• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Bảo tồn giống thủy sản quý hiếm

Nguồn tin: Báo Lào Cai, 30/08/2023
Ngày cập nhật: 31/8/2023

Cá lăng chấm là loài thủy sản nước ngọt quý, hiếm, phân bố chủ yếu ở các sông, suối khu vực miền núi, trong đó có tỉnh Lào Cai. Tuy nhiên, loài thủy sản này đang suy giảm trong tự nhiên, cần được bảo tồn nguy cấp.

Trước những năm 1970, cá lăng chấm sinh trưởng và phát triển mạnh trên hệ thống sông, ngòi thuộc tỉnh Lào Cai. Đây là loài thủy sản có đóng góp quan trọng trong việc duy trì đa dạng sinh học. Bên cạnh đó, thịt cá lăng mềm, thơm ngon, không có xương dăm, giá trị dinh dưỡng cao, được coi là một trong những món ăn đặc sản hàng đầu tại miền Bắc. Một thời gian dài, sản lượng đánh bắt cá lăng chấm chiếm tỷ lệ khá trong tổng sản lượng cá đánh bắt tự nhiên của Lào Cai. Cũng bởi vậy, số lượng quần thể loài cá lăng chấm trên hệ thống sông, ngòi sụt giảm nghiêm trọng. Năm 1992, Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường công bố Sách đỏ, đưa loài động vật này xếp vào mức nguy cấp bậc V, cần bảo vệ gấp.

Quá trình đô thị hóa, công nghiệp hóa đã khiến nhiều nơi vốn là khu vực sinh sống, cư ngụ và bãi đẻ của cá không còn; chất lượng nguồn nước tự nhiên tại các sông, suối cũng thay đổi khiến tập tính sinh học của các loài thủy sản biến đổi theo. Trước thực trạng đó, việc nghiên cứu sinh sản nhân tạo cá lăng chấm để gia hóa trong điều kiện nuôi đang được thực hiện là biện pháp hữu hiệu để bảo tồn loài cá này thoát khỏi nguy cơ tuyệt chủng.

Năm 2022, Trung tâm Giống nông nghiệp tỉnh đã triển khai mô hình nuôi lưu giữ, bảo tồn nguồn gen làm vật liệu phát triển giống cá lăng chấm. Theo đó, 44 con cá bố, mẹ đủ tiêu chuẩn đã được lựa chọn và đưa về nuôi tại Trại Nghiên cứu và Sản xuất giống nông nghiệp Bảo Thắng - Văn Bàn. Theo đặc tính của cá ngoài tự nhiên thì cá lăng chấm thường sinh sống ở những vùng nước sạch, có dòng chảy nhẹ, thức ăn chủ yếu là các loại cá tạp, giáp xác, khi được nuôi là điều kiện tốt để nghiên cứu đặc điểm sinh học sinh sản, đặc điểm sinh học sinh dưỡng, thuần hóa môi trường nuôi (từ nước chảy sang nước tĩnh), thuần hóa thức ăn, theo dõi tập tính bắt mồi của cá.

Trong quá trình gia hóa, trung tâm sử dụng thức ăn chính cho cá là các loại cá tạp kết hợp với thức ăn công nghiệp để dần thay đổi tập tính ăn, đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng chủ động, giúp cá dần quen với thức ăn công nghiệp, trở thành vật nuôi thuần hóa. Có như vậy mới khép kín được vòng đời để cá sinh sản theo ý muốn.

Đến nay, sau hơn 8 tháng nuôi dưỡng, cá sinh trưởng và phát triển tốt, trọng lượng trung bình đạt 2,7 - 3 kg/con (tăng 0,3 - 0,5 kg so với khi bắt đầu nuôi). Quá trình nuôi cho thấy cá đã thích nghi với môi trường nước tĩnh, quen dần với thức ăn thụ động, thức ăn công nghiệp.

Với nhiều kinh nghiệm trong sản xuất và sinh sản nhân tạo các loại giống thủy sản, Trung tâm Giống nông nghiệp tỉnh tin tưởng sẽ gia hóa thành công, cho sinh sản cá lăng chấm, tiếp tục nghiên cứu, theo dõi sự phát triển của cá con và mục tiêu trong tương lai gần là loài cá lăng chấm được nhân giống thành công, góp phần bảo tồn nguồn gen quý, hiếm.

Cá lăng chấm là loài cá da trơn, có giá trị thương phẩm cao (giá bán cao gấp 8 - 10 lần cá thông thường) và ngoài tự nhiên cá đang suy kiệt về số lượng, có nguy cơ tuyệt chủng. Việc bảo tồn, sản xuất giống bằng phương pháp nhân tạo sẽ mở ra triển vọng mới cho nghề nuôi thủy sản tỉnh Lào Cai, người chăn nuôi có thể chủ động về con giống để phát triển nuôi thương phẩm trên diện rộng nhằm khai thác diện tích mặt nước vào phát triển nuôi các loài cá kinh tế.

Nội dung: Kim Thoa - Trình bày: Khánh Ly

Các tin mới

 

Nhấn vào đây để xem các tin trước

Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang