Nguồn tin: Cổng TTĐT tỉnh Sóc Trăng, 07/08/2023
Ngày cập nhật:
23/8/2023
Đó là chủ đề của hội nghị liên kết do Chi cục Thủy sản Sóc Trăng tổ chức ngày 04 tháng 8 năm 2023 tại xã Hòa Tú 1, huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng. Tham dự hội nghị có sự hiện diện của bà Quách Thị Thanh Bình - Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản; ông Tăng Thanh Chí - Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Mỹ Xuyên; ông Lê Văn Tô – Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Tú 1, bà Lâm Thúy An - đại diện Ngân hàng HDBank, cùng đại diện các công ty cung cấp vật tư đầu vào và hơn 50 người nông dân trong và ngoài các THT/HTX nuôi tôm trên địa bàn huyện Mỹ Xuyên tham dự.
Theo bà Quách Thị Thanh Bình, vụ nuôi tôm năm 2023 gặp nhiều khó khăn về môi trường, thời tiết. Ngay từ đầu năm độ mặn thấp và đến trễ hơn so với cùng kỳ năm trước từ 5-15‰, tình trạng chất lượng giống kém. Trong giai đoạn chính vụ thì người nuôi phải đối mặt với tình trạng mưa nhiều, giá cả vật tư đầu vào tăng cao trong khi giá tôm nguyên liệu giảm sâu và thấp hơn cùng kỳ từ 10.000-40.000 đ/kg tôm, làm cho người nuôi dù cho nuôi có sản lượng nhưng hiệu quả kinh tế không cao. Theo số liệu thống kê của Chi cục Thủy sản, tính đến ngày 04/8/2023 toàn tỉnh đã thả nuôi 39.338 ha (tôm thẻ chân trắng 29.310 ha, tôm sú 10.028 ha), đạt 77,1% so với Kế hoạch.
Hiện nay đa số hộ nuôi tôm còn thiếu vốn để tái sản xuất hoặc mở rộng đầu tư, cụ thể là đa số người nuôi khó tiếp cận nguồn vốn để tái sản xuất vì đã có dư nợ trước đó, mức lãi suất để đầu tư cho sản xuất vẫn còn ở mức cao và hạn mức cho vay chưa đáp ứng tương xứng với nhu cầu đầu tư của các mô hình sản xuất, nhất là các mô hình thâm canh, siêu thâm canh và mô hình ứng dụng công nghệ số, công nghệ kỹ thuật cao.
Hội nghị lần này là cầu nối để người nuôi tôm có thể tiếp cận với nguồn vốn vay tín dụng từ các ngân hàng để có vốn tái sản xuất và mua vật tư đầu vào bằng tiền mặt để giảm được chi phí sản xuất và vượt qua giai đoạn khó khăn này.
Đại diện Ngân hàng HDBank - bà Lâm Thúy An cho biết, Ngân hàng sẵn sàng hỗ trợ người nuôi vay vốn ngân hàng với hạn mức 01 ha khoảng 350 triệu với nhiều phương thức cho vay ngắn hạn và dài hạn với lãi suất ưu đãi.
Nhiều hộ nuôi tôm cũng có ý kiến mong muốn hợp tác cùng phía Ngân hàng để hỗ trợ người nuôi có thể tiếp cận được nguồn vốn vay; đồng thời mong muốn các ngành chức năng quản lý giá cả các mặt hàng vật tư đầu vào cho hợp lý và có giải pháp để tăng giá bán tôm, nhằm hỗ trợ người nuôi tôm sản xuất được hiệu quả hơn.
Kết luận hội nghị, bà Quách Thị Thanh Bình ghi nhận những khó khăn và những đề xuất của người nuôi tôm để ổn định giá cả vật tư đầu vào và giá nguyên liệu đầu ra, bố trí sản xuất có hiệu quả, quản lý được tình hình dịch bệnh, bảo vệ tốt môi trường, nhất là trong bối cảnh hiện nay vấn đề liên kết giữa người nuôi và doanh nghiệp và các bên có liên quan trong chuỗi ngành hàng là một trong những nhiệm vụ hết sức bức thiết và tiến đến phát triển thủy sản theo hướng có trách nhiệm và phát triển bền vững./.
Võ Quốc Hào - Chi cục Thủy sản tỉnh Sóc Trăng
- Kỹ thuật nuôi tôm, nuôi cá, phòng trị bệnh tôm, cá và các loại thủy sản khác
Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.