• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Khai thác và phát triển chỉ dẫn địa lý ‘Cua biển Bến Tre’

Nguồn tin: Báo Đồng Khởi, 18/09/2023
Ngày cập nhật: 19/9/2023

Toàn tỉnh Bến Tre hiện có 6 sản phẩm đặc trưng đã được chứng nhận chỉ dẫn địa lý (CDĐL) Bến Tre gồm: dừa xiêm xanh, bưởi da xanh, sầu riêng, xoài tứ quý, cua biển, tôm càng xanh. Riêng sản phẩm “Cua biển Bến Tre” đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận đăng ký CDĐL số 00102 theo Quyết định số 1047/QĐ-SHTT ngày 14-4-2021.

Giới thiệu sản phẩm “Cua biển Bến Tre” của huyện Thạnh Phú. Ảnh: Minh Mừng

Cua biển tập trung tại Thạnh Phú

Sở Khoa học và Công nghệ đã có quyết định cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng CDĐL cho 2 hộ nuôi cua và Hợp tác xã Dịch vụ sản xuất nông nghiệp Thạnh Phong, xã Thạnh Phong, huyện Thạnh Phú.

Cách đây 10 năm, ước tính trữ lượng cua, ghẹ tự nhiên của khu vực 3 huyện biển có khoảng 908 tấn/năm, trong đó huyện Thạnh Phú chiếm trên 60% về diện tích và sản lượng nuôi. Nuôi cua biển có thể cho thu nhập tới 500 triệu đồng/ha, là nguồn sinh kế quan trọng của người dân địa phương, góp phần tái cơ cấu kinh tế vùng sinh thái bị xâm nhập mặn mạnh, cải tạo môi trường nước do phát triển nuôi tôm trong thời gian qua.

Những năm gần đây, diện tích nuôi cua biển toàn tỉnh khoảng 18,3 ngàn ha, sản lượng ước đạt trên 1,5 ngàn tấn/năm. Nổi bật là huyện Thạnh Phú chiếm 77% về diện tích nuôi cua toàn tỉnh, với 14 ngàn ha. Giống cua biển gồm cua bùn và cua xanh.

Toàn bộ diện tích “Cua biển Bến Tre” được nuôi theo phương thức quảng canh. Tại huyện Thạnh Phú, cua biển có thể được nuôi xen với tôm hoặc cá trong ruộng lúa, rừng ngập mặn, hoặc trong các ao/đầm, không có hộ sản xuất nào nuôi chuyên canh cua biển. Trong đó, nuôi cua biển trong vuông tôm là cách làm truyền thống đã có từ nhiều năm qua và cho thêm thu nhập từ 10 - 15 triệu đồng/ha/năm.

Các xã ven biển nuôi cua biển theo 3 loại hình chính: nuôi cua con thành cua thịt (cua y) và cua gạch; nuôi cua ốp thành cua thịt, cua gạch; nuôi cua lột. Trong đó, nuôi cua thịt và cua gạch là chủ yếu. Cua biển Bến Tre cũng ít bị bệnh trong quá trình nuôi, do hộ nuôi với mật độ nuôi thấp, không sử dụng thức ăn công nghiệp và ao/đầm luôn sạch sẽ. Giá bán cua biển Bến Tre tại Thạnh Phú dao động tùy theo loại thương phẩm (thịt, gạch, lột), chất lượng và mùa tiêu dùng: cua thịt từ 150 - 650 ngàn đồng/kg, cua gạch từ 250 - 500 ngàn đồng/kg và cua lột trên 200 ngàn đồng/kg.

Phó chủ tịch UBND xã Thạnh Phong Nguyễn Văn Tại cho biết: Thời gian qua, cùng với phát triển con tôm, địa phương có nhiều hộ nuôi cua biển, với diện tích giữ vững ổn định. So với các loại hình kinh tế khác, hơn 10 năm nay, con cua được xem là hiệu quả do đặc tính dễ nuôi, thích nghi thổ nhưỡng, khí hậu, đồng thời có giá trị kinh tế cao, mang lại nguồn thu ổn định, bền vững.

“Cua biển Bến Tre” có nhiều đặc tính nổi trội

Các đặc tính chất lượng đặc thù của “Cua biển Bến Tre” là: thịt chắc, vị ngọt đậm và không tanh. Để xác lập quyền sở hữu CDĐL “Bến Tre” dùng cho sản phẩm cua biển của tỉnh, các đơn vị phối hợp thực hiện đã lựa chọn các vùng nuôi cua biển trọng điểm khác trong khu vực để đối chứng.

Kết quả phân tích tại Học viện Nông nghiệp Việt Nam cho thấy, sự khác biệt lớn nhất trong lớp bùn đáy ao cua của khu vực địa lý “Cua biển Bến Tre” và các nơi khác là tỷ lệ cấp hạt sét và limon cao hơn nên nguồn thức ăn cho cua dồi dào hơn. Điều này có liên quan trực tiếp đến hệ thống thủy văn dày đặc chảy trong khu vực địa lý. Vì vậy, “Cua biển Bến Tre” chắc thịt hơn.

Độ mặn trong lớp bùn đáy tại khu vực địa lý cao hơn so với tại 2 vùng đối chứng. Vì vậy, “Cua biển Bến Tre” có vị ngọt và đậm hơn so với 2 sản phẩm đối chứng được thể hiện thông qua chỉ số Axit Glutamic (muối Natri của Acid Glutamic có vị ngọt kiểu đậm được sử dụng làm gia vị).

Chủ tịch HĐQT Hợp tác xã Dịch vụ sản xuất nông nghiệp Thạnh Phong, huyện Thạnh Phú Nguyễn Văn Trường cho biết: Hợp tác xã hiện có nhiều thành viên nuôi thủy sản, trong đó có con cua biển. Ông Trường cũng khẳng định, thời gian qua, con cua mang lại hiệu quả kinh tế ổn định cho người dân địa phương. Tuy nhiên, hạn chế hiện nay là hộ nuôi tự bán cho thương lái chứ chưa có kết nối tiêu thụ ổn định cũng như chưa có bao bì, nhãn hiệu để nâng cao giá trị con cua biển của Thạnh Phú. Hướng tới cần có những buổi tập huấn, hướng dẫn hộ nuôi thực hiện đúng quy định về sản phẩm CDĐL, đồng thời khai thác sử dụng và phát huy giá trị của CDĐL.

Không chỉ riêng các xã ven biển như Thạnh Phong, Giao Thạnh, Thạnh Hải, các xã khác như An Nhơn, An Qui, Mỹ An cũng phát triển nghề nuôi cua biển theo mô hình nuôi cua (hoặc kết hợp với tôm, cá) trong ruộng lúa.

Chất lượng và mẫu mã tốt

Việc xây dựng thành công CDĐL “Cua biển Bến Tre” là một trong những điều kiện pháp lý quan trọng để tạo điều kiện xây dựng và phát triển thương hiệu cho con cua huyện Thạnh Phú. Để khai thác và phát triển CDĐL cho sản phẩm cua biển trong thời gian tới, việc sản xuất và kinh doanh sản phẩm cần có một kế hoạch phát triển thị trường về mục tiêu, chiến lược, thị trường, khách hàng, đối thủ cạnh tranh, phương hướng và cách thức để thực hiện các mục tiêu, chiến lược... Vì vậy, xây dựng kế hoạch thương mại hóa cho sản phẩm “Cua biển Bến Tre” là cần thiết.

Điểm mạnh nhất của “Cua biển Bến Tre” hiện nay là chất lượng và mẫu mã tốt. Vì vậy, chiến lược đầu tiên là cần phải duy trì và phát triển chất lượng và mẫu mã của sản phẩm, trong đó bao gồm những chiến lược cụ thể sau: Tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm, sản xuất theo các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm. Đa dạng hóa quy cách đóng gói (0,5kg/túi lưới, 1kg/túi lưới, 1,5kg/túi lưới…) nhằm thỏa mãn nhu cầu mua hàng khác nhau của khách hàng (quà tặng, tiêu dùng, bảo quản...). Tùy theo nhu cầu của khách hàng mà sử dụng bao bì gắn nhãn một cách hợp lý.

Việc quản lý, khai thác và phát triển CDĐL “Cua biển Bến Tre” cần tập trung thông qua các chủ thể kinh tế tập thể (hợp tác xã, doanh nghiệp…) hoặc hộ gia đình có quy mô lớn theo phương thức trình diễn, tuyên truyền và tiếp tục tăng cường năng lực, từ đó nhân rộng trong vùng sản xuất.

Về phía người sản xuất cần tuân thủ các quy định kỹ thuật sản xuất sản phẩm mang CDĐL “Cua biển Bến Tre”, tăng cường kiểm soát cộng đồng về chất lượng đối với sản phẩm sử dụng CDĐL. Từng bước xây dựng và sử dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc tem điện tử thông minh (QR-Code), nhãn mác và logo của CDĐL “Cua biển Bến Tre” cho các sản phẩm đáp ứng được tiêu chuẩn CDĐL. Tập trung sản xuất theo các tiêu chuẩn an toàn và nâng cao chất lượng các sản phẩm. Xây dựng mã số vùng nuôi cho sản phẩm cua biển được bảo hộ CDĐL.

Cua biển Bến Tre được nuôi theo phương pháp quảng canh trong hệ sinh thái mặn lợ, giàu nguồn thức ăn nên có chất lượng tốt: chắc thịt, vị ngọt đậm, thơm. Các tiêu chí nhận dạng cảm quan của cua biển Bến Tre: Cua sống có màu vỏ sáng bóng, xanh lục hoặc vàng sẫm; yếm cua rắn, chắc; thể trạng khỏe, nhanh nhẹn, mắt lanh lẹ. Cua thịt chín có thịt cua chắc; mùi thơm đặc trưng của cua (không có mùi tanh); vị ngọt đậm, béo. Cua gạch chín, thịt có mùi thơm (không tanh), thịt chắc và vị béo; gạch mùi thơm, vị béo ngậy và ngọt đậm.

Cẩm Trúc

Các tin mới

 

Nhấn vào đây để xem các tin trước

Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang