• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Người nuôi tôm gặp khó

Nguồn tin: Báo Long An, 30/08/2023
Ngày cập nhật: 31/8/2023

Hiện nay, giá tôm tiếp tục giảm mạnh, trong khi chi phí đầu vào tăng. Vì thế, người nuôi tôm đang lo lắng, nhiều hộ tính đến chuyện “treo" ao hoặc giảm diện tích nuôi vì khó có thể gồng gánh.

Ông Nguyễn Văn Khải kể về những khó khăn trong việc nuôi tôm của gia đình hiện nay

Ông Nguyễn Văn Khải (SN 1965, ngụ xã Tân Chánh, huyện Cần Đước, tỉnh Long An) là một trong những gia đình gắn bó với nghề nuôi tôm gần 30 năm. Nhờ con tôm, ông có điều kiện nuôi 3 người con tốt nghiệp đại học, có việc làm ổn định, xây dựng căn nhà khang trang và sở hữu 4ha đất nuôi tôm từ hai bàn tay trắng. Thế nhưng, từ đầu năm 2023 đến nay, ông đành ngậm ngùi "treo" ao và chỉ nuôi cầm chừng diện tích 6.000m2. Bởi với ông nói riêng, người dân Tân Chánh nói chung chỉ có thể sống nhờ con tôm, nếu bỏ nghề này cũng không biết làm nghề gì sinh sống.

Ông Khải bộc bạch: “Năm 1997, gia đình tôi chuyển từ đất trồng lúa cho năng suất thấp sang nuôi tôm sú, với diện tích 3.000m2. Hàng năm, sau khi trừ chi phí, gia đình có lợi nhuận gần 80 triệu đồng. Năm 2000, tôi mạnh dạn đầu tư nuôi tôm bán công nghiệp, với diện tích trên 2ha. Tận dụng kinh nghiệm qua nhiều năm và thích ứng với nền nông nghiệp 4.0, tôi đầu tư máy móc, trang thiết bị và hệ thống ao để nuôi tôm theo hướng công nghệ cao. Tuy nhiên, từ đầu năm 2023 đến nay, tôi đành phải giảm diện tích nuôi từ 4ha xuống còn 6.000m2. Nguyên nhân do giá tôm giảm mạnh, giá thức ăn, con giống tăng cao nhưng không chất lượng làm gia đình bị thua lỗ nặng”.

Từ đầu năm 2023 đến nay, ông Trần Văn Chín (xã Phước Vĩnh Đông, huyện Cần Giuộc) thu hoạch 2 đợt tôm, sau khi trừ tất cả chi phí, lợi nhuận gần 20 triệu đồng. Con số này rất thấp trong khoảng 5 năm trở lại đây. Còn giá thức ăn thì liên tục tăng, khiến ông Chín cũng phải đắn đo trước khi thả vụ tôm mới. Ông Chín trải lòng: “Hiện tại, giá tôm thấp quá, gia đình cũng băn khoăn không muốn thả, còn không thả thì lại tiếc. Giá tôm như vậy, gia đình chỉ huề vốn hoặc lỗ chứ không thể có lợi nhuận nhiều”.

Hiện nay, giá tôm giảm, trong khi đó dịch bệnh luôn tiềm ẩn, chi phí đầu vào tăng. Điều này làm người nuôi tôm ngại thả nuôi vụ tôm mới

Đánh liều thả nuôi tôm vụ mới, ông Chín phải đầu tư chi phí trên 30 triệu đồng cho 1 ao nuôi, với diện tích 1.300m2 để giảm hao hụt đầu con. Điều này cho thấy, ngoài nỗi lo về giá tôm xuống thấp, dịch bệnh cũng chính là nguyên nhân lớn, khiến nông dân mang tâm lý e ngại khi xuống giống vụ nuôi mới.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện tôm thẻ loại 100-110 con/kg bán giá 40.000-60.000 đồng/kg; loại 60-80 con/kg, bán giá 75.000-90.000 đồng/kg; loại 30-40 con/kg bán giá 100.000-110.000 đồng/kg. Tôm sú loại 50 con/kg trở lên bán giá 120.000-135.000 đồng/kg; loại 30-40 con/kg bán giá 150.000-160.000 đồng/kg. Giá tôm sú, tôm thẻ thấp hơn so cùng kỳ năm 2022 từ 30.000 - 45.000 đồng/kg.

Chủ tịch Hội Nông dân xã Tân Chánh, huyện Cần Đước - Nguyễn Thị Hồng Lam cho biết: “Tân Chánh có trên 900ha nuôi tôm, trong đó, gần 250ha nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao. Thời gian qua, hội viên gặp nhiều khó khăn trong nuôi tôm, trong đó, chủ yếu về vốn, tình hình dịch bệnh, bị thương lái ép giá đầu ra, chi phí đầu tư cao. Kiến nghị, thời gian tới các cấp, các ngành cần kiểm dịch chất lượng con tôm giống tốt hơn, bảo đảm tôm giống khỏe, phát triển bình thường; cần bình ổn từ giá thức ăn đến các loại thuốc trong nuôi tôm và giá đầu ra con tôm thịt”.

Con tôm là một trong những vật nuôi chủ lực, mang về giá trị kinh tế cao, nằm trong Chương trình đột phá Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với tái cơ cấu ngành Nông nghiệp của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020- 2025. Song, để con tôm phát triển bền vững, người nuôi không còn cảnh "treo" ao, ngoài sự vào cuộc của các cấp, các ngành, cần sự chung tay, ý thức của nông dân trong việc chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, góp phần nâng tầm con tôm, tạo ra sản phẩm chất lượng đến tay người tiêu dùng./.

Lê Ngọc - Lê Ngân

Các tin mới

 

Nhấn vào đây để xem các tin trước

Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang