Nguồn tin: Báo Thừa Thiên Huế, 02/10/2023
Ngày cập nhật:
3/10/2023
Hầu hết người dân nuôi cá lồng đều tự phát, không có thời vụ cụ thể, không tuân theo quy định nên thường bị ảnh hưởng, thiệt hại do bão, lũ.
Giằng neo lồng nuôi cá trên sông Bồ
Ông Hoàng Công Mùi ở xã Quảng Thọ (Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế) thừa nhận, lâu nay người dân nuôi cá lồng trên sông Bồ đều tự phát, chủ yếu nuôi theo kinh nghiệm, tập quán của mình. Phần lớn hộ nuôi đều không tuân thủ quy định, không theo khuyến cáo của cơ quan chức năng về khung lịch thời vụ.
Đến thời điểm này, các lồng cá của ông Mùi và nhiều hộ dân vẫn chưa thu hoạch xong, trong khi mưa lũ đang đến gần. Một bộ phận người dân thả nuôi giống kích cỡ nhỏ nên đến nay chưa thể thu hoạch. Một số thì nuôi cá giống kích cỡ lớn đã thu hoạch, tiếp tục thả nuôi lại vài tháng nay nên cá còn rất nhỏ.
Chủ tịch UBND xã Quảng Thọ, ông Trần Kìm thông tin, trên địa bàn xã Quảng Thọ có khoảng 830 lồng cá trắm cỏ nuôi trên sông Bồ. Theo phương thức nuôi gối nên người dân thu hoạch quanh năm. Đến nay vẫn còn nhiều lồng chưa thu hoạch xong vì cá còn quá nhỏ. Chính quyền địa phương tổ chức vận động người dân thu hoạch hoàn thành trước mùa lũ, bão nhưng sẽ rất khó vì cá chưa đạt kích cỡ thu hoạch đang còn nhiều.
Xã Quảng Thọ đang tích cực vận động, hướng dẫn người dân cố gắng thu tỉa đối với cá có thể bán được. Thậm chí người dân thu đại trà để bán, chấp nhận giá thấp nhằm tránh thiệt hại do lũ lụt. Số lồng cá còn lại phải được tổ chức gia cố, giằng neo an toàn vào các gốc cây, trụ bê tông ven đường, đảm bảo không để bị lũ cuốn trôi.
Bà Trần Thị Thanh Nhã, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Quảng Điền thông tin, trên địa bàn huyện có khoảng 1.200 lồng cá nuôi trên sông và 120 lồng nuôi trên đầm phá Tam Giang. Theo lịch thời vụ của huyện thì cá lồng phải thu hoạch xong trước 31/8. Tuy nhiên, thực tế rất khó để bà con thực hiện được vì cá trắm là đối tượng nuôi dài ngày, có thể đến 2-3 năm kể từ khi ươm giống.
Trước mắt, ngành nông nghiệp huyện cùng với các địa phương tuyên truyền, vận động và hướng dẫn người dân triển khai các biện pháp giằng neo lồng bè an toàn trong mùa mưa lũ. Đồng thời, khuyến cáo người dân không lưu lại trên lồng bè khi nước lũ dâng cao, chảy xiết nhằm đảm bảo an toàn tính mạng.
Ông Nguyễn Văn Thông, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Phú Lộc thông tin, trên địa bàn huyện chủ yếu nuôi các loài cá đặc sản trên đầm phá như mú, chẽm... Đến nay, các địa phương cơ bản thu hoạch xong các lồng cá đạt kích cỡ thương phẩm. Hiện còn một số lồng cá còn nhỏ, người dân tiếp tục nuôi để phục vụ nhu cầu tiêu thụ dịp tết. Ngành nông nghiệp huyện cũng đã tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn người dân các biện pháp bảo vệ cá trong mùa mưa lũ.
Hệ thống đầm phá Tam Giang - Cầu Hai và các sông Bồ, Ô Lâu, Đại Giang, sông Hương... có tiềm năng rất lớn để nuôi trồng thủy sản. Thực tế, dù vẫn còn tự phát, chưa khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế nhưng nuôi trồng thủy sản giúp nhiều hộ thoát nghèo, vươn lên khá giả. Nhiều địa phương đạt tiêu chí thu nhập, kết cấu hạ tầng hoàn thiện, đạt chuẩn nông thôn mới một phần nhờ nuôi trồng thủy sản trên sông, đầm phá.
Theo bà Trần Thị Thanh Nhã, Quảng Điền đang nghiên cứu để nâng cao hiệu quả nuôi trồng thủy sản một cách bền vững. Nuôi thủy sản vượt lũ, tránh thiệt hại là mục tiêu huyện đang hướng đến. Trong đó, rút ngắn tối đa thời gian nuôi để thu hoạch tránh lũ là yêu cầu đặt ra đối với ngành nông nghiệp huyện.
Để rút ngắn thời gian nuôi, ngành nông nghiệp phối hợp với các địa phương vận động người dân thực hiện phương thức nuôi chuyển tiếp. Tức là ươm giống trong ao đến khi đạt kích cỡ 1-1,5kg mới thả vào lồng nuôi. Nếu phải nuôi qua lũ cần gia cố lồng chắc chắn, nếu có thể thì di chuyển lồng đến những vùng có dòng nước chảy yếu hơn trong mùa mưa lũ.
Tiến sĩ Mạc Như Bình, Khoa Thủy sản thuộc Trường đại học Nông Lâm (Đại học Huế) cho rằng, ngành nông nghiệp và các địa phương cần nghiên cứu, tăng cường triển khai nhiều mô hình nuôi thủy sản vượt lũ, thích ứng biến đổi khí hậu. Không chỉ mô hình nuôi thủy sản vượt lũ mà cả ứng phó nắng nóng. Lồng bè phải được xây dựng kiên cố, vững chắc, công nghệ hiện đại, có khả năng chịu áp lực khi nước lũ chảy xiết.
Nuôi thủy sản phải gắn với chuỗi giá trị mới an toàn, bền vững. Các địa phương, người dân phải liên kết với các công ty, đại lý thu mua thủy sản thương phẩm nhằm có kế hoạch tiêu thụ sản phẩm cho người dân khi thu hoạch đại trà tránh lũ. Các công ty, đại lý phải đầu tư hệ thống cấp đông, bảo quản thủy sản trong mùa bão, lũ.
Theo ông Mạc Như Bình, người dân nên tuân thủ quy định về khung lịch thời vụ của ngành nông nghiệp và chính quyền địa phương. Thời điểm thả cá giống nuôi hợp lý nhất là ngay sau khi kết thúc mùa mưa lũ. Để rút ngắn thời gian nuôi, cá giống khi thả phải đạt kích cỡ lớn từ 1,5-2kg. Với kích cỡ cá giống lớn này còn có thể hạn chế tối đa hao hụt và chóng lớn, chống chịu tốt các loại bệnh và thời tiết xấu đầu vụ thả nuôi.
Bài, ảnh: Hoàng Thế
- Kỹ thuật nuôi tôm, nuôi cá, phòng trị bệnh tôm, cá và các loại thủy sản khác
Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.