nhằm tăng sức đề kháng cho cá.
Ông Mạnh chia sẻ: Vào mùa mưa, nhà tôi phát dọn bờ ao, gia cố các ống cống, nạo vét kênh mương để đảm bảo thoát nước nhanh nhất có thể. Ngoài ra, chúng tôi cũng chuẩn bị lưới để bảo vệ đàn cá nếu có mưa lớn kéo dài gây ngập úng cục bộ. Khi xuất hiện mưa bão, việc đầu tiên tôi làm là kiểm tra chất lượng nước để có biện pháp điều chỉnh phủ hợp; đồng thời điều chỉnh lượng thức ăn để hạn chế ô nhiễm môi trường, tránh lãng phí.
Nhiều hộ nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh cũng đã và đang tích cực triển khai các biện pháp bảo vệ vật nuôi nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại do mưa bão gây ra.
Toàn tỉnh hiện có hơn 6.000ha mặt nước nuôi trồng thủy sản. Những năm qua, bà con nông dân trong tỉnh đã tận dụng diện tích ao, hồ, sông, suối để nuôi trồng thủy sản thâm canh, bán thâm canh với các giống cá chất lượng cao như: Cá lăng, cá tầm, cá chép giòn…
6 tháng đầu năm, sản lượng khai thác và nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh đạt 7,3 nghìn tấn, tăng 5,6% so với cùng kỳ năm 2022. Hoạt động nuôi trồng thủy sản đã mang lại nguồn thu nhập ổn định, góp phần cải thiện đời sống cho nhiều hộ dân.
Mặc dù đã đạt được những kết quả tích cực nhưng hiện nay, đa phần diện tích nuôi trồng thủy sản của bà con trong tỉnh chưa có hạ tầng đồng bộ nên luôn tiềm ẩn nguy cơ xảy ra sự cố tràn bờ, ngập úng khi có mưa lớn kéo dài, ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng thủy sản và gây thiệt hại về kinh tế.
Trước thực trạng trên, Sở Nông nghiệp - PTNT đã có văn bản hướng dẫn bà con thực hiện các biện pháp ứng phó với mưa lũ trong nuôi trồng thủy sản. Theo đó, đối với vùng nuôi cá trong ao, ngành Nông nghiệp khuyến cáo bà con tiến hành thu hoạch thuỷ sản khi đạt kích cỡ thương phẩm. Đồng thời, bà con kiểm tra, tu bổ bờ ao và hệ thống xả tràn; chuẩn bị lưới, đăng chắn, cọc tre để cắm khi nước tràn hoặc vỡ bờ tránh thất thoát cá nuôi; khơi thông dòng chảy để việc thoát nước dễ dàng.
Người dân xã Phú Xuyên (Đại Từ) bổ sung vitamin vào thức ăn để tăng sức đề kháng cho cá.
Khi mưa lớn kéo dài, môi trường ao nuôi sẽ có những biến động đột ngột, các chất hữu cơ, độc tố tích tụ từ bờ xuống ao cá là những nguyên nhân làm cho cá dễ mẫn cảm với mầm bệnh, các tác nhân gây bệnh như vi khuẩn, vi rút, ký sinh trùng… Do vậy, bà con nên bổ sung vitamin vào thức ăn cho cá để tăng cường sức đề kháng; chủ động xử lý môi trường nước bằng vôi bột, hóa chất theo đúng liều lượng hướng dẫn của nhà sản xuất để khử trùng nước ao nuôi, phòng bệnh cho thủy sản nuôi.
Còn đối với các hộ dân nuôi cá lồng trên sông, hồ, ngành chức năng khuyến cáo bà con kiểm tra lại lồng bè, gia cố hệ thống dây neo, phao lồng và di chuyển vào nơi có dòng chảy nhẹ để tránh mưa lũ làm hỏng lồng. Ở những nơi có dòng chảy lớn cần dùng tấm chắn, bạt che chắn phía trước lồng nuôi làm giảm dòng chảy trực tiếp vào lồng, ngăn chặn các các vật rắn, gỗ làm hư hỏng lồng gây thất thoát cá.
Cùng với đó, bà con nên treo túi vôi trước dòng chảy để phòng bệnh cho cá, thường xuyên vệ sinh lồng sạch sẽ, thông thoáng để thoát nước, sơ tán dụng cụ, thiết bị, vật tư, thức ăn... Đặc biệt, bà con tuyệt đối không ở lại lồng bè nuôi khi có mưa lũ lớn nhằm đảm bảo an toàn tính mạng.
Theo dự báo của cơ quan chuyên môn, thời gian tới sẽ xuất hiện các đợt mưa lớn kèm giông lốc. Chính vì vậy, các hộ dân cần theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, mực nước trên các sông, suối để chủ động các biện pháp phòng, chống ảnh hưởng do bão lũ…
Khánh Thiện
- Kỹ thuật nuôi tôm, nuôi cá, phòng trị bệnh tôm, cá và các loại thủy sản khác
Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.